Thu tiền tỷ từ rẫy kiểu mẫu ở Đắk Nông
2ha đất được trồng xen canh nhiều loại cây trồng được canh tác bài bản, khoa học giúp mỗi năm có nguồn thu nhập gần 1 tỷ đồng.
Trên 2ha đất, anh Trần Trường Thái, ở thôn Đức An, xã Thuận An, huyện Đắk Mil (Đắk Nông) trồng cà phê, hồ tiêu. Ngoài ra, anh còn trồng xen sầu riêng, bơ để tăng thêm nguồn thu nhập.
Những năm qua, song song với việc phát triển cây cà phê, hồ tiêu, anh Thái đã tìm tòi, học hỏi để chăm sóc các loại cây trồng khác như bơ, sầu riêng.
Anh Thái cho biết, nhiều năm trước, giá cà phê, hồ tiêu ở mức thấp, biến động nhiều nên thường xuyên hạn chế đến nguồn thu nhập của gia đình.
Vì vậy, việc trồng xen, đa dạng cây trồng giúp anh tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích. "Đây là giải pháp hữu hiệu, giúp người nông dân như tôi thu lợi từ sản xuất nông nghiệp", anh Thái chia sẻ.
Anh Thái là người gắn bó với cây cà phê, hồ tiêu nhiều năm. Anh Thái nhận định hạn chế của trồng cây dài ngày là việc đầu tư chăm sóc cả năm với rất nhiều khoản chi phí, nhiều đợt phân, công lao động nhưng chỉ thu hoạch được 1 lần. Điều này khiến người nông dân đối mặt với nhiều rủi ro về giá bán, thị trường tiêu thụ, chi phí đầu tư.
Trong khi đó, chi phí trang trải sinh hoạt của các thành viên trong gia đình suốt cả năm nhưng chỉ trông chờ vào 1 vụ thu hoạch. Nhiều thời điểm, nông dân trồng cà phê, hồ tiêu phải “ăn trước, trả sau”, các khoản chi tiêu trong gia đình luôn chật vật, thiếu thốn.
Để khắc phục hạn chế này và khai thác tối đa diện tích đất gia đình có, anh Thái đã xây dựng mô hình trồng xen canh các loại cây trồng.
Trên 2ha đất, anh Thái trồng 2.000 cây cà phê, 600 trụ hồ tiêu, gần 50 cây sầu riêng, bơ đang cho thu hoạch. Vườn cây được đầu tư trồng bài bản đã khai thác không gian cho cây phát triển, tạo nguồn thu nhập ổn định và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Anh Thái cho biết, những năm trước vườn cho thu nhập gần 500 triệu đồng mỗi năm. Năm nay, vườn đang cho thu nhập ổn định với 6 tấn cà phê, 3 tấn tiêu và sầu riêng khoảng 140 triệu đồng. Với mức giá cà phê, hồ tiêu như hiện nay, tôi có thu nhập gần 1 tỷ đồng trừ chi phí.
Ngoài việc khai thác tối đa diện tích cây trồng, việc trồng xen còn giúp anh Thái có nguồn thu nhập nhiều lần trong năm để trang trải cuộc sống và chi phí đầu tư, sản xuất.
Bà Phan Thị Lệ Hằng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thuận An, huyện Đắk Mil (Đắk Nông) đánh giá, cách làm này cho hiệu quả kinh tế cao. Trồng xen canh vừa nâng cao giá trị sử dụng đất, tăng thêm thu nhập trên một đơn vị diện tích, vừa giảm tỷ lệ rủi ro khi giá cả các loại cây trồng lên xuống thất thường.
Các loại cây ăn trái khi trồng xen trong vườn cà phê có nhiều lợi ích, vừa làm cây che bóng, chắn gió, mùa khô hạn chế quá trình bốc hơi nước, giúp giảm lượng nước tưới cho cà phê.
Năm 2022, rẫy của anh Thái được công nhận rẫy kiểu mẫu trong Chương trình xây dựng NTM. Mô hình đang tuân thủ quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn vườn rẫy kiểu mẫu.
Để áp dụng được mô hình này hiệu quả, đòi hỏi người dân phải nắm được kỹ thuật canh tác của từng loại cây trồng và xử lý hợp lý việc bón phân, thu hoạch để tránh những rủi ro khi xen canh.
Theo đáng giá của ngành Nông nghiệp, việc xen canh còn có tác dụng giúp hạn chế được hiện tượng rửa trôi, xói mòn đất. Các xác bã thực vật từ cây xen canh sẽ cung cấp từ 24-26% hàm lượng chất hữu cơ trong đất.
Qua thực tế sản xuất ở các nhà vườn áp dụng biện pháp xen canh đã giúp cho năng suất cà phê tăng cao. Biện pháp này còn góp phần cải thiện môi trường đất, che bóng, chắn gió cho vườn cà phê.
Theo Chi cục Phát triển nông nghiệp (Sở NN – PTNT), toàn tỉnh Đắk Nông có 139.932 ha cà phê. Trong đó, diện tích trồng xen canh đạt 53.174 ha. Cụ thể, diện tích cà phê có trồng cây điều là 5.879 ha, hồ tiêu 29.000 ha, cao su 485 ha, sầu riêng 7.311 ha, bơ 5.062 ha…