Giáo dục - Đào tạo

Thu các khoản tự nguyện - Cần chung tiếng nói

P.V 19/10/2024 13:25

Đầu năm học, hầu hết các trường học tỉnh Đắk Nông đều xây dựng kế hoạch vận động đóng góp của phụ huynh. Để các khoản được đóng góp trên tinh thần tự nguyện, nhà trường và phụ huynh phải “cùng chung tiếng nói”

Thực tế triển khai ở các trường

Từ đầu năm học 2024-2025 tới nay, mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin về việc vận động xã hội hóa trong trường học. Mỗi trường có kế hoạch, cách vận động khác nhau, nhưng ít nhiều đã có sự “phản ứng” từ phụ huynh khi cho rằng, các khoản thu là chưa phù hợp với thực tế.

Mới nhất, sau cuộc họp đầu năm của một trường THCS tại huyện Đắk R’lấp, một số phụ huynh đã đăng tải danh mục dự kiến các khoản thu đầu năm của nhà trường. Trong đó, khối lớp 6 có mức thu cao nhất là hơn 4,1 triệu đồng và 3,3 triệu đồng đối với khối lớp 9.

bai-2_-h1-2c0a4a2f0254cd2296797ad2716d97e4(1).jpg
Dự kiến các khoản đóng góp của một trường THCS ở huyện Đắk R'lấp

Ngay khi danh mục được đăng tải, rất nhiều người đã bày tỏ chung quan điểm khi có một số khoản thu cao như làm đường bê tông, ủng hộ mua trang trí nhà đa năng, ti vi… Đối với một số gia đình, khi có 2-3 con cùng đi học, đây thực sự là “gánh nặng” và là nỗi lo khi năm học mới bắt đầu.

“Gia đình tôi có con, cháu đều học trường này, chỉ tính riêng khoản đóng góp làm đường bê tông đã vài triệu đồng. Khi họp đầu năm, một số phụ huynh đã có ý kiến về các khoản thu, với mong muốn chia nhỏ ra để nhiều gia đình không phải lo lắng, chạy vạy tiền đóng góp cho con”, một phụ huynh trường THCS nêu trên cho hay.

Cuối tháng 9, nhiều trường học trên địa bàn TP. Gia Nghĩa tổ chức họp phụ huynh đầu năm học. Đây cũng là thời điểm nhà trường vận động phụ huynh hỗ trợ kinh phí để nâng cấp, sửa chữa một số công trình hoặc mua sắm trang thiết bị phục vụ học tập cho học sinh.

Một hiệu trưởng trường tiểu học tại TP. Gia Nghĩa chia sẻ, năm ngoái, từ nguồn vốn ngân sách, nhà trường đã được đầu tư một khu vệ sinh mới. Năm nay, nhà trường dự kiến vận động phụ huynh hỗ trợ, sửa chữa sân trường để học sinh vui chơi an toàn hơn.

Theo vị hiệu trưởng này, các khoản vận động, kêu gọi xã hội hóa trong nhà trường không thể tách rời với việc đáp ứng trực tiếp cho các hoạt động của học sinh. Do nguồn lực Nhà nước có hạn nên việc huy động xã hội hóa là cần thiết. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, vì một số phụ huynh không thống nhất chủ trương nên nhà trường đã dừng việc vận động, đồng thời đề nghị Ban đại diện cha mẹ học sinh trả lại tiền đóng góp.

“Nhà trường thống nhất dừng việc sửa chữa sân trường đến hết học kỳ I. Trong thời gian tới, nếu nhận được sự đồng ý của phụ huynh, nhà trường mới triển khai”, vị hiệu trưởng này cho biết thêm.

Tránh cào bằng, tự nguyện theo định mức

Thực tế cho thấy, hoạt động tài trợ cho giáo dục vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, thiếu sót. Điều này gây nên sự bức xúc cho phụ huynh và làm mất đi tính tự nguyện, bản chất tốt đẹp của các hoạt động tài trợ cho giáo dục.

Năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 16/2018/TT-BGDĐT, quy định cụ thể nguyên tắc, nội dung, hình thức, quy trình vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng tài trợ. Thông tư quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan và việc quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn lực tài trợ trong lĩnh vực giáo dục.

Bai 2_H3
3 năm trước, Trường THPT Phạm Văn Đồng được phụ huynh tài trợ một số ti vi để phục vụ dạy và học. Từ đó đến nay, nhà trường không nhận thêm tài trợ hạng mục này

Thông tư số 16/2018/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định cụ thể nguyên tắc tài trợ tự nguyện, công khai, minh bạch, không ép buộc, không quy định mức tài trợ bình quân, không quy định mức tài trợ tối thiểu, không lợi dụng việc tài trợ cho giáo dục để ép buộc đóng góp….

Quy định đã phần nào giải quyết tình trạng một số ban đại diện cha mẹ học sinh tự đặt ra các khoản thu áp đặt, cào bằng gây bức xúc dư luận. Cơ sở giáo dục không thể lợi dụng hoạt động tài trợ để thu tiền của phụ huynh học sinh theo kiểu cào bằng, “tự nguyện theo định mức” hoặc sử dụng không đúng mục đích, làm sai lệch ý nghĩa tích cực của hoạt động tài trợ.

Ông Trần Văn Vượng, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Đắk Mil cho biết, theo Thông tư 16 của Bộ GD-ĐT, để triển khai việc tài trợ, nhà trường cần phải thực hiện đúng quy trình.

Cụ thể, các cơ sở giáo dục sẽ thống kê, rà soát, đánh giá hiện trạng cơ sở vật chất hiện có và nhu cầu cần vận động, tài trợ. Trước khi tổ chức vận động tài trợ, phải báo cáo với Phòng GD-ĐThoặc với Sở GD-ĐT và được phê duyệt. Toàn bộ kế hoạch phải được công khai tại cuộc họp với phụ huynh và kêu gọi tài trợ theo đúng kế hoạch.

“Việc tài trợ phải bảo đảm nguyên tắc tự nguyện, công khai, không ép buộc, không quy định mức tài trợ bình quân, không quy định mức tài trợ tối thiểu và tuyệt đối không được giao chỉ tiêu vận động tài trợ cho từng lớp. Trong quá trình thực hiện, nếu số tiền, hiện vật tài trợ đã đủ như kế hoạch thì các cơ sở giáo dục sẽ dừng việc vận động, đồng thời công khai để phụ huynh học sinh được biết”, ông Trần Văn Vượng cho hay.

Cần hài hòa giữa nhà trường, phụ huynh

Nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng dạy, học, ngoài nguồn lực đầu tư của Nhà nước thì rất cần sự chung tay đóng góp của phụ huynh, xã hội. Để xã hội hóa giáo dục mang lại hiệu quả cao nhất, yếu tố quyết định đó là sự thấu hiểu giữa nhà trường và phụ huynh.

Ông Phạm Quốc Trọng, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Tuy Đức cho biết, trong thời gian qua, đơn vị đã chỉ đạo các trường học vận động tài trợ phải dựa trên nguyên tắc tự nguyện, không tạo áp lực hoặc có sự phân biệt với phụ huynh.

Trước khi thực hiện vận động, nhà trường và phụ huynh họp bàn, đi đến thống nhất. Khi xây dựng kế hoạch, phải lưu ý đến tình hình thực tế ở địa phương, nhất là những nơi kinh tế khó khăn, đời sống Nhân dân khó khăn.

img_0544(1).jpg
Huyện Tuy Đức huy động nhiều nguồn lực từ phụ huynh và xã hội để đầu tư, cải thiện cơ sở vật chất trường học, từ đó nâng cao chất lượng dạy và học

“Đối với những xã đặc biệt khó khăn, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số thì không vận động phụ huynh tài trợ số tiền lớn hoặc phân loại các hạng mục, công trình theo tính cấp thiết, sau đó huy động phụ huynh đóng góp thành nhiều đợt. Bên cạnh đó, các trường có thể huy động phụ huynh giúp đỡ ngày công, hiện vật như cây xanh thay vì hỗ trợ tiền”, ông Trọng cho hay.

Ngoài ra, nhiều trường thành lập các tổ giám sát, gồm phụ huynh của các khối lớp để trực tiếp giám sát việc sử dụng kinh phí tài trợ. Điều này không chỉ giúp quản lý, sử dụng đúng mục đích kinh phí mà còn tạo được sự đồng thuận cao trong phụ huynh.

x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Thu các khoản tự nguyện - Cần chung tiếng nói
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO