Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng tại buổi gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam tại Lào. (Ảnh: Hải Tiến) |
Sáng 6/9, tại lễ khai giảng và lễ tôn vinh tiếng Việt tại Trường song ngữ Lào-Việt Nam Nguyễn Du, Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng chúc mừng nhà trường nhân dịp 15 năm thành lập (2008-2023), với những thành tích đáng tự hào, trở thành một ngôi trường có uy tín tại thủ đô Vientiane và góp phần cung cấp nguồn nhân lực cho sự nghiệp xây dựng đất nước Lào phồn vinh, hạnh phúc.
Sự ra đời của trường song ngữ Lào-Việt Nam Nguyễn Du chính là một trong những biểu tượng của mối quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam-Lào và là một mô hình ít nơi nào có trong cộng đồng người Việt trên thế giới.
Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đánh giá cao nỗ lực của cộng đồng người Việt Nam ở Lào và các thầy cô giáo trường song ngữ Lào-Việt Nam Nguyễn Du trong việc truyền lửa giữ gìn văn hóa, tiếng Việt trong thời gian qua, trong đó có các hoạt động hưởng ứng ngày tôn vinh tiếng Việt hằng năm (8/9), qua việc có một trong năm thí sinh đạt giải xuất sắc và cộng đồng người Việt tại Lào có số lượng bài thi tham gia tìm sứ giả tiếng Việt đông nhất trong các cộng đồng người Việt trên toàn thế giới.
Hiện, Bộ Giáo dục hai nước có kế hoạch thí điểm mô hình dạy song ngữ tại Trường song ngữ Lào-Việt Nam Nguyễn Du để nhân rộng tại Lào.
Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng với thầy trò Trường song ngữ Lào-Việt Nam Nguyễn Du. (Ảnh: Trịnh Dũng) |
Chiều tối 6/9, thăm lớp dạy, học tiếng Việt tại Chùa Phật Tích ở thủ đô Vientiane, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng bày tỏ vui mừng tận mắt chứng kiến lớp học khang trang, sự nhiệt tình của thầy cô và sự hăng hái, cần mẫn trong học tập ở các độ tuổi khác nhau của cả người Việt và người Lào, mong muốn việc tiếng Việt tiếp tục được duy trì, phục hồi sau thời gian bị gián đoạn do đại dịch Covid-19.
Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng thăm lớp học tiếng Việt tại Chùa Phật Tích ở thủ đô Vientiane. (Ảnh: Trịnh Dũng) |
Với các ngôi chùa Việt tại Lào, Thứ trưởng ghi nhận và trân trọng công đức của các chư tăng ni, phật tử, vừa chăm lo đời sống tinh thần của bà con, vừa tổ chức, hướng dẫn bà con tham gia các hoạt động dạy, học tiếng Việt, nâng cao dân trí, giúp đỡ đồng bào khó khăn, lan tỏa các giá trị tốt đẹp của Phật giáo Việt Nam.
Chiều 7/9, phát biểu với đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Lào, Thứ trưởng đánh giá cao hoạt động của các hội đoàn trong việc phát huy vai trò đại diện cộng đồng người Việt tại Lào; bày tỏ vui mừng khi chứng kiến cộng đồng, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, vẫn luôn giữ gìn, phát huy truyền thống đoàn kết, gắn bó, đùm bọc lẫn nhau, chịu thương chịu khó để xây dựng đời sống mới ở Lào, góp phần vun đắp cho mối quan hệ hữu nghị thắm tình anh em Việt Nam-Lào.
Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định Đảng và Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm và tình cảm đặc biệt đối với kiều bào tại Lào, mong muốn kiều bào sinh sống ổn định, nâng cao năng lực, trình độ trong cộng đồng, nhất là giới trẻ, từ đó có thể hòa nhập hơn nữa vào xã hội sở tại.
Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng tại buổi gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam tại Lào. (Ảnh: Hải Tiến) |
Trước đó, sáng 7/9, Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Lê Thị Thu Hằng đã có cuộc làm việc với Thứ trưởng Ngoại giao Lào Tỉnh Súc-sẳn về các vấn đề hợp tác giữa hai nước, trong đó tập trung vào việc chia sẻ thông tin và kinh nghiệm trong công tác hỗ trợ kiều dân ở nước ngoài, tăng cường hợp tác giữa Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài và Ủy ban liên lạc người Lào ở nước ngoài trong thời gian tới.
Tại buổi làm việc, hai bên nhất trí tăng cường thực hiện các cơ chế hợp tác song phương, triển khai hiệu quả các thỏa thuận cấp cao giữa hai nước, nhất là trong các lĩnh vực giáo dục đào tạo, du lịch, văn hóa, giao lưu nhân dân và giữa các địa phương, qua đó góp phần tăng cường mối quan hệ vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào.
Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng tại buổi làm việc với Thứ trưởng Ngoại giao Lào. (Ảnh: Bộ Ngoại giao Lào) |
Thứ trưởng chia sẻ thông tin về tình hình cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Với số lượng khoảng 6 triệu người, sinh sống tại hơn 130 nước và vùng lãnh thổ, cộng đồng người Việt ở nước ngoài ngày càng khẳng định được vị trí trong xã hội sở tại, có địa vị pháp lý vững chắc, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội, khoa học-công nghệ, văn hóa... cũng như là cầu nối cho quan hệ giữa Việt Nam và các nước.
Đặc biệt, hiện cộng đồng người Việt tại Czech và Slovakia đã được chính quyền sở tại công nhận là dân tộc thiểu số. Đây là một cột mốc lịch sử với cộng đồng người Việt tại đây, thể hiện sự đánh giá, ghi nhận của sở tại đối với những nỗ lực vươn lên, hòa nhập của cộng đồng qua nhiều thập kỷ, mang lại cho bà con thêm quyền lợi và giúp xây dựng cộng đồng vững mạnh hơn.
Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm và coi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của khối đại đoàn kết dân tộc, là nguồn lực phát triển quốc gia, đồng thời cụ thể hóa chủ trương đó bằng chính sách, pháp luật phù hợp với tình hình, điều kiện của đất nước và đặc điểm của cộng đồng.
Quang cảnh buổi làm việc. (Ảnh: Bộ Ngoại giao Lào) |
Cộng đồng người Việt tại Lào với hơn 100.000 người là một trong những cộng đồng kiều bào lớn, đang ngày càng phát triển, phát huy truyền thống yêu nước, gắn bó với quê hương Việt Nam, đoàn kết cùng nhau giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, chấp hành luật pháp của Lào, là sợi dây gắn kết nhân dân hai nước, góp phần làm sâu sắc thêm mối quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam-Lào.
Nhân dịp này, Thứ trưởng cảm ơn Đảng, Chính phủ và nhân dân Lào trong thời gian qua đã hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt ở Lào ổn định cuộc sống, học tập, làm ăn, kinh doanh, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế, xây dựng đất nước Lào phồn vinh, thịnh vượng.
Thứ trưởng đã đề nghị bạn tiếp tục tạo điều kiện để cộng đồng được cư trú ổn định, làm việc, học tập tại Lào, hỗ trợ việc duy trì, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc và dạy, học tiếng Việt trong các cơ sở đào tạo của Lào, nơi có đông cộng đồng người Việt sinh sống.
Về công tác kiều dân ở nước ngoài, hai bên nhất trí thúc đẩy thỏa thuận hợp tác giữa Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài và Ủy ban liên lạc người Lào ở nước ngoài, nối lại việc trao đổi đoàn sau dịch Covid-19, học tập kinh nghiệm lẫn nhau về công tác xây dựng chính sách, hỗ trợ, vận động, thu hút kiều dân hướng về quê hương, đất nước, giữ gìn bản sắc văn hóa và ngôn ngữ dân tộc...
Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng đã mời Ủy ban liên lạc người Lào ở nước ngoài sang thăm, làm việc tại Việt Nam trong thời gian tới.