Động thái trên được Sở Tư pháp tỉnh Lâm Đồng đưa ra sau khi nhận được văn bản của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội, về việc đề nghị tạm dừng giao dịch các tài sản của 12 cá nhân và Công ty Cổ phần đầu tư Nam Nhật Khang, có trụ sở tại phường Bến Nghé, quận 1, TP Hồ Chí Minh, người đại diện theo pháp luật là ông Phạm Khánh Phương - Báo CAND đưa tin.
Theo Công an Thành phố Hà Nội, những cá nhân, pháp nhân trên bị tạm dừng giao dịch tài sản là để phục vụ công tác điều tra, xác minh vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty Cổ phần đầu tư bất động sản Nhật Nam.
Vụ án này đã được Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội ra quyết định khởi tố ngày 30/8/2023.
Cùng với việc yêu cầu tạm dừng giao dịch tài sản từ ngày 2/7/2019 của 12 cá nhân và 1 pháp nhân trên, Sở Tư pháp tỉnh Lâm Đồng cũng đề nghị các tổ chức hành nghề công chức rà soát, cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan tới những cá nhân, pháp nhân này cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội.
Số tiền Công ty Nhật Nam sử dụng có được thu hồi, trả lại cho nhà đầu tư không?
Liên quan đến vụ án Công ty Nhật Nam, trả lời câu hỏi của phóng viên tại Họp báo thông báo tình hình, kết quả công tác Công an Quý III/2023 về số tiền môi giới hoa hồng mà Công ty Nhật Nam sử dụng có được thu hồi, trả lại cho các nhà đầu tư hay không, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho biết: Quá trình điều tra xác định, trong thời gian từ 2020 - 2022, Công ty Nhật Nam tổng thu khoảng 8.900 tỷ đồng của 20.000 cá nhân thông qua hơn 45.000 hợp đồng kinh doanh, trong đó, có trường hợp một cá nhân ký nhiều hợp đồng.
"Công ty trả lãi và gốc cho các cá nhân hơn 4.000 tỷ và chi phí cho hoạt động của công ty 520 tỷ, chi hoa hồng trả các cá nhân giới thiệu, huy động vốn hơn 2.000 tỷ; chi cho cá nhân bị can Vũ Thị Thúy hơn 600 tỷ; số tiền còn lại gần 1.000 tỷ chưa rõ chi đi đâu. Qua kiểm kê, phong tỏa 20 tài khoản thì cơ bản không còn tiền", Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng nói.
Theo Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã tích cực kê biên nhà đất, đất đai, bước đầu xác nhận, ghi lời khai 111 bị hại, số tiền chiếm đoạt 138 tỷ liên quan các tài khoản cá nhân của Công ty Nhật Nam.
Hiện, lực lượng chức năng đang mở rộng, truy bắt các đối tượng đồng phạm; đồng thời, kê biên tài sản, truy tìm, truy lùng các bất động sản, tài sản để đảm bảo quyền lợi của bị hại...
Bước đầu xác định số tiền Công ty Nhật Nam chiếm đoạt là hơn 138 tỷ đồng
Liên quan đến Công ty Nhật Nam, chiều 30/9, tại phiên họp báo Chính phủ, trả lời câu hỏi của phóng viên về vụ án Vũ Thị Thuý, Tổng Giám đốc Công ty bất động sản Nhật Nam lừa đảo, Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an cho biết, căn cứ tài liệu, chứng cứ điều tra thu thập được, ngày 30/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Hà Nội đã ra Quyết định khởi tố vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xảy ra tại Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại bất động sản Nhật Nam (gọi tắt là Công ty Nhật Nam), quy định tại Điều 174, Bộ Luật Hình sự.
Ngày 8/9 Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Hà Nội đã ra Quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với Vũ Thị Thúy - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty Nhật Nam về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Quá trình điều tra xác định, từ năm 2020 đến 2022, Công ty Nhật Nam đã thu tổng số tiền khoảng hơn 8.941 tỷ đồng của khoảng 20.000 cá nhân, thông qua 45.525 Hợp đồng hợp tác kinh doanh (một cá nhân ký nhiều hợp đồng). Công ty đã sử dụng chỉ trả tiền gốc, lãi cho các cá nhân số tiền khoảng hơn 4.291 tỷ đồng..., chi trả tiền hoa hồng cho các cá nhân giới thiệu huy động vốn khoảng hơn 2.272 tỷ đồng. Thúy chi sử dụng cá nhân khoảng hơn 635 tỷ đồng...
Phát hiện Cơ quan điều tra đã làm rõ và ghi được lời khai của 111 bị hại, bước đầu xác định số tiền bị chiếm đoạt là hơn 138 tỷ đồng.
Báo cáo tài chính của Công ty Nhật Nam từ năm 2019 đến năm 2021 đều thua lỗ
Tại Cơ quan điều tra, Vũ Thị Thuý đã khai nhận các hoạt động đầu tư, kinh doanh của Công ty Nhật Nam đều chưa thu được lợi nhuận. Công ty Nhật Nam không có dự án, bất động sản nào tại tỉnh Hòa Bình và tỉnh Bình Thuận như quảng cáo cho các cá nhân.
Về thủ đoạn đưa thông tin quảng cáo sai sự thật của Vũ Thị Thúy và Công ty Nhật Nam, Trung tướng Tô Ân Xô cho biết, năm 2019, Vũ Thị Thúy thành lập công ty Nhật Nam nhưng không góp vốn cổ đông; mục đích thành lập công ty của Thúy là để huy động vốn của các cá nhân.
Báo cáo tài chính của Công ty Nhật Nam từ năm 2019 đến năm 2021 đều thua lỗ, Vũ Thị Thúy đã tổ chức các buổi hội thảo thu hút số lượng lớn các cá nhân tham dự như: Tổ chức 2 hội thảo lớn vào các ngày 13/3/2022 và ngày 2/7/2022 tại Trung tâm hội nghị Quốc gia, thu hút 5.561 người tham dự.
Ngoài ra, Thuý mở 32 văn phòng đại diện tại Hà Nội, Hồ Chí Minh và các tỉnh thành trong cả nước để tổ chức quảng bá, huy động vốn.
Tại các buổi hội thảo, Thúy sử dụng một số cá nhân có uy tín trong xã hội, có thời gian công tác trong ngành pháp luật để giới thiệu về việc công ty kinh doanh uy tín, trả gốc, lãi đầy đủ, cam kết không bị mất vốn nếu đầu tư vào công ty.
Bên cạnh đó, Thúy cho đăng tải thông tin, các đoạn phim quảng cáo về Công ty Nhật Nam và hoạt động huy động vốn trên các trang mạng xã hội (như facebook, youtube, zalo...).
Đồng thời, Công ty Nhật Nam lôi kéo, đào tạo các khách hàng đã gửi tiền góp vốn trở thành các nhân viên kinh doanh và trả tiền hoa hồng từ 15-20% giá trị hợp đồng để các cá nhân thực hiện hành vi lôi kéo thêm các nhà đầu tư.