Là một trong những cây trồng chủ lực của Đắk Nông hiện nay, cà phê đang bước vào giai đoạn thu hoạch. Dự kiến tổng diện tích cà phê cho thu hoạch niên vụ 2022-2023 toàn tỉnh khoảng trên 122.000 ha. Thời gian thu hoạch cà phê chủ yếu tập trung vào tháng 11-12, một số vùng có thể kéo dài đến tháng 1/2023.
Để chuẩn bị tốt cho hoạt động thu hái, sơ chế, bảo quản cà phê đúng kỹ thuật, Sở NN - PTNT đã có văn bản đề nghị các đơn vị có liên quan phối hợp triển khai thực hiện nhiều giải pháp.
Cụ thể, các sở, ngành, địa phương, nhất là Sở LĐ-TB&XH chỉ đạo các trung tâm giới thiệu việc làm ở các địa phương thực hiện rà soát, hỗ trợ, hướng dẫn lao động hiện chưa có việc làm tiếp cận thông tin, thành lập các tổ, nhóm phục vụ thu hoạch cà phê tại cơ sở.
Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ, Tỉnh đoàn... phối hợp với các địa phương để huy động hội viên thành lập các tổ, nhóm thu hoạch cà phê trên địa bàn toàn tỉnh.
Đặc biệt, các đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn các hội viên trực tiếp sản xuất cà phê áp dụng các giải pháp thu hoạch, sơ chế, bảo quản.
Nhiều nông dân Đắk Song đã chú ý thu hoạch cà phê với tỷ lệ quả chín cao |
Theo Phòng NN - PTNT huyện Đắk Song, diện tích cà phê của huyện lớn nhất trong các loại cây công nghiệp. Hiện cà phê kinh doanh của huyện ở mức 20.500 ha, tập trung lớn ở các xã Trường Xuân, Nam Bình, Đắk N’drung.
Phòng NN-PTNT huyện Đắk Song đã phối hợp rà soát, thống kê, nắm diện tích, sản lượng cà phê thu hoạch trên từng địa bàn và nguồn lao động của từng hộ dân.
Đơn vị cũng hướng dẫn các hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ dân tại địa phương lập kế hoạch thu hoạch cà phê để chủ động được thời gian, nhân lực, bảo đảm sản lượng và chất lượng sản phẩm.
Trong đó, Phòng NN-PTNT huyện Đắk Song động viên bà con tập trung thu hái cà phê nhanh, gọn đối với những vườn cà phê có tỷ lệ quả chín đạt tiêu chuẩn, tạo điều kiện để vườn cây ra hoa đồng loạt vào vụ sau.
Việc phơi sấy đúng cách góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm cà phê |
Theo ông Nguyễn Văn Mạnh, thôn 2, xã Trường Xuân (Đắk Song), gia đình hiện có 2 ha cà phê. Hiện giá cà phê ở mức khá cao, nên ông chú trọng thu hái đúng cách nhằm tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm.
Ông không thu hái cà phê quá xanh, non hoặc để chín quá làm khô rụng dẫn đến giảm chất lượng sản phẩm. Cà phê được gia đình thu hoạch đúng độ, quả trên cành chín trên 80%.
Ông chú ý không hái cả chùm trái lẫn lá và cành nhỏ để bảo đảm chất lượng cành dự trữ cho niên vụ sau. Gia đình thu hái theo từng hàng, từng lô, dùng bạt sạch trải dưới tán cây để quả không bị dính đất, hái từ trên cao xuống thấp. Trong đó, ông thu hoạch cà phê theo hai đợt, đợt 1 hái những cây chín trước, đợt 2 hái toàn bộ vườn.
Với những nỗ lực của ngành chức năng, các cấp chính quyền, đoàn thể và người dân trong tỉnh, việc thu hái, sơ chế cà phê từng bước có chuyển biến. Chưa có con số khảo sát, thống kê cụ thể, nhưng qua theo dõi cho thấy, tình trạng “xanh nhà hơn già đồng” ngày càng giảm.
Theo đó, khâu thu hái, chế biến, phơi sấy cà phê được nhà nông lưu ý hơn. Sau khi thu hái cà phê xong, hầu hết nông dân đều tiến hành xay xát, phơi sấy liền, không chất đống làm phát sinh nấm mốc.
Việc các đơn vị thu mua tăng giá trên mỗi kg sản phẩm cho những hộ có chất lượng cà phê nhân cao cũng đã khuyến khích nông dân hạn chế tạp chất, hạt vỡ.
Hoạt động thu hái, sơ chế đúng cách đã góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm. Chính vì thế, nhiều sản phẩm cà phê của Đắk Nông từng bước được xây dựng và phát triển thương hiệu.