Thông tin sáp nhập tỉnh: Đề xuất mới về chính sách đối với đơn vị hành chính cấp xã là nông thôn mới khi thực hiện sắp xếp (Hình từ internet)
Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (gọi tắt là dự thảo Nghị quyết).
Thông tin sáp nhập tỉnh: Đề xuất mới về chính sách đối với đơn vị hành chính cấp xã là nông thôn mới khi thực hiện sắp xếp
Theo Điều 18 dự thảo Nghị quyết, đã đề xuất về việc thực hiện chế độ, chính sách đối với đơn vị hành chính cấp xã là xã nông thôn mới khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính như sau:
- Đối với các đơn vị hành chính cấp xã là xã nông thôn mới thực hiện sắp xếp với nhau thì xã mới sau sắp xếp tiếp tục được hưởng chế độ, chính sách đối với xã nông thôn mới như trước khi sắp xếp cho đến cấp có thẩm quyền ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế.
- Đối với các đơn vị hành chính cấp xã là xã nông thôn mới sắp xếp với đơn vị hành chính cấp xã chưa được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới thì tiếp tục thực hiện chế độ, chính sách đối với khu vực đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới như trước khi sắp xếp cho đến cấp có thẩm quyền ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế.
Đề xuất về việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của cơ quan, tổ chức sau sắp xếp đơn vị hành chính
- Việc sắp xếp, kiện toàn các cơ quan, tổ chức của chính quyền địa phương khi sắp xếp đơn vị hành chính phải bảo đảm nguyên tắc thống nhất và gắn với việc sắp xếp tổ chức Đảng và tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp theo hướng dẫn của cấp có thẩm quyền.
- Tổ chức chính quyền địa phương sau khi sắp xếp các đơn vị hành chính cùng cấp được thực hiện như sau:
+ (*) Đại biểu Hội đồng nhân dân của các đơn vị hành chính cũ được hợp thành Hội đồng nhân dân của đơn vị hành chính mới và tiếp tục hoạt động cho đến khi hết nhiệm kỳ.
+ Trường hợp sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã với phường không tổ chức Hội đồng nhân dân theo quy định tại nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị thì phường mới sau sắp xếp tiếp tục không tổ chức Hội đồng nhân dân theo quy định tại nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị. Việc tổ chức Hội đồng nhân dân phường nhiệm kỳ 2026-2031 thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
+ Kỳ họp thứ nhất của Hội đồng nhân dân ở đơn vị hành chính cấp tỉnh mới quy định tại điểm (*) do 01 triệu tập viên được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ định, để triệu tập và chủ tọa cho đến khi Hội đồng nhân dân bầu ra Chủ tịch Hội đồng nhân dân của đơn vị hành chính mới.
Hội đồng nhân dân của đơn vị hành chính cấp tỉnh mới quy định tại điểm (*) bầu các chức danh của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và hoạt động cho đến khi Hội đồng nhân dân khóa mới được bầu ra.
+ Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chỉ định Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã, phường sau sắp xếp.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ định Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các uỷ viên Ủy ban nhân dân xã, phường sau sắp xếp để thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Ủy ban nhân dân theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương cho đến khi Ủy ban nhân dân khóa mới được bầu ra.
- Khóa của Hội đồng nhân dân ở đơn vị hành chính mới sau sắp xếp được xác định như sau:
+ Trường hợp đơn vị hành chính mới sau sắp xếp giữ nguyên tên gọi của một trong các đơn vị hành chính trước sắp xếp thì khỏa của Hội đồng nhân dân ở đơn vị hành chính sau sắp xếp tiếp tục tính theo khóa của Hội đồng nhân dân
ở đơn vị hành chính được giữ nguyên tên gọi.
+ Trường hợp đơn vị hành chính mới sau sắp xếp khác tên gọi của các đơn vị hành chính trước sắp xếp thì khóa của Hội đồng nhân dân ở đơn vị hành chính sau sắp xếp được tính lại từ đầu (khóa I) kể từ thời điểm thành lập.
- Việc tổ chức các cơ quan thuộc Hội đồng nhân dân, các cơ quan chuyên môn và tổ chức hành chính khác thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ở đơn vị hành chính sau sắp xếp được thực hiện như sau:
+ Nhập nguyên trạng các Ban của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có cùng chức năng, nhiệm vụ với nhau. Trường hợp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh có tổ chức Ban Dân tộc thuộc Hội đồng nhân dân cấp tỉnh với đơn vị hành chính cấp tỉnh không tổ chức Ban Dân tộc thuộc Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thì khi hình thành đơn vị hành chính cấp tỉnh mới vẫn tổ chức Ban Dân tộc thuộc Hội đồng nhân dân cấp tỉnh cho đến khi hết nhiệm kỳ. Việc tổ chức Ban Dân tộc thuộc Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nhiệm kỳ tiếp theo thực hiện theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn, điều kiện thành lập Ban Dân tộc thuộc Hội đồng nhân dân cấp tỉnh;
+ Nhập nguyên trạng các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có cùng chức năng, nhiệm vụ; đối với các cơ quan chuyên môn và tổ chức hành chính khác không cùng chức năng, nhiệm vụ thì việc thành lập, tổ chức lại, giải thể theo quy định của Chính phủ.
- Việc tổ chức các cơ quan của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân xã, phường sau sắp xếp thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.
- Việc tổ chức các đơn vị sự nghiệp công lập cung ứng các dịch vụ sự nghiệp công trên địa bàn đơn vị hành chính sau sắp xếp thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.
- Kể từ ngày nghị quyết của Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh có hiệu lực thi hành, các cơ quan, tổ chức ở đơn vị hành chính cấp tỉnh mới sau sắp xếp phải hoàn thành xong việc sắp xếp và kiện toàn tổ chức bộ máy.
Kể từ ngày nghị Nghị quyết Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đối cấp xã có hiệu lực thi hành, các cơ quan, tổ chức ở xã, phường mới sau sắp xếp phải hoàn thành xong việc sắp xếp và kiện toàn tổ chức bộ máy.
(Điều 12 dự thảo Nghị quyết)