Chính trị

Thông cáo báo chí số 29, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV

PV 30/11/2024 07:05

Thứ sáu, ngày 29/11/2024, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 29 (Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV) tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.

Quang cảnh phiên họp ngày 29/11.
Quang cảnh phiên họp ngày 29/11.

BUỔI SÁNG

* Nội dung 1: Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản; sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật bằng hình thức biểu quyết điện tử, kết quả như sau: có 448 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 93,53% tổng số đại biểu Quốc hội), có 446 đại biểu tán thành (bằng 93,11% tổng số đại biểu Quốc hội), có 02 đại biểu không biểu quyết (bằng 0,42% tổng số đại biểu Quốc hội).

* Nội dung 2: Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật bằng hình thức biểu quyết điện tử, kết quả như sau: có 450 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 93.95% tổng số ĐBQH), có 448 đại biểu tán thành (bằng 93,53% tổng số đại biểu Quốc hội), có 01 đại biểu không tán thành (bằng 0,21% tổng số đại biểu Quốc hội), có 01 đại biểu không biểu quyết (bằng 0,21% tổng số đại biểu Quốc hội).

* Nội dung 3: Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Tại phiên thảo luận có 17 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu. Các ý kiến đại biểu cơ bản tán thành về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của dự án Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân để khắc phục những hạn chế, vướng mắc của Luật hiện hành; đồng thời tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, cụ thể hóa chính sách của Nhà nước về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, các cấp.

Bên cạnh đó, các đại biểu đã tập trung thảo luận, phân tích, làm rõ một số nội dung: thời điểm thông qua, ban hành dự án Luật; phạm vi sửa đổi, bổ sung Luật; nguyên tắc hoạt động giám sát; thời điểm Quốc hội xem xét, thảo luận các báo cáo; chế tài xử lý; tiêu chí lựa chọn chuyên đề giám sát, nhóm vấn đề chất vấn, vấn đề được giải trình; số lượng đại biểu Quốc hội trong các Đoàn giám sát; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát; chất vấn và xem xét việc trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội, kỳ họp Hội đồng nhân dân; việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chất vấn, giám sát chuyên đề bằng hình thức chất vấn; thẩm quyền của Quốc hội trong việc xem xét kết quả giám sát; giám sát văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước ở trung ương; giải trình tại phiên họp Thường trực Hội đồng nhân dân; xem xét quyết định của Ủy ban nhân dân cùng cấp, nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp dưới trực tiếp có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên, nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp; giám sát của Hội đồng nhân dân của đơn vị hành chính cấp trên đối với các đơn vị hành chính cấp dưới không tổ chức Hội đồng nhân dân; cơ quan có trách nhiệm tham mưu, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức, tiến hành các hoạt động giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, kiến nghị của cử tri; ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa trong việc phục vụ hoạt động giám sát; cung cấp, chia sẻ, trao đổi, xử lý, sử dụng thông tin phục vụ hoạt động giám sát; giám sát việc thi hành pháp luật ở địa phương.

Kết thúc phiên thảo luận, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Phiên họp được truyền hình trực tiếp trên Truyền hình Quốc hội Việt Nam.

BUỔI CHIỀU

Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường tiến hành các nội dung sau:

* Nội dung 1: Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật bằng hình thức biểu quyết điện tử, kết quả như sau: có 450 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 93,95% tổng số đại biểu Quốc hội), có 445 đại biểu tán thành (bằng 92,90% tổng số đại biểu Quốc hội), có 02 đại biểu không tán thành (bằng 0,42% tổng số đại biểu Quốc hội), có 03 đại biểu không biểu quyết (bằng 0,63% tổng số đại biểu Quốc hội).

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp.

* Nội dung 2: Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu.

Sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật bằng hình thức biểu quyết điện tử, kết quả như sau: có 446 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 93,11% tổng số ĐBQH), có 444 đại biểu tán thành (bằng 92,69% tổng số đại biểu Quốc hội), có 01 đại biểu không tán thành (bằng 0,21% tổng số đại biểu Quốc hội), có 01 đại biểu không biểu quyết (bằng 0,21% tổng số đại biểu Quốc hội).

* Nội dung 3: Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi); sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua dự án Luật bằng hình thức biểu quyết điện tử, kết quả như sau: có 448 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 93,53% tổng số đại biểu Quốc hội), có 441 đại biểu tán thành (bằng 92,07% tổng số đại biểu Quốc hội), có 03 đại biểu không tán thành (bằng 0,63% tổng số đại biểu Quốc hội), có 04 đại biểu không biểu quyết (bằng 0,84% tổng số đại biểu Quốc hội).

* Nội dung 4: Quốc hội thảo luận tại hội trường để thảo luận về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Tại phiên thảo luận có 16 lượt đại biểu phát biểu.

Đa số các đại biểu nhất trí với các nội dung được trình bày tại Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về sự cần thiết ban hành dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, các đại biểu đã tập trung thảo luận, phân tích, làm rõ một số nội dung: phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; áp dụng Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, điều ước quốc tế; nguyên tắc, quản lý và đầu tư vốn nhà nước, nội dung quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; hành vi bị cấm trong lĩnh vực quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, trách nhiệm của Bộ, cơ quan ngang Bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; quyết định công tác nhân sự; phân phối lợi nhuận và sử dụng quỹ; nguồn vốn nhà nước đầu tư; phạm vi đầu tư vốn; hình thức đầu tư vốn nhà nước; đầu tư bổ sung vốn; đầu tư vốn, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của doanh nghiệp; chuyển nhượng vốn nhà nước, chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn tại doanh nghiệp; hợp nhất, sáp nhập, chia, tách doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư; giải thể doanh nghiệp; cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn; quyền của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn; tiêu chuẩn của người đại diện sở hữu vốn; quyền và nghĩa vụ của người đại diện chủ sở hữu vốn tại doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trên 50% đến dưới 100% vốn điều lệ; đối tượng, nguyên tắc, mục tiêu đánh giá.

Kết thúc phiên thảo luận, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Thứ bảy, ngày 30/11/2024:

(i) Buổi sáng: Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, biểu quyết thông qua các nội dung: Luật Tư pháp người chưa thành niên; Nghị quyết thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương; Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng; sau đó, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Công nghiệp công nghệ số.

Từ 11 giờ 20 phút , Quốc hội họp riêng biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng.

(ii) Buổi chiều: Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, biểu quyết thông qua các nội dung: Luật Dữ liệu; Luật Điện lực (sửa đổi); Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất; Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

Từ 15 giờ 30, Quốc hội họp phiên bế mạc.

Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/thong-cao-bao-chi-so-29-ky-hop-thu-8-quoc-hoi-khoa-xv-post847727.html
Copy Link
https://nhandan.vn/thong-cao-bao-chi-so-29-ky-hop-thu-8-quoc-hoi-khoa-xv-post847727.html

    Nổi bật

        Mới nhất
        Thông cáo báo chí số 29, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO