Thu phí làn đường nhanh trên cao tốc, tại sao không?

Mạnh Dũng| 21/08/2024 07:15

Tại sao chúng ta không làm như một số nước, mở làn đường nhanh có thu phí trên cao tốc để giảm tắc nghẽn và tránh nạn “cướp” làn khẩn cấp đang rất trầm kha?

Làn đường khẩn cấp dành cho xe ưu tiên bị các tài xế vô pháp vô thiên lấn, cướp là vấn nạn diễn ra suốt bao nhiêu năm ở Việt Nam và đến nay không có dấu hiệu thuyên giảm. Vụ việc khiến dư luận bức xúc gần đây nhất xảy ra ngày 30/7. Trong tình trạng đường vành đai 3 trên cao hướng Mai Dịch - Linh Đàm (Hà Nội) đang tắc cứng, chiếc Mazda BKS: 30K-505.XX thản nhiên đi vào làn khẩn cấp và không chịu ra khỏi đó, bất chấp việc xe cứu thương phía sau đang phát tín hiệu cả bằng còi, đèn và loa, yêu cầu nhường đường.

Trên cao tốc, nạn lấn làn ưu tiên càng trắng trợn bởi cảnh sát giao thông không thể rải quân khắp nơi. Bất kỳ ai từng lái xe trên cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ những dịp lễ đông người về quê đều dễ dàng chứng kiến những cú lấn làn khẩn cấp ngang nhiên, trắng trợn. Đã có những người bệnh bị đe dọa tính mạng vì thói coi thường pháp luật này của tài xế, như sự việc mùng 4 Tết Giáp Thìn (14/2/2024). Chiếc xe cấp cứu chở bệnh nhi một tháng tuổi từ Thanh Hóa đến Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) bị kẹt cứng trên cao tốc vì làn khẩn cấp chật cứng những ô tô lấn làn. Tình huống rất ngặt nghèo vì bình ôxy chỉ còn duy trì được trong 45 phút. Cảnh sát giao thông đã phải giành giật sinh mạng cho cháu bé bằng cách dùng xe chuyên dụng cố gắng mở đường để đưa bé đến bệnh viện.

Trước đó không lâu, vào ngày 5/1, trong tình trạng kẹt xe kéo dài 3km trên cao tốc TP.HCM - Trung Lương do một tai nạn liên hoàn, những người chứng kiến vừa phẫn nộ vừa đau lòng trước hình ảnh xe cứu thương hú còi bất lực khi làn khẩn cấp bị “nút” kín bởi hàng dài xe nối đuôi nhau.

Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định mức phạt đối với trường hợp chạy xe ở làn khẩn cấp hoặc phần lề đường của cao tốc là từ 3 - 5 triệu đồng. Không rõ do mức phạt này chưa đủ sức răn đe hay việc kiểm tra, giám sát để xử phạt còn quá lỏng lẻo mà tình trạng lấn làn đường ưu tiên vẫn chỉ tăng chứ không giảm.

Để giảm thiểu tình trạng tắc nghẽn trên cao tốc và nạn lấn làn, ngoài sự quyết liệt, cứng rắn hơn trong xử lý vi phạm, việc cải tiến hạ tầng giao thông cũng rất quan trọng. Tại sao chúng ta không mở làn đường nhanh có thu phí như một số nước khác, để những xe không thuộc diện ưu tiên nhưng có nhu cầu vượt khẩn cấp được đáp ứng với mức phí xứng đáng?

Nên nhớ rằng kẹt xe không phải là “đặc sản” của riêng Việt Nam. Ở các nước phát triển cũng xảy ra những vụ tai nạn trên cao tốc gây ùn tắc dài hàng chục km. Trong tình huống đó, các tài xế luôn kiên nhẫn xếp hàng chờ lực lượng chức năng xử lý. Tuy nhiên, tại một số nước, những người không thể chờ đợi còn có một lựa chọn khác, đó là sử dụng “làn đường nhanh có thu phí” (Express lane).

Làn đường nhanh có thu phí - phần đường cạnh vạch vàng, phía dưới biển
Làn đường nhanh có thu phí - phần đường cạnh vạch vàng, phía dưới biển "Express Lane" - tại California, Mỹ. (Ảnh: Los Angeles Times) 

Express lane trên cao tốc phục vụ những tài xế có nhu cầu trả tiền để được đi làn riêng, nhanh hơn các xe đi ở làn thường. Sáng kiến này lần đầu được triển khai thực tế tại Đường 91, California, Mỹ vào năm 1995 và nhanh chóng chứng tỏ mức độ hữu ích. Theo số liệu của các cơ quan chức năng tại Mỹ, số vụ tài xế lấn vào làn khẩn cấp đã giảm chỉ còn bằng 1/10 lúc trước.

Những làn đường nhanh có thu phí thường áp dụng cho quãng ngắn dưới 20km tại những điểm thường xảy ra tắc nghẽn. Tài xế đi vào làn đường lúc giao thông thấp điểm không phải trả phí; việc thu phí được thực hiện linh hoạt khi mật độ giao thông tăng cao để đảm bảo tuyến đường luôn được thông suốt. Ví dụ, làn đường nhanh 405 tại Los Angeles có chiều dài khoảng 17km, mức phí cao nhất là 11,7 USD (khoảng 300 nghìn đồng) vào 7h ngày thứ 5, thấp nhất là 2,55 USD (khoảng 63 nghìn đồng) vào 6h các ngày.

Hoạt động thu phí diễn ra tự động, chỉ có điểm thu phí tại đầu và cuối tuyến đường.

Bạn có muốn trả mức phí cao để sử dụng làn đường nhanh trên cao tốc?

Ngoài Mỹ, nhiều quốc gia khác như Canada, New Zealand, Australia, Hà Lan, Tây Ban Nha, Anh, Áo, Nauy, Trung Quốc, Indonesia đã áp dụng loại đường này. Tại các quốc gia trên, Express lane phục vụ miễn phí những xe chở nhiều người, nhằm khuyến khích nhiều người đi chung một xe để giảm mật độ giao thông. 

Việt Nam cũng nên học hỏi các nước, nghiên cứu phát triển làn đường nhanh có thu phí, đặt cạnh làn đường khẩn cấp tại các điểm hay ùn tắc. Những tài xế có công việc gấp sẽ lựa chọn đóng tiền (theo hình thức thu phí không dừng) để đi vào làn này nhằm tiết kiệm thời gian. Các hoạt động trên làn này sẽ được giám sát bằng camera suốt tuyến đường. 

Khi nhu cầu vượt khẩn cấp được đáp ứng, tin rằng sẽ có rất ít xe đi vào làn đường dành cho phương tiện ưu tiên. Tài xế nào kẻ dám làm như vậy chắc chắn là những kẻ hoàn vô đạo đức, coi thường pháp luật không có cách nào bào chữa, cần phải nghiêm trị. Một khi đã tồn tại làn nhanh có thu phí, cơ quan chức năng cần tăng mức phạt hành vi lấn làn ưu tiên lên nhiều lần, và việc kiểm soát phải đảm bảo 100% số kẻ vi phạm bị phát hiện, xử lý.

Thách thức, khó khăn lớn nhất cho việc triển khai hệ thống làn đường nhanh có thu phí là tốn kém chi phí rất lớn để mở rộng đường. Tuy nhiên, tiến bộ nào cũng có cái giá phải trả, và xét tình hình giao thông hiện nay, đầu tư là cần thiết để đem lại lợi ích tổng thể và lâu dài. Tại nhiều nhiều quốc gia, chính quyền cho các đơn vị tư nhân đầu tư xây dựng một phần hoặc toàn bộ và sau đó được khai thác thu phí trong một khoảng thời gian nhất định.

Rất mong đề xuất này được các cơ quan chức năng nghiên cứu để sớm thành hiện thực.

Bạn có đồng tình với ý kiến trên? Hãy chia sẻ ở box bình luận bên dưới.

Mạnh Dũng
Theo vtcnews.vn
https://vtcnews.vn/thu-phi-lan-duong-nhanh-tren-cao-toc-tai-sao-khong-ar890589.html
Copy Link
https://vtcnews.vn/thu-phi-lan-duong-nhanh-tren-cao-toc-tai-sao-khong-ar890589.html
x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Thu phí làn đường nhanh trên cao tốc, tại sao không?
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO