Thủ tướng: Cắt giảm và đơn giản hóa thủ tục hành chính là không có giới hạn

Anh Đào| 18/03/2025 14:55

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu đẩy mạnh số hóa quốc gia, phát triển công dân số toàn diện, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính không có giới hạn, làm càng nhiều càng tốt.

Sáng 18/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06 (Ban Chỉ đạo) chủ trì Phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo. Phiên họp được tổ chức trực tiếp tại Trụ sở Chính phủ, trực tuyến với điểm cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tầm quan trọng của phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, cải cách hành chính và triển khai Đề án 06. Đây là những việc "không làm không được, nhưng làm phải có hiệu quả, chuyển mạnh mẽ từ nhận thức thành hành động, mang lại kết quả cụ thể, lợi ích cho quốc gia, dân tộc, cho nhân dân".

Thủ tướng chỉ rõ những kết quả đạt được trong triển khai các nhiệm vụ này thời gian qua. Thứ nhất, công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành được triển khai quyết liệt, tổ chức thực hiện được triển khai đồng bộ với quyết tâm cao từ Trung ương đến cơ sở, tạo xung lực mới, khí thế mới trong toàn xã hội.

Thứ hai, thể chế, cơ chế, chính sách liên quan đến khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, cải cách hành chính và Đề án 06 tiếp tục được tập trung hoàn thiện.

Thứ ba, chuyển đổi số tiếp tục có bước phát triển mạnh mẽ. Từ tháng 10/2024, Việt Nam đã chính thức thương mại hóa dịch vụ viễn thông 5G. Tốc độ Internet của Việt Nam năm 2024 xếp thứ 37, tăng 7 bậc so với năm 2023. Đưa thêm 1 tuyến cáp quang biển đi quốc tế lớn nhất từ trước đến nay vào hoạt động.

Thương mại điện tử tiếp tục phát triển mạnh mẽ (năm 2024 đạt 28 tỷ USD, tăng 36%). Thanh toán không dùng tiền mặt được triển khai rộng khắp (tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 57%).

Công nghiệp ICT có bước phát triển khá (doanh thu năm 2024 đạt 152 tỷ USD, tăng 10,9%). Công nghiệp bán dẫn có doanh thu 18,7 tỷ USD với 50 doanh nghiệp thiết kế vi mạch và 6 nghìn kỹ sư thiết kế. Doanh thu phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin tăng mạnh (năm 2024 đạt 18 tỷ USD, tăng 38,5%).

Nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới đầu tư và mở rộng đầu tư tại Việt Nam (Marvell - thiết kế chip; NVIDIA - nghiên cứu phát triển; SK Hynix - sản xuất bộ nhớ).

Công tác mở rộng cơ sở thu, quản lý thuế, hóa đơn điện tử được triển khai một cách tích cực, hiệu quả, góp phần tăng thu ngân sách nhà nước, bảo đảm cán cân tài chính quốc gia; thu thuế từ hoạt động thương mại điện tử tăng mạnh (năm 2024 là 116 nghìn tỷ đồng, tăng 19,5%).

 Cắt giảm và đơn giản hóa thủ tục hành chính không có giới hạn
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp (Ảnh: VGP)

Thứ tư, triển khai Đề án 06 được thúc đẩy mạnh mẽ, lan tỏa, mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân, doanh nghiệp, tăng cường quản lý xã hội và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được đẩy mạnh, đem lại hiệu quả thiết thực (hoàn thành cấp 100% căn cước công dân gắn chip cho công dân đủ điều kiện; kích hoạt trên 61 triệu tài khoản định danh điện tử; cung cấp 40 tiện ích trên ứng dụng VNeID, tăng 27 tiện ích so với năm 2023; làm sạch 45,7 triệu dữ liệu giấy phép lái xe).

Dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng được hoàn thiện, từng bước xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại (đã triển khai 58/76 dịch vụ công trực tuyến thiết yếu; 200 TTHC có thể khai thác để cắt giảm thành phần hồ sơ).

Đã tích hợp Sổ Sức khỏe điện tử và bệnh án điện tử với trên 15,5 triệu thông tin công dân; đưa vào hoạt động Hệ thống điều phối dữ liệu y tế (với 142 cơ sở khám, chữa bệnh tại 29 địa phương sử dụng Bệnh án điện tử). Hơn 2,7 triệu đối tượng chính sách được nhận trợ cấp an sinh xã hội và 79,2% người dân nhận lương hưu, trợ cấp BHXH qua tài khoản.

Thứ năm, Việt Nam có bước tiến mạnh mẽ trong xếp hạng về chuyển đổi số quốc tế. Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử năm 2024 tăng 15 bậc, xếp hạng 71/193. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2024 tăng 2 bậc, xếp hạng 44/133. Chỉ số an toàn, an ninh mạng toàn cầu năm 2024 tăng 8 bậc, xếp hạng 17/194.

Bên cạnh đó, Thủ tướng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế và nhiệm vụ chậm tiến độ, như còn 5 nghị định chậm được ban hành; nhiều nhiệm vụ tại các chương trình, kế hoạch, đề án triển khai còn chậm tiến độ, không có sự chuyển biến.

Chuyển đổi số phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và chưa là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Hiện chỉ khoảng 30% doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Vùng sâu vùng xa còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận Internet.

Cải cách hành chính chưa được quan tâm đúng mức, công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương có nơi, có lúc còn chậm, hiệu quả chưa cao. Cắt giảm, đơn giản hóa TTHC còn chậm; chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến chưa cao (tỉ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên Cổng Dịch vụ công quốc gia mới đạt 69,5%, chỉ tiêu năm 2024 là tối thiểu 80%, tỉ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC mới đạt 63,4%, chỉ tiêu năm 2024 là tối thiểu 80%).

Nhân lực cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, cải cách hành chính và triển khai Đề án 06 còn chưa đáp ứng nhu cầu cả về số lượng, chất lượng, phân bổ, thái độ làm việc và đạo đức nghề nghiệp; chưa có cơ chế hợp tác công tư trong huy động nguồn lực...

Định hướng thời gian tới, Thủ tướng chỉ đạo 3 công việc quan trọng với các cấp, ngành, địa phương, các chủ thể. Đó là thực hiện đẩy mạnh số hóa quốc gia; cắt giảm và đơn giản hóa thủ tục hành chính không có giới hạn, làm càng nhiều càng tốt; phát triển công dân số toàn diện.

Tinh thần là "bộ máy phải tinh gọn, dữ liệu phải kết nối, quản trị phải thông minh".

Chỉ rõ 3 nhiệm vụ cụ thể cần tập trung thực hiện, Thủ tướng yêu cầu phải xử lý các văn bản hành chính và nhất là thủ tục hành chính trên môi trường số.

Đẩy mạnh, phổ cập thanh toán không dùng tiền mặt, với lộ trình cụ thể để cần làm tốt hơn nữa.

Đẩy mạnh thu thuế điện tử, áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, nhất là với dịch vụ ăn uống và bán lẻ.

Về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, Thủ tướng yêu cầu xây dựng và trình ban hành Chương trình Quốc gia phát triển công nghệ và công nghiệp chiến lược, bao gồm phát triển hệ thống các trung tâm nghiên cứu, thử nghiệm, các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, tập trung cho công nghệ chiến lược.

Về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, Thủ tướng yêu cầu xây dựng và trình ban hành Chương trình Quốc gia phát triển công nghệ và công nghiệp chiến lược, bao gồm phát triển hệ thống các trung tâm nghiên cứu, thử nghiệm, các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, tập trung cho công nghệ chiến lược.

Xây dựng Đề án hình thành các doanh nghiệp công nghệ chiến lược quy mô lớn trong nước để phát triển hạ tầng số, nhân lực số, dữ liệu số, công nghệ chiến lược, an toàn an ninh mạng.

Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ thành lập Quỹ đầu tư phát triển công nghiệp chiến lược. Xây dựng Chương trình phát triển Chính phủ số và triển khai Chính phủ không giấy tờ và thực hiện chỉ đạo, điều hành trên môi trường điện tử dựa trên dữ liệu.

Đưa Trung tâm dữ liệu quốc gia đi vào hoạt động trong năm 2025, các bộ, ngành, địa phương xây dựng cơ sở dữ liệu của mình; sớm mở sàn giao dịch dữ liệu số; đẩy mạnh phát triển hệ thống truyền dẫn dữ liệu qua vệ tinh; cáp quang băng thông rộng tốc độ cao…

Về cải cách hành chính, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh cung cấp, nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến, gắn với sắp xếp đơn vị hành chính, không để ách tắc công việc. Đẩy mạnh cắt giảm và xóa bỏ TTHC; chuyển trạng thái "xin" cung cấp dịch vụ công sang trạng thái "chủ động" cung cấp dịch vụ công cho người dân. Trong năm 2025, 100% các sân bay, bến cảng, cửa khẩu ứng dụng công nghệ sinh trắc, nền tảng VNeID.

Để đẩy mạnh triển khai Đề án 06, Thủ tướng chỉ đạo bám sát Chỉ thị số 07/CT-TTg, xây dựng Kế hoạch triển khai, có giải pháp cụ thể, lộ trình chi tiết, đảm bảo "rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ kết quả", gắn trách nhiệm của từng cơ quan, cá nhân cụ thể.

Các bộ, ngành thực hiện cắt giảm thành phần hồ sơ đối với 324 TTHC có thông tin giấy đã được tích hợp trên tài khoản định danh điện tử; hoàn thành trong Quý II/2025.

Các địa phương khẩn trương hoàn thành số hóa dữ liệu hộ tịch, dữ liệu đất đai, chủ động nghiên cứu phương án tái sử dụng dữ liệu đã số hóa để thực hiện đơn giản hóa đối với 200 TTHC theo thẩm quyền (có 10 địa phương: Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, TPHCM, Bắc Giang, Hà Nam, Nam Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hòa đã khai thác dữ liệu đất đai trong giải quyết thủ tục đăng ký cư trú).

Theo thuongtruong.com.vn
https://thuongtruong.com.vn/news/thu-tuong-cat-giam-va-don-gian-hoa-thu-tuc-hanh-chinh-la-khong-co-gioi-han-136375.html
Copy Link
https://thuongtruong.com.vn/news/thu-tuong-cat-giam-va-don-gian-hoa-thu-tuc-hanh-chinh-la-khong-co-gioi-han-136375.html
x

Nổi bật

    Mới nhất
    Thủ tướng: Cắt giảm và đơn giản hóa thủ tục hành chính là không có giới hạn
    • Mặc định
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO