Đời sống

Thu tiền tỷ sau 10 năm "vạch đá trồng cây"

Thanh Hằng 08/05/2025 06:48

Trên vùng đất đá núi lửa, mỗi năm chỉ trồng được một vụ màu, gia đình chị La Thị Ngọc, thôn Ninh Giang, xã Buôn Choáh, huyện Krông Nô (Đắk Nông) mạnh dạn chuyển đổi sang trồng cây ăn trái, nhờ đó mà gặt hái được nhiều quả ngọt, thoát nghèo sau 10 năm kiên trì “vạch đá trồng cây”.

Những ngày này, vườn vải U hồng của gia đình chị La Thị Ngọc đã chín đỏ. Sau đợt thu hoạch, xuất bán đầu tiên, chị Ngọc cho biết, vườn vải này còn khoảng 3 tấn trái. 1 tuần tới, khi trái chín đều, gia đình sẽ cắt bán cho thương lái đến từ tỉnh Lâm Đồng.

img_4496.jpg
Vườn vải U Hồng của gia đình chị La Thị Ngọc đã chín đỏ

Chị Ngọc nhớ lại, 5 năm trước, đây chỉ là một vùng đất đá núi lửa. Nắng nóng, nguồn nước khan hiếm nên mỗi năm, gia đình chị chỉ làm được một vụ bắp vào mùa mưa. Năm được, năm mất nên năm 2021, gia đình đã quyết định chuyển đổi sang trồng cây ăn trái.

“Khoảng 10 năm trước, gia đình tôi đã trồng 0,5ha vải. Đến năm 2021, từ vườn cây có sẵn, vợ chồng tôi tự nhân giống vải U Hồng để trồng hết 2,5ha này. Năm nay, vườn vải cho thu bói được khoảng 6 tấn, giá bán dao động khoảng 35.000 - 40.000 đồng/kg”, chị Ngọc thông tin.

img_4475.jpg
Năm đầu tiên thu bói, vườn vải đạt năng suất khoảng 6 tấn, giá bán dao động khoảng 35.000- 40.000 đồng/kg

Ngoài vườn vải rộng khoảng 2,5ha năm đầu cho thu bói, gia đình chị Ngọc còn có hơn 1ha vải U Hồng cho thu chính, năng suất ước đạt 20 tấn. Đây chính là thành quả mà gia đình gặt hái được sau gần 10 năm “ép” vùng đất sỏi đá, khô cằn ra trái ngọt.

“Trước đây, gia đình trồng màu nhưng năng suất không cao. Sau thời gian trồng vải U Hồng, tôi nhận thấy khí hậu, thổ nhưỡng của vùng đất này phù hợp. Bên cạnh đó, trồng vải ở vùng đất núi lửa giúp cây hấp thụ được nhiều khoáng chất, dinh dưỡng, mang lại hương vị riêng cho trái cây”, chị Ngọc nói thêm.

img_4522.jpg
Gần 500 cây nhãn Hương chi của gia đình chị Ngọc cũng đang cho thu hoạch

Cách vườn vải U Hồng khoảng 1km, gần 500 cây nhãn Hương Chi của gia đình chị Ngọc đang cho thu hoạch. Nhờ áp dụng phương pháp xiết gốc, xiết nước, tạo khô hạn, nhãn ra quả trái vụ nên được thương lái “săn tìm”, thu mua tận vườn.

Anh Hoàng Văn Đằng, chồng chị Ngọc chia sẻ, nhu cầu tiêu thụ nhãn trái vụ hiện nay rất lớn. Với 500 gốc nhãn, gia đình anh đã thu được 5 tấn quả. Tất cả nhãn đều được thu mua tại vườn, với giá trung bình 20.000 đồng/kg.

Anh Đằng cho biết, khu vực đất canh tác của gia đình là đất đá, chỉ phù hợp với cây ngắn ngày vì thoát nước tốt. Sau đó, gia đình đã chuyển đổi một số diện tích kém hiệu quả sang trồng nhãn Hương Chi.

img_4524.jpg
Nhãn được xiết gốc và tạo khô hạn nên cho thu hoạch sớm hơn thông thường

“Trồng cây cũng như chăm con mọn, ngày nào cũng phải trông coi, chăm sóc cho nó. Nhãn Hương Chi không phát triển lên cao mà chỉ cần tạo tán, thuận lợi cho việc cắt tỉa, thu hoạch sau này. Để nhãn sinh trưởng tốt cũng là hướng sản xuất mới, gia đình tôi hạn chế sử dụng phân hóa học mà sử dụng phân hữu cơ”, anh Đằng chia sẻ thêm.

Sau gần 10 năm “vạch đá trồng cây”, chị Ngọc nhẩm tính, chi phí đầu tư sản xuất năm vừa qua cho vườn cây ăn trái chưa đến 40 triệu đồng. Nếu điều kiện thuận lợi, giá thu mua tại vườn tiếp tục ổn định, gia đình sẽ có thu nhập khoảng 1 tỷ đồng từ vườn cây ăn trái.

img_4504.jpg
Từ một hộ nghèo, gia đình chị Ngọc đã vươn lên với kinh tế ổn định

Đánh giá mô hình cây ăn trái của gia đình chị Ngọc, Chủ tịch UBND xã Buôn Choáh Nguyễn Thị Hồng Hạnh cho biết, đây là mô hình tiêu biểu trong phát triển kinh tế địa phương. Từ một hộ nghèo hàng năm phải nhận hỗ trợ của Nhà nước, gia đình chị La Thị Ngọc đã học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ đó có thu nhập cao từ vải U Hồng và nhãn Hương Chi.

x

Nổi bật

    Mới nhất
    Thu tiền tỷ sau 10 năm "vạch đá trồng cây"
    • Mặc định
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO