Thủ đoạn lừa đảo thông qua đăng ký hoạt động thể thao qua mạng xã hội và đầu tư tài chính trên địa bàn Đắk Lắk

NGUYỄN CÔNG LÝ| 21/10/2024 18:48

Thời gian gần đây, các sân chơi thể thao như cầu lông, bóng rổ, bóng đá, đặc biệt là các giải chạy Marathon phát triển rầm rộ. Đánh vào tâm lý trên, các đối tượng lừa đảo tạo lập hàng trăm trang thông tin giả mạo các giải chạy, quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội giải chạy Marathon nhằm lôi kéo người dân tham gia để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Cách nhận diện các hình thức lừa đảo trên không gian mạng. (Ảnh minh họa)
Cách nhận diện các hình thức lừa đảo trên không gian mạng. (Ảnh minh họa)

Mới đây, một người dân ở thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk bị lừa đảo 130 triệu đồng khi đăng ký tham gia giải chạy cho con em mình.

Cụ thể, ngày 10/10/2024, Phòng An ninh kinh tế, Công an tỉnh Đắk Lắk tiếp nhận nội dung trình báo của chị N.H, trú tại thành phố Buôn Ma Thuột về việc bị lừa đảo chiếm đoạt số tiền 130 triệu đồng khi đăng ký tham gia một giải chạy cho con của mình.

Chị H cho biết, thông qua mạng xã hội Facebook, chị có tham khảo về cuộc thi chạy Kids Run 2024 tổ chức tại Đắk Lắk. Sau khi bấm vào đường link giới thiệu cuộc thi, chị H điền thông tin cá nhân của mình, ít phút sau có một người chủ động kết bạn Zalo trò chuyện và tiếp tục đưa chị H vào nhóm Telegram để xét duyệt điều kiện đăng ký cho bé dự giải chạy.

Tại đây, “Ban tổ chức” đã yêu cầu chị H thực hiện nhiệm vụ để giúp các nhà tài trợ giải chạy đẩy lượt bán sản phẩm của hãng. Tuy có chút phân vân nhưng sau khi tham khảo các tài khoản khác là các thành viên trong nhóm Telegram này thì đều trả lời là đã đăng ký cho con rất nhiều lần, vì vậy chị H đã tin tưởng thực hiện các nhiệm vụ do “Ban tổ chức” yêu cầu.

Ban đầu, chị H thực hiện hai lần chuyển khoản với số tiền nhỏ gồm 559.000 đồng và 3.250.000 đồng để đặt mua sản phẩm và đánh giá theo yêu cầu, sau đó chị nhận lại được đủ số tiền đã chuyển.

Tiếp đó, “Ban tổ chức” tiếp tục yêu cầu chị H mua ba sản phẩm với tổng số tiền 130 triệu đồng, tuy nhiên các lần này chị đều không nhận lại được số tiền đã chuyển, đồng thời “Ban tổ chức” liên tục hối thúc chị phải chuyển thêm tiền vào mới rút ra được số tiền 130 triệu đồng trên. Lúc này, chị H mới nhận ra mình đã bị lừa và đến cơ quan công an trình báo sự việc.

Không chỉ tạo lập các trang thông tin giả mạo các giải chạy, quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội nhằm lôi kéo người dân tham gia để lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà các đối tượng còn dụ dỗ nạn nhân đầu tư tiền ảo để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo quy định của pháp luật Việt Nam, tiền ảo không được phép lưu thông dưới dạng phương tiện thanh toán hợp pháp nên không được Nhà nước công nhận và bảo hộ. Thế nhưng, đã có người dân ở huyện vùng sâu M’Drắk bị dụ dỗ, lôi kéo đầu tư tiền ảo và bị lừa đảo mất 900 triệu đồng.

Cụ thể, ông P.V.Đ, thường trú tại huyện M’Drắk, tỉnh Đắk Lắk đã đến cơ quan Công an trình báo bị một người phụ nữ tên Jenny, tự xưng cư trú và làm việc tại Singapore thông qua ứng dụng Telegram chủ động nhắn tin làm quen. Sau một thời gian trò chuyện và tạo mối quan hệ tình cảm, Jenny đã dụ dỗ, lôi kéo ông Đ đầu tư tiền ảo bằng cách mua đồng Ethereum trên ứng dụng Defi Wallet, sau mỗi lần giao dịch sẽ nhận được ít nhất 02% lợi nhuận.

Sau một vài lần thử chuyển tiền và sau đó nhận được số tiền gốc kèm lợi nhuận, ông Đ đã tin tưởng và liên tục chuyển tiền để mua tiền ảo với tổng số tiền tới 900 triệu đồng. Tuy nhiên, khi muốn rút tiền ra thì liên tục báo lỗi, chậm trễ và còn liên tục yêu cầu ông Đ tiếp tục chuyển số tiền 200 triệu đồng thì mới rút được số tiền 900 triệu đồng trên, lúc này ông Đ mới nhận ra mình bị lừa đảo. Ngoài ra, khi không tiếp tục chuyển tiền theo yêu cầu, ông còn bị đối tượng uy hiếp, đe dọa làm ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống hiện tại.

Mặc dù tình tình trạng lừa đảo trên mạng xã hội đã được cơ quan chức năng cảnh báo nhiều lần, nhưng với thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt đã khiến nhiều người dân bị mắc bẫy, mất nhiều tiền, tài sản.

Để phòng tránh lừa đảo, Phòng An ninh kinh tế, Công an tỉnh Đắk Lắk khuyến cáo người dân cần thận trọng khi tham gia mạng xã hội, nâng cao ý thức cảnh giác. Tuyệt đối không làm theo hướng dẫn chuyển tiền cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào và bất kỳ lý do gì nếu chưa xác định chính xác danh tính người nhận tiền.

Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật nhằm bảo đảm an ninh trật tự tại địa phương.

Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/thu-doan-lua-dao-thong-qua-dang-ky-hoat-dong-the-thao-qua-mang-xa-hoi-va-dau-tu-tai-chinh-tren-dia-ban-dak-lak-post837853.html
Copy Link
https://nhandan.vn/thu-doan-lua-dao-thong-qua-dang-ky-hoat-dong-the-thao-qua-mang-xa-hoi-va-dau-tu-tai-chinh-tren-dia-ban-dak-lak-post837853.html

    Nổi bật

        Mới nhất
        Thủ đoạn lừa đảo thông qua đăng ký hoạt động thể thao qua mạng xã hội và đầu tư tài chính trên địa bàn Đắk Lắk
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO