Thủ tục đăng ký quyền tác giả tác phẩm phái sinh

Thu Hằng| 31/08/2023 08:08

Tác phẩm phái sinh chỉ được bảo hộ theo quy định tại Khoản 1 Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ nếu không gây hại đến quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh.

ADQuảng cáo

Bà Quỳnh Anh (Hà Nội) có dự định xin đăng ký quyền tác giả biên dịch cho 3 bài hát tiếng nước ngoài (Trung, Nhật, Nhật) mà bà đã dịch (lại) và phổ sang lời Việt, với mục đích đem 3 bài hát này đi dự thi chương trình The Voice mùa 24 được tổ chức đầu năm 2024.

Bà Quỳnh Anh hỏi, về hồ sơ đăng ký thì 2 bản sao tác phẩm như trong yêu cầu về nội dung hồ sơ, bà có thể nộp 2 đĩa CD và 2 văn bản lời dịch in trên giấy A4 cho mỗi bài, thực hiện tương tự cho cả 3 bài hát (tức nộp 6 đĩa và 6 bản in A4) được không? Hoặc bà có thể ghi 3 bản thu âm của 3 bài vào 1 đĩa, và sao thành 2 đĩa (tức nộp 2 đĩa giống nhau và 6 bản in A4) được không?

Về vấn đề này, Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trả lời như sau:

Theo quy định tại Khoản 8 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ, tác phẩm phái sinh là tác phẩm được sáng tạo trên cơ sở một hoặc nhiều tác phẩm đã có thông qua việc dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, phóng tác, biên soạn, chú giải, tuyển chọn, cải biên, chuyển thể nhạc và các chuyển thể khác.

Bà Quỳnh Anh cần xác định rõ việc sáng tạo của mình dựa trên tác phẩm dùng làm tác phẩm phái sinh, từ đó xác định loại hình tác phẩm và chọn mẫu Tờ khai tương ứng.

Ví dụ: Trong trường hợp tác giả dịch phần lời của bài hát từ tiếng Anh sang tiếng Việt thì có thể đăng ký tác phẩm dưới loại hình tác phẩm dịch (tác phẩm phái sinh) – Mẫu số 01 Phụ lục 1 Thông tư số 08/2023/TT-BVHTTDL ngày 2/6/2023.

Trong trường hợp tác giả chuyển thể nhạc thì có thể đăng ký tác phẩm dưới loại hình tác phẩm âm nhạc (tác phẩm phái sinh) – Mẫu số 04 Phụ lục 1 Thông tư số 08/2023/TT-BVHTTDL.

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ, tác phẩm phái sinh chỉ được bảo hộ theo quy định tại Khoản 1 Điều này nếu không gây hại đến quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh.

ADQuảng cáo

Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ quy định, quyền làm tác phẩm phái sinh thuộc quyền tài sản. Tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng quyền này phải được sự cho phép của chủ sở hữu quyền tác giả và trả tiền bản quyền, các quyền lợi vật chất khác (nếu có) cho chủ sở hữu quyền tác giả, trừ trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều 20, các Điều 25, 25a, 26, 32 và 33 của Luật Sở hữu trí tuệ. Trường hợp làm tác phẩm phái sinh mà ảnh hưởng đến quyền nhân thân quy định tại Khoản 4 Điều 19 của Luật này còn phải được sự đồng ý bằng văn bản của tác giả.

Về 2 bản sao tác phẩm đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan (một trong các thành phần hồ sơ đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan quy định tại Khoản 2 Điều 50 Luật Sở hữu trí tuệ), theo quy định tại Khoản 7 Điều 38 Nghị định số 17/2023/NĐ-CP ngày 26/4/2023, tài liệu trong hồ sơ đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan phải được in bằng loại mực khó phai mờ, rõ ràng, sạch sẽ, không tẩy xóa, không sửa chữa.

Điểm b Khoản 1 Điều 39 Nghị định số 17/2023/NĐ-CP ngày 26/4/2023 quy định "02 bản sao tác phẩm (bao gồm cả bản điện tử) hoặc 02 bản sao bản định hình cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng". Vì vậy bà Quỳnh Anh cần nộp:

- 2 bản sao tác phẩm (bao gồm cả bản điện tử ) trong trường hợp đăng ký quyền tác giả (tác phẩm viết, tác phẩm âm nhạc). Trường hợp đăng ký tác phẩm viết, bản sao tác phẩm trong hồ sơ sẽ là 2 bản sao tác phẩm (bản in) và 1 bản điện tử chứa tác phẩm đó.

Trường hợp đăng ký tác phẩm âm nhạc, bản sao tác phẩm trong hồ sơ sẽ là 2 bản kí âm (in rõ ràng trên giấy A4) và 1 bản điện tử chứa bản kí âm (Theo quy định tại Khoản 4 Điều 6 Nghị định số 17/2023/NĐ-CP, tác phẩm âm nhạc là tác phẩm được thể hiện dưới dạng nhạc nốt trong bản nhạc hoặc các ký tự âm nhạc khác không phụ thuộc vào việc trình diễn hay không trình diễn).

Trường hợp tổ chức, cá nhân đã tiến hành nộp hồ sơ đăng ký quyền tác giả qua Cổng dịch vụ công trực tuyến (đã đính kèm bản điện tử tác phẩm) thì khi nộp hồ sơ trực tiếp chỉ cần cung cấp 2 bản sao tác phẩm (bản in).

- 2 bản sao định hình đối tượng đăng ký quyền liên quan trong trường hợp đăng ký quyền liên quan đối với bản ghi âm, ghi hình.

Để biết thêm chi tiết, bà Quỳnh Anh có thể liên hệ Phòng Đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan, Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

ADQuảng cáo
Theo xaydungchinhsach.chinhphu.vn
https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/thu-tuc-dang-ky-quyen-tac-gia-tac-pham-phai-sinh-102230825130615879.htm
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ tục đăng ký quyền tác giả tác phẩm phái sinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO