Thu ngân sách Lâm Đồng sẽ vươn tầm khi hợp nhất
Hợp nhất Đắk Nông - Lâm Đồng - Bình Thuận sẽ hợp lực về nhiều lĩnh vực kinh tế, trong đó có số thu ngân sách Nhà nước, tạo nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Ngân sách gần 30.000 tỷ đồng sau hợp nhất
Trước khi hợp nhất, Lâm Đồng là tỉnh có số thu ngân sách lớn nhất trong 3 tỉnh Đắk Nông, Lâm Đồng và Bình Thuận.
Với tổng thu bình quân mỗi năm trên 13.000 tỷ đồng, Lâm Đồng thuộc tốp 16 tỉnh, thành có số thu ngân sách từ 10.000 - 20.000 tỷ đồng trong cả nước. Còn Bình Thuận, Đắk Nông thuộc 26 tỉnh, thành có số thu ngân sách dưới 10.000 tỷ đồng.

Quyết định 759/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đồng ý hợp nhất Đắk Nông, Lâm Đồng, Bình Thuận và lấy tên gọi là tỉnh Lâm Đồng. Trung tâm hành chính, chính trị đặt tại TP. Đà Lạt (Lâm Đồng) hiện nay.
Năm 2025, dự toán số thu ngân sách Lâm Đồng phấn đấu là 15.000 tỷ đồng; Đắk Nông 3.500 tỷ đồng; Bình Thuận gần 10.300 tỷ đồng. Như vậy, nếu tính theo cơ học, sau hợp nhất, tỉnh Lâm Đồng mới có số thu ngân sách năm 2025 là 28.800 tỷ đồng.
Với số thu này, Lâm Đồng mới sẽ là địa phương thuộc tốp những tỉnh, thành có số thu ngân sách đứng đầu cả nước. Quan trọng hơn, số thu ngân sách tỉnh tăng vọt sẽ là tiền đề tài chính vững chắc cho giai đoạn phát triển tiếp theo.
.jpg)
Thực tế, trong tổng cơ cấu ngân sách các địa phương, có từ 60 - 70% số thu dành cho chi thường xuyên. Số còn lại dành cho đầu tư phát triển.
Việc sở hữu một nguồn ngân sách lớn, ổn định và linh hoạt đang trở thành yếu tố sống còn đối với các địa phương. Nhất là trong hành trình nâng cao chất lượng tăng trưởng, thu hẹp khoảng cách vùng miền và thúc đẩy các đột phá chiến lược.
Việc hợp nhất 3 tỉnh sẽ giảm rất lớn về cơ quan hành chính, cán bộ, công chức. Nguồn chi cho thường xuyên vì thế giảm theo. Việc đầu tư các công trình, trụ sở cơ quan Nhà nước không bị dàn trải. Từ đây, mọi nguồn lực được tính toán để tập trung đầu tư lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm trong tương lai.
.jpg)
Khi thực lực kinh tế lớn, Lâm Đồng có thể tập trung nguồn lực đầu tư có trọng điểm, giảm phân tán, dàn trải. Hệ thống hạ tầng giao thông, đô thị cải thiện sẽ tăng sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư lớn, nhờ quy mô thị trường và địa bàn rộng.
Các ngành kinh tế mũi nhọn như: công nghệ cao, du lịch, nông nghiệp xanh, năng lượng tái tạo… được thúc đẩy nhanh hơn, bền vững hơn.
Ngân sách lớn cho phép địa phương giảm phụ thuộc vào Trung ương, từ đó linh hoạt hơn trong quy hoạch, thu hút đầu tư và điều chỉnh chính sách phù hợp với thực tế địa phương.
.jpg)
Địa phương có giải pháp trong tối ưu bộ máy quản lý thu, chi ngân sách, chống thất thu và kiểm soát chi thường xuyên tốt hơn. Việc liên kết vùng được tận dụng để kết nối tài nguyên, nhân lực và hạ tầng giao thông, logistics. Tất cả tạo nên bệ đỡ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao thu nhập bình quân đầu người.
Năm 2025 Lâm Đồng đặt mục tiêu thu ngân sách 15.000 tỷ đồng; Bình Thuận 10.300 tỷ đồng; Đắk Nông 3.500 tỷ đồng. Tổng thu ngân sách năm 2025 của Lâm Đồng sau hợp nhất là 28.800 tỷ đồng.
Kỳ vọng vào những dự án lớn
Sau khi hợp nhất, Lâm Đồng là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển. Trong đó, nhiều lĩnh vực mũi nhọn như: du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, khai thác khoáng sản được kỳ vọng mang đến nguồn thu không hề nhỏ cho địa phương trong tương lai.
Trước hết, về lĩnh vực du lịch, Lâm Đồng là một trong những điểm đến 4 mùa của Việt Nam, với nhiều loại hình du lịch từ rừng đến du lịch biển. Hàng năm, lượng khách du lịch đến với Lâm Đồng sẽ tăng rất cao, với đầy đủ các loại hình du lịch khác nhau.
.jpg)
Lượng khách du lịch tăng, kéo theo doanh thu dịch vụ du lịch tăng theo. Chưa kể, nhiều nguồn thu từ các dịch vụ khác sẽ được phát triển. Trong đó, phải kể đến như thuế giá trị gia tăng từ khách sạn, nhà hàng, dịch vụ; phí tham quan, dịch vụ công cộng…
Việc phát triển du lịch gắn với đô thị thông minh, không gian xanh và trải nghiệm bản địa giúp du lịch Lâm Đồng chuyển mình từ lượng sang chất, tăng thu bền vững.
Ở lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, Lâm Đồng có rất nhiều thế mạnh. Đây là địa phương được xem trung tâm nông nghiệp công nghệ cao hàng đầu cả nước, với các vùng trồng rau, hoa, cà phê, trái cây ứng dụng tự động hóa….
.jpg)
Tỷ trọng sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn xuất khẩu tại Lâm Đồng ngày càng cao, tạo nguồn thu ổn định. Trong đó, phải kể đến nguồn thu từ thuế doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông sản. Nguồn thu từ lệ phí đất nông nghiệp và tài nguyên sử dụng.
Hàng năm, tình hình đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp xanh, tuần hoàn cũng tăng mạnh. Nhiều doanh nghiệp FDI và tập đoàn trong nước đã chọn nhiều điểm đến của Lâm Đồng làm cứ điểm sản xuất và logistics nông nghiệp, đóng góp đáng kể vào ngân sách tỉnh.
.jpg)
Cùng với tiềm năng sẵn có, Lâm Đồng đang khai thác hiệu quả các loại khoáng sản như: bô xít, đất hiếm, cao lanh, bentonite, đi đôi với chế biến sâu và bảo vệ môi trường. Khu vực phía Tây và Nam tỉnh đã hình thành một số cụm công nghiệp khai khoáng hiện đại, tạo nguồn thu ngân sách.
Địa giới hành chính mở rộng, nhiều dự án đầu tư FDI, năng lượng tái tạo phát triển sẽ giúp Lâm Đồng tăng thuế tài nguyên, phí môi trường, thuế thu nhập doanh nghiệp ngành khai khoáng…
Ngoài ra, chính sách “khai thác đi đôi với phát triển hạ tầng địa phương” giúp ngân sách tỉnh tăng đều, đồng thời hỗ trợ phát triển khu vực miền núi còn khó khăn.
.jpg)
Việc hợp nhất, tăng thu ngân sách không chỉ là tín hiệu tài chính tích cực, mà còn phản ánh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo chiều sâu, hiện đại và bền vững.
Sự phối hợp nhịp nhàng các lĩnh vực thế mạnh giữa các địa phương sẽ tạo nên một hệ sinh thái kinh tế đa trụ cột và tăng trưởng dài hạn cho Lâm Đồng trong tương lai gần.