Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 121/CĐ-TTg ngày 26/11/2024 về việc tiếp tục đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng.
Công điện gửi Bộ trưởng các Bộ: Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Chủ tịch các Hiệp hội ngành hàng, các Tập đoàn; Tổng giám đốc Tổng công ty.
Công điện nêu rõ, từ nay đến cuối năm, tình hình thế giới dự báo tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp, căng thẳng chính trị, xung đột quân sự có nguy cơ leo thang và lan rộng, rủi ro đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất, giá dầu tiềm ẩn nguy cơ biến động mạnh, tổng cầu trong nước còn yếu, vướng mắc của một số dự án năng lượng, bất động sản… chưa được tháo gỡ triệt để, hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước còn nhiều khó khăn, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp do ảnh hưởng của bão số 3.
Ảnh minh họa |
Để đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng những tháng cuối năm cần tiếp tục thực hiện các giải pháp phù hợp nhằm tăng tổng cầu, kích thích tiêu dùng trong nước, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đầu tư, sớm khắc phục hậu quả bão số 3, nhanh chóng ổn định đời sống của Nhân dân, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công… Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng các Bộ, Thủ tướng các cơ quan ngang bộ, cơ quan liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các hiệp hội ngành hàng, ngành nghề và doanh nghiệp quyết tâm hơn nữa, trách nhiệm hơn nữa, chủ động tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao tại các Quyết định, Chỉ thị, văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phát triển thị trường trong nước; rà soát, ưu tiên triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong giải ngân vốn đầu tư công, các gói tín dụng cũng như các chính sách thu hút nguồn lực xã hội tham gia thực hiện các chương trình, nhiệm vụ liên quan đến kích cầu tiêu dùng.
Bộ trưởng Bộ Công thương tiếp tục chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp điều tiết cung cầu, bình ổn thị trường và các chính sách khuyến khích tiêu dùng để khơi thông thị trường trong nước, gắn kết giữa sản xuất với phân phối và tiêu dùng hàng hóa; rà soát, nghiên cứu đề xuất chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng các sản phẩm trong nước và toàn cầu; đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu nhằm thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước tại các kênh phân phối truyền thống và hiện đại; tích cực hỗ trợ cung cấp thông tin thị trường, tư vấn pháp lý cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tích cực tổ chức các chương trình khuyến mại trên phạm vi vùng và toàn quốc, phối hợp với các địa phương tăng cường các hoạt động kết nối, phân phối các sản phẩm OCOP, đưa hàng hóa đến các địa bàn vùng sâu, vùng xa, các khu công nghiệp để kích cầu tiêu dùng trong nước;
Bộ Công thương đẩy mạnh triển khai các chương trình, sự kiện hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong hoạt động mua bán, tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước trên các nền tảng số hóa, thương mại điện tử; tổ chức các hoạt động thúc đẩy liên kết vùng trong thương mại điện tử, các hoạt động xúc tiến thương mại điện tử xuyên biên giới với các nước trong khu vực, thị trường nhập khẩu lớn. Nghiên cứu và xây dựng cơ chế kiểm soát chặt chẽ hàng nhập khẩu qua thương mại điện tử hiện đang tạo sức ép lớn lên hàng hóa sản xuất trong nước, ảnh hưởng tới tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp nội địa.
Bộ trưởng Bộ Tài chính điều hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, phối hợp đồng bộ, hài hòa, linh hoạt với chính sách tiền tệ và các chính sách kinh tế vĩ mô khác để thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; chỉ đạo đẩy nhanh thủ tục giải ngân kinh phí triển khai các Chương trình xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng của các bộ, ngành, địa phương nhằm thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước; phối hợp với Bộ Công Thương nghiên cứu giải pháp kiểm soát chặt chẽ hàng nhập khẩu qua thương mại điện tử phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác; tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng nghiên cứu xây dựng các sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng cho lĩnh vực tiêu dùng, phục vụ đời sống. Đẩy mạnh triển khai cho vay qua các hình thức điện tử, trực tuyến; đơn giản hóa thủ tục vay vốn, vay tiêu dùng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận vốn vay nhằm thúc đẩy tiêu dùng hàng hóa sản xuất trong nước; tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiết kiệm chi phí, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, giảm lãi vay cho doanh nghiệp và người dân để thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong những tháng cuối năm 2024 và đầu năm 2025…