Trong các ngày 8-9/7, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thực hiện chuyến thăm chính thức Nga theo lời mời của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Chuyến thăm chính thức nước ngoài đầu tiên kể từ khi ông Modi nhậm chức nhiệm kỳ ba này được cả hai bên mong đợi và được đánh giá là sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ song phương.
Đây là chuyến thăm đầu tiên của ông Modi tới Nga kể từ năm 2019, khi ông tham dự hội nghị kinh tế ở thành phố Vladivostok thuộc vùng Viễn Đông.
Điểm nhấn của chuyến thăm là hội nghị thượng đỉnh lần thứ 22 giữa Thủ tướng Ấn Độ và Tổng thống Nga, cơ chế đối thoại mang tính thể chế cao nhất trong quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước, sau hội nghị lần thứ 21 cuối năm 2021.
Bộ Ngoại giao Ấn Độ (MEA) cho hay Thủ tướng Modi và Tổng thống Putin sẽ đánh giá toàn bộ mối quan hệ nhiều mặt giữa hai nước và trao đổi quan điểm về các vấn đề khu vực và toàn cầu cùng quan tâm.
Một số nguồn tin cho rằng hai bên sẽ thảo luận các chủ đề nhằm giải quyết những cản trở trong quan hệ song phương.
Ngoại trưởng Subrahmanyam Jaishankar nhấn mạnh cơ hội đàm phán trực tiếp giữa hai nguyên thủ trong việc tháo gỡ tình trạng mất cân bằng thương mại hiện có giữa hai quốc gia.
Theo dữ liệu của Bộ Thương mại Ấn Độ, thâm hụt thương mại của New Delhi với Moskva đã tăng 33% lên hơn 57 tỷ USD trong tổng kim ngạch 65,7 tỷ USD của tài khóa 2023-2024.
Hai nước cũng đang thực hiện các kế hoạch nhằm thúc đẩy xuất khẩu của Ấn Độ sang Nga trong các lĩnh vực như nông nghiệp, sản xuất, dược phẩm và dịch vụ.
Cả hai nước cũng đặt mục tiêu thúc đẩy hiệp ước đầu tư song phương và hoàn tất hiệp định thương mại tự do với Liên minh kinh tế Á-Âu do Moskva đứng đầu.
Vấn đề kết nối cũng được cho là chủ đề chính trong cuộc gặp. Trước đó, các quan chức Nga và Ấn Độ đã sôi nổi thảo luận về phương thức thúc đẩy vận hành và phát triển Hành lang Vận tải Quốc tế Bắc-Nam (INSTC) cùng khởi xướng năm 2001.
Để khai thác các tiềm năng thương mại và kinh tế của nhau, nhiều khả năng hai nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về hiệp định bảo hộ đầu tư song phương, hàng rào phi thuế quan trong thương mại, tăng cường mối quan hệ giữa ngân hàng và công ty bảo hiểm…
Theo nhận định của chuyên gia Aaryaman Nijhawan thuộc Đại học Delhi (Ấn Độ), cơ chế thanh toán song phương sẽ là một trong những trọng tâm của cuộc gặp thượng đỉnh này.
Tình trạng mất cân bằng thương mại lớn giữa Ấn Độ và Nga, lượng hàng xuất khẩu của Ấn Độ trên thị trường toàn cầu hạn chế, lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga … đã gây khó khăn cho cơ chế thanh toán giữa hai bên.
Cùng chung nhận định trên, tờ Economic Times cho rằng cuộc gặp thượng đỉnh Ấn Độ-Nga sẽ ưu tiên phát triển các cơ chế chuyển tiền nhanh chóng và hiệu quả giữa hai quốc gia.
Sáng kiến này đã trở nên cấp bách sau khi Nga bị loại khỏi Hiệp hội viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu (SWIFT) và sự gia tăng đáng kể trong thương mại song phương kể từ khi nổ ra cuộc xung đột Ukraine.
Hai nhà lãnh đạo cũng sẽ thăm dò khả năng sử dụng đồng nội tệ của mỗi nước cho khách du lịch và sinh viên, bao gồm cả việc tích hợp thẻ RuPay ở Nga và thẻ MiR ở Ấn Độ.
Trong khi 60% lượng giao dịch thương mại Ấn Độ-Nga được thực hiện bằng đồng nội tệ, sự vắng mặt của SWIFT đã làm nổi bật nhu cầu về các giải pháp thanh toán theo thời gian thực và nhanh hơn. Các nhà lãnh đạo dự kiến nỗ lực thiết lập một cơ chế đặc biệt để giải quyết vấn đề này.
Theo báo South China Morning Post, chuyến thăm của Thủ tướng Modi tới Nga được xem là nỗ lực của New Delhi nhằm tái khẳng định quan hệ đối tác chiến lược mạnh mẽ với Moskva.
Ông Harsh V. Pant, chuyên gia tại Quỹ Nghiên cứu nhà quan sát (Ấn Độ), nhận định thông qua chuyến thăm, Ấn Độ muốn trấn an Nga rằng sẽ tiếp tục ưu tiên quan hệ giữa hai nước.
Một mục tiêu khác trong chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ là cân bằng quan hệ với Nga, Trung Quốc và các quốc gia phương Tây.
Hội nghị thượng đỉnh Ấn Độ-Nga được quan tâm đặc biệt do mối quan hệ giữa hai nước được coi là quan trọng bậc nhất hiện nay, tác động tới cục diện nhiều khu vực lớn trên thế giới nói chung và quan hệ song phương của các nước nói riêng.
Mối quan hệ này có khả năng thay đổi sâu sắc cán cân quyền lực tại khu vực và trên thế giới. Bí thư Đối ngoại Ấn Độ Vinay Kwatra khẳng định: "Mối quan hệ Ấn Độ-Nga vẫn kiên cường trước nhiều thách thức địa chính trị mà thế giới đang phải đối mặt."
Giới quan sát nhận định trước những biến động địa chính trị thời gian qua, đặc biệt sau khi xung đột tại Ukraine bùng phát tháng 2/2022, Nga và Ấn Độ đã quản lý khá tốt mối quan hệ song phương, vốn được nâng lên quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt và đặc quyền vào tháng 12/2010.
Mối quan hệ của Ấn Độ với Nga vẫn phát triển ổn định trong bối cảnh phương Tây siết chặt trừng phạt Nga. Ngoài ra, hai nước cũng hợp tác với nhau theo các khuôn khổ đa phương của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), Nhóm các nước đang phát triển hàng đầu BRICS, BRICS+, RIC (Nga-Trung Quốc-Ấn Độ), Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), Liên hợp quốc.
Ông Anil Trigunayat, một nhà ngoại giao Ấn Độ kỳ cựu, đánh giá hai nước đang hợp tác trên phạm vi khu vực và toàn cầu trong các lĩnh vực hai bên quan tâm và có lợi ích chung.
Vẫn có những yếu tố địa chính trị không chắc chắn có thể tác động bất ngờ đến quan hệ Nga-Ấn Độ, nhất là khi New Delhi tham gia Nhóm Bộ tứ an ninh (gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia), trong khi Moskva thúc đẩy quan hệ mật thiết với Trung Quốc.
Tuy nhiên, về cơ bản, mối quan hệ Nga-Ấn Độ đã phản ánh lợi ích lâu dài ổn định của hai nước. Bản thân Nga và Ấn Độ cũng có nhu cầu đảm bảo với nhau rằng mối quan hệ của họ với nước thứ ba không tác động tiêu cực đến quan hệ song phương.
Bởi vậy, chuyến công du của Thủ tướng Ấn Độ tới Nga và việc khôi phục cơ chế hội nghị thượng đỉnh chính là bước đi nhằm cập nhật và điều chỉnh mối quan hệ song phương theo một quỹ đạo mới để có thể "tối ưu hóa" các điểm hội tụ lợi ích chiến lược của Moskva và New Delhi./.