Ông Phạm Đức Quyết, Phó Chủ tịch HND huyện Đắk Song cho biết, những năm qua, các cấp HND của huyện đã xuống tận thôn, buôn, bon tuyên truyền về các cách thức trồng trọt, chăn nuôi cho hộ nghèo, cận nghèo.
Việc hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo về công cụ sản xuất như máy cắt cỏ, máy bơm nước, con giống, cây giống... cũng được các cấp HND triển khai, giúp nhiều hộ có điều kiện sản xuất, vươn lên thoát nghèo.
Các cấp HND còn tư vấn, chia sẻ, hướng dẫn các hộ nghèo về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, kinh doanh để họ áp dụng hiệu quả. Nhờ đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, nên nhiều hộ đã thoát nghèo, không tái nghèo. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2022 đến nay, các cấp HND của huyện đã giúp 18 hộ thoát nghèo.
Nông dân chia sẻ kinh nghiệm làm nông nghiệp hữu cơ |
Bon Đru là bon đặc biệt khó khăn của thị trấn Đắk Mâm (Krông Nô). Hiện nay, bon có 172 hộ, trong đó 162 hộ là người dân tộc thiểu số. Đời sống bà con ở đây còn gặp nhiều khó khăn.
Một trong những nguyên nhân chính là do bà con thiếu vốn, thiếu đất sản xuất, trình độ dân trí thấp, tập quán canh tác còn lạc hậu. Hiện tại, bon còn 63 hộ nghèo và 36 hộ cận nghèo, chiếm gần 60% số hộ dân.
Trước thực tế đó, những năm qua, HND của thị trấn Đắk Mâm đã vận động những nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, khá giả trong bon giúp đỡ các hộ nghèo, cận nghèo.
Từ năm 2017 đến nay, chị Nguyễn Thị Hằng, ở bon Đru, hỗ trợ hàng trăm triệu đồng làm vốn sản xuất cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn trong bon. Mỗi năm, chị tạo điều kiện cho các hộ nghèo, khó khăn vay khoảng 200 tấn phân bón cùng hàng trăm triệu đồng không tính lãi.
Tương tự, ông Đặng Văn Lam, ở thôn 11A, xã Đắk Lao (Đắk Mil), giúp đỡ các hộ khó khăn bằng việc tạo công ăn việc làm cho 12 lao động, với thu nhập từ 5 - 15 triệu đồng/tháng.
Trong 5 năm qua, ông hỗ trợ 2 hộ nghèo trên địa bàn với tổng số tiền 60 triệu đồng để xây nhà tình thương; giúp 14 hộ vay vốn không tính lãi, mỗi hộ 10 triệu đồng.
Bản thân ông cũng thường xuyên đến tận vườn rẫy để giúp các hộ nghèo, cận nghèo nắm bắt kỹ thuật chăm sóc cây trồng. Nhờ đó, nhiều bà con đã biết cách sản xuất hiệu quả, tăng thu nhập.
Hội Nông dân Đắk Song hỗ trợ công cụ cho hộ nghèo để phát triển kinh tế |
Hơn 10 năm qua, chị Trần Thị Ngọc Mai, tổ dân phố 1, thị trấn Đắk Mil (Đắk Mil) đều đặn hàng tháng giúp 2 nạn nhân chất độc da cam mỗi người 500.000 đồng/tháng.
Ngoài ra, chị còn hỗ trợ cả trăm triệu đồng xây nhà tình thương cho một số gia đình nghèo. Trong thời điểm ở Đắk Mil bùng phát dịch Covid-19, chị đã trao 200 triệu đồng hỗ trợ các trường hợp gặp khó khăn.
Chị Mai chia sẻ: “Trước những hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn, ốm đau, mắc bệnh hiểm nghèo... mà mình có điều kiện thì giúp đỡ, hỗ trợ để họ vượt qua, có cơ hội vươn lên".
Theo HND tỉnh, bằng nhiều giải pháp như tuyên truyền bằng văn bản, tuyên truyền miệng, cung cấp tờ rơi về kỹ thuật trồng trọt, tập huấn, sân khấu hóa... những năm qua, các cấp HND đã giúp bà con tiếp cận các cách thức phát triển chăn nuôi, trồng trọt.
Nhờ được tuyên truyền, vận động, 10 năm qua, các hộ khá, hộ giàu trên địa bàn tỉnh đã giúp trên 10.000 hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn về vốn, giống, lao động, kỹ thuật...
Trong đó, nhờ sự giúp đỡ, nhiều hộ từng thuộc diện nghèo, khó khăn đã vươn lên trở thành khá giả, giàu. Các giải pháp của các cấp HND trên địa bàn đã và đang đóng góp tích cực trong công tác giảm nghèo của tỉnh.
Thời gian tới, HND tỉnh và các cấp hội ở cơ sở tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác xóa đói, giảm nghèo bền vững.