Thời tiết khắc nghiệt có được coi là “trạng thái bình thường mới”?

HOÀNG HÀ| 20/07/2023 14:48

Tổng Thư ký Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) đã gọi thời tiết khắc nghiệt kéo dài là “trạng thái bình thường mới”. Một số nhà khoa học đã đưa ra quan điểm phản biện ý kiến này của người đứng đầu WMO.

Các bé gái
Các bé gái "giải nhiệt" trong thời tiết nắng nóng tại bang Texas, Mỹ, ngày 18/7/2023. (Ảnh: Reuters)

Những kỷ lục liên tục bị phá vỡ

Bắc bán cầu đang ở trong một mùa hè khốc liệt với những đợt nắng nóng, cháy rừng và ngập lụt xảy ra liên tục. Từ đầu tháng 7/2023 đến nay, hàng loạt kỷ lục thời tiết khắc nghiệt đã bị phá vỡ.

Khu vực phía nam và tây nam nước Mỹ đang chống chọi với đợt nắng nóng dai dẳng và gay gắt. Trong 20 ngày liên tiếp, nhiệt độ tại thành phố Phoenix, bang Arizona cao từ 43,3 độ C trở lên. Người mắc bệnh liên quan đến thời tiết nắng nóng nằm chật kín các khoa cấp cứu.

Khu vực Nam Âu cũng hứng chịu một trong những đợt nắng nóng gay gắt nhất trong lịch sử, với nhiều đám cháy rừng bùng phát tại Hy Lạp, Tây Ban Nha và Thụy Sĩ.

Theo Đài quan sát khí hậu của Liên minh châu Âu (EU), thế giới đang trên đà trải qua tháng 7 nóng nhất kể từ khi cơ quan này bắt đầu ghi nhận nhiệt độ.

Trong khi đó, tại châu Á, cuối tuần qua Nhật Bản đã ghi nhận mức nhiệt gần 40 độ C tại thành phố Kiryu ở tỉnh Gunma, phía bắc thủ đô Tokyo. Nhiệt độ cao nhất từng được ghi nhận tại Nhật Bản là 41,1 độ C ở thành phố Kumagaya, tỉnh Saitama, năm 2018.

Không chỉ ứng phó với nắng nóng, châu Á còn phải chứng kiến hậu quả thảm khốc do mưa lũ gây ra tại Hàn Quốc, Ấn Độ.

Thời tiết khắc nghiệt có được coi là “trạng thái bình thường mới”? ảnh 1

Đường hầm tại Hàn Quốc bị ngập do mưa lớn, ngày 16/7/2023. (Ảnh: Reuters)

Đài quan sát khí hậu của Liên minh châu Âu (EU) cho biết, thế giới đang trên đà trải qua tháng 7 nóng nhất kể từ khi cơ quan này bắt đầu ghi nhận nhiệt độ. 15 ngày đầu tiên của tháng 7 là 15 ngày nóng nhất từng ghi nhận, do vậy tháng 7 có thể trở thành tháng 7 nóng nhất.

"Bình thường mới" hay "Bất thường mới"?

Trong thông cáo được công bố ngày 18/7, ông Petteri Taalas, Tổng Thư ký Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), đã gọi đợt thời tiết khắc nghiệt kéo dài này là “trạng thái bình thường mới”.

Thời tiết khắc nghiệt đang gây tác động lớn đến sức khỏe con người, hệ sinh thái, nền kinh tế, nông nghiệp, nguồn cung năng lượng và nước. Điều này nhấn mạnh tính cấp bách ngày càng tăng của việc cắt giảm khí thải nhà kính càng nhanh, mạnh, càng tốt.

Ông Petteri Taalas, Tổng Thư ký WMO

Thời tiết khắc nghiệt có được coi là “trạng thái bình thường mới”? ảnh 2

Ông Petteri Taalas. (Ảnh: WMO)

Tuy nhiên, một số nhà khoa học đã đưa ra quan điểm phản biện ý kiến của người đứng đầu WMO về "trạng thái bình thường mới".

Bà Hannah Cloke - Nhà khoa học khí hậu và Giáo sư tại Đại học Reading (Anh) cho biết: “Khi tôi nghe ý kiến đó, tôi hơi ngạc nhiên vì đây không thật sự là sự bình thường mới”. Tuy nhiên, bà khẳng định: “Chúng ta sẽ không biết tương lai sẽ ra sao cho đến khi chúng ta ngừng thải khí nhà kính vào không khí”.

Trong khi đó, ông Michael E. Mann - Nhà khoa học khí hậu và Giáo sư nổi tiếng tại Đại học Pennsylvania (Mỹ), lại mô tả thời tiết mà thế giới đang chứng kiến là “trạng thái bất thường mới”.

Chia sẻ với kênh CNN, ông nói rằng trạng thái bình thường mới “truyền đạt không đúng rằng chúng ta vừa bước sang một trạng thái khí hậu mới và chúng ta chỉ cần thích nghi với nó”.

“Nhưng thực tế lại nghiêm trọng hơn thế nhiều. Các tác động ngày càng trở nên tồi tệ hơn khi việc đốt nhiên liệu hóa thạch và sự ấm lên của Trái đất vẫn tiếp diễn”, ông Mann cảnh báo.

Thời tiết khắc nghiệt có được coi là “trạng thái bình thường mới”? ảnh 3

Ngày 20/7/2023, cháy rừng tại Hy Lạp đã bước sang ngày thứ 4. (Ảnh: Reuters)

Đối với các nhà khoa học như ông Mann và bà Cloke, hầu như sự xuất hiện của thời tiết khắc nghiệt trong năm 2023 không gây ngạc nhiên. Diễn biến của hiện tượng thời tiết El Nino được cho là sẽ gây ảnh hưởng lớn.

Ông Peter Stott (Cơ quan Khí tượng của Anh) cho biết, các hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ tiếp tục trở nên dữ dội hơn và các hình thái thời tiết có thể thay đổi theo những cách mà chúng ta chưa thể dự đoán được.

Trên thực tế, trong một số trường hợp, các đợt nắng nóng, cháy rừng và lũ lụt đã vượt quá những gì mà các mô hình đo lường khí hậu đã dự báo.

Bà Vikki Thompson - Nhà khoa học khí hậu tại Viện Khí tượng Hoàng gia Hà Lan, cho rằng, các quốc gia sẽ khó thích nghi với những hình thái thời tiết khắc nghiệt mới.

“Chúng ta sẽ thấy sự kết hợp của các hình thái thời tiết có thể dẫn đến những tác động không mong muốn. Nắng nóng gay gắt có thể nhanh chóng kéo theo lượng mưa lớn, gây ảnh hưởng đến xã hội, nông nghiệp và các hệ sinh thái theo những cách bất thường”, bà Vikki Thompson phân tích.

Nhà khoa học này nói thêm: “Các quốc gia có xu hướng chuẩn bị ứng phó với điều tồi tệ nhất mà họ từng trải qua. Nhưng trong bối cảnh thời tiết cực đoan đang phá vỡ các kỷ lục hiện nay, chúng ta cần chuẩn bị sẵn sàng cho cả những tình huống có thể không xảy ra ngay lúc này”.

Khi một số tác động của sự nóng lên toàn cầu đang bao trùm thế giới, các nhà khoa học nhấn mạnh vẫn còn thời gian để ngăn chặn những hậu quả nghiêm trọng nhất.

“Chúng ta hành động càng nhiều và càng sớm thì tương lai của chúng ta sẽ càng tốt đẹp hơn”, bà Cloke hối thúc.

Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/thoi-tiet-khac-nghiet-co-duoc-coi-la-trang-thai-binh-thuong-moi-post763146.html
Copy Link
https://nhandan.vn/thoi-tiet-khac-nghiet-co-duoc-coi-la-trang-thai-binh-thuong-moi-post763146.html

    Nổi bật

        Mới nhất
        Thời tiết khắc nghiệt có được coi là “trạng thái bình thường mới”?
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO