Pháp luật

Thủ đoạn “hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa đảo” để lừa đảo ở Đắk Nông

Hoàng Thanh - M.Q 07/08/2024 05:50

Bằng thủ đoạn “hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa đảo” trên mạng xã hội, một nhóm học sinh vừa học xong cấp 3 ở Đắk Nông đã lừa đảo hàng trăm người.

Ngày 1/8/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Gia Nghĩa (Đắk Nông) ra quyết định tạm giữ hình sự một nhóm thanh niên để điều tra, làm rõ về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Nhóm thanh niên gồm: N.T.Tr; P.D; H.V.T; N.N.T.T; N.Q.H và T.K.L, đều (SN 2006), cùng trú tại TP. Gia Nghĩa. Nhóm này vừa học xong cấp 3.

hinh-1(1).jpg
Đối tượng N.Q.H và T.K.L tại cơ quan điều tra Công an TP. Gia Nghĩa

Thay vì chú trọng học hành, chuẩn bị cho chặng đường tương lai sắp tới, nhóm đối tượng này đã rủ nhau tìm cách lừa đảo nhằm kiếm tiền chơi bời, lêu lổng.

Theo kết quả điều tra của công an, các đối tượng trên đã sử dụng điện thoại di động, máy vi tính truy cập tài khoản mạng xã hội facebook để lừa đảo.

Các đối tượng đăng bài với nội dung “hỗ trợ lấy lại tiền”; “cam kết lấy lại được tiền bị lừa”. Bên dưới bài đăng là những bình luận cảm ơn đã lấy lại tiền bằng những tài khoản ảo khác của chúng.

Nhiều người nhầm tưởng, liên hệ với chúng để nhờ giúp đỡ và các đối tượng nhiệt tình tư vấn, đồng thời liên tục hứa hẹn, cam kết lấy lại 100% số tiền đã mất.

Sau đó, chúng tìm cách liên hệ với bị hại và nhắn tin cho những người này với nội dung "đã bị lừa". Chúng trao đổi với các bị hại rằng, chúng cũng từng bị lừa như vậy nhưng đã nhờ người lấy lại được tiền.

Mục đích của chúng là dụ dỗ bị hại. Nếu các bị hại đồng ý, chúng sẽ hướng dẫn cách lấy lại số tiền bị mất, nhưng thực chất là hướng dẫn thực hiện các bước để chúng chiếm đoạt tiền.

hinh-2(1).jpg
Các đối tượng trong vụ án tại cơ quan điều tra Công an TP. Gia Nghĩa

Khi các bị hại phát hiện bị lừa đảo thì chúng chặn mọi liên lạc và xóa các tài khoản mạng xã hội, tạo các tài khoản mới để tiếp tục thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của những người khác.

Với thủ đoạn trên, từ tháng 3-7/2024, các đối tượng đã lừa đảo và chiếm đoạt 721 triệu đồng của 135 bị hại trên địa bàn TP. Gia Nghĩa và các tỉnh, thành phố khác trong cả nước. Quá trình điều tra, lực lượng công an đã thu giữ 13 điện thoại di động các loại cùng nhiều tang vật, tài liệu liên quan.

Theo Trung tá Võ Trung Kiên, Phó Trưởng Công an TP. Gia Nghĩa, để phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng có hiệu quả, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng công an và các ngành chức năng thì mỗi người dân cần nâng cao cảnh giác.

Các nạn nhân đã bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng tuyệt đối không nghe theo lời dụ dỗ của các đối tượng, không liên hệ với các website, fanpage, tài khoản mạng xã hội dạng như “tiếp nhận hồ sơ”, “hỗ trợ lấy lại tiền bị treo”, “thu hồi tiền lừa đảo”... Người dân không chuyển tiền cho các đối tượng để được hướng dẫn, hoàn thiện hồ sơ.

hinh-3a(1).jpg
Công an TP. Gia Nghĩa bắt giữ các đối tượng trong vụ án

Hiện nay, Bộ Công an và các đơn vị liên quan không phối hợp, ủy quyền cho bất cứ đơn vị nào để hướng dẫn, nhận hồ sơ của người dân về các vụ việc lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội.

"Khi bị lừa đảo, người dân cần trực tiếp đến các cơ quan công an nơi gần nhất để trình báo hoặc gửi đơn, thư theo đường bưu chính về các vụ việc lừa đảo mà mình là nạn nhân để được tiếp nhận, giải quyết theo đúng quy định của pháp luật”, Trung tá Võ Trung Kiên cho biết thêm.

Không riêng địa bàn tỉnh Đắk Nông, hình thức lừa đảo “lấy lại tiền bị lừa” hiện đang tràn lan trên mạng xã hội. Người dân cần đặc biệt lưu ý và tìm hiểu những dấu hiệu để nhận biết, phòng tránh kịp thời. Người dân không tin tưởng dịch vụ yêu cầu thanh toán trước các khoản phí, không cung cấp thông tin cá nhân nhạy cảm dưới bất kỳ hình thức nào.

x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Thủ đoạn “hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa đảo” để lừa đảo ở Đắk Nông
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO