Việt Nam mở lại biên giới vào tháng 3, đón 3,5 triệu lượt khách ngoại trong năm 2022. Theo đánh giá từ SCMP, hiện lượng khách vẫn còn nhỏ giọt nhưng sẽ sớm đông đúc trở lại khi người Trung Quốc có thể đi nước ngoài trong năm 2023 và "hiện tại là thời điểm rất tốt để ghé thăm Hội An".
Cây bút Julian Ryall của SCMP đã dành không ít lời có cánh cho Di sản Thế giới được UNESCO công nhận của Việt Nam. Theo đó, Hội An từng là một thương cảng sầm uất vào thế kỷ 15, nằm bên sông Thu Bồn thơ mộng. Nơi đây vẫn giữ được hầu như toàn bộ nét kiến trúc độc đáo cũng như sự pha trộn của các nền văn hóa ảnh hưởng từ Trung Quốc, Nhật Bản và Pháp. Có thể gọi Hội An là "nơi gặp gỡ yên bình" hiếm hoi ở Việt Nam, vì còn lưu giữ được những dấu tích xưa.
Chợ địa phương ở Hội An, theo miêu tả từ phóng viên người Anh, là một bản giao hưởng của âm thanh, màu sắc và mùi vị. Tiếng còi xe vang lên liên tục, những người phụ nữ lớn tuổi ngồi xổm bên cạnh các quầy hàng chất đầy trái cây, rau củ, tiếng chảo mỡ xèo xèo. Với Julian, đó là "một cuộc tấn công vào các giác quan". Nhưng với Việt Nguyễn, một hướng dẫn viên du lịch địa phương, mọi thứ bình yên hơn. Mấy năm trước, tầm này chợ đã chật kín khách quốc tế, giờ chủ yếu là người dân. Việt nói, Hội An cần khách du lịch quay lại, vì nhiều người cần việc và phục hồi kinh tế.
Hội An trở thành điểm dừng chân quan trọng cho việc buôn bán gia vị từ thế kỷ thứ 7 đến 10. Kiến trúc sư, nhà bảo tồn người Ba Lan Kazimierz Kwiatkowski, đến Hội An đầu những năm 1990 và ông có công lớn trong việc quảng bá hình ảnh của thành phố ra thế giới.
Tại khu vực dành cho người đi bộ quanh khu phố cổ, có hơn 1.100 tòa nhà có lối kiến trúc của các thời kỳ khác nhau. Nhiều ngôi nhà giờ là tiệm cà phê, quán ăn phục vụ du khách. Tranh và đồ sơn mài được bày bán mọi nơi. Những người bán hàng rong thì thu hút khách nhí với các món đồ chơi dân dã tự làm.
Khu phố cổ có những con đường hẹp, dẫn xuống sông Thu Bồn và một nhánh sông hẹp bắc qua chùa cầu Nhật Bản - thắng cảnh mang tính biểu tượng của Hội An. Cây cầu có từ những năm 1590, khi cộng đồng người Nhật ở Hội An muốn kết nối thuận tiện hơn với khu vực có đông người Hoa sinh sống ở bờ bên kia. Cầu có mái che, chiếu sáng bằng đèn lồng, với các tác phẩm chạm khắc bằng gỗ.
Hội An từng là một điểm trung chuyển gốm sứ quan trọng nên du khách cũng không nên bỏ lỡ cơ hội tham quan bảo tàng Gốm sứ Mậu dịch nằm trong một ngôi nhà gỗ hai tầng có từ giữa những năm 1800 và được trang trí bằng đèn lồng, ở trung tâm khu phố cổ – trưng bày các mặt hàng từ Trung Quốc, Thái Lan, Ba Tư và Ai Cập.
Một số hiện vật đã được phục hồi từ một con tàu đắm có niên đại vào cuối thế kỷ 15 hoặc đầu thế kỷ 16 được phát hiện ngoài khơi Cù Lao Chàm gần đó vào đầu những năm 1990. Dự án kéo dài bốn năm đã giúp phục hồi hơn 250.000 đồ tạo tác và nhiều đồ tạo tác được trưng bày thể hiện tính nghệ thuật đáng chú ý.
Cách chùa cầu không xa là nhà cổ Tấn Ký, do một thương nhân người Việt xây cách đây hai thế kỷ, trải qua bảy thế hệ trong gia đình quản lý. Nội thất ảnh hưởng từ văn hóa Nhật Bản và Trung Quốc, từ dầm mái cho đến các tấm khảm xà cừ. Bên ngoài là khoảng sân với ban công chứa đầy các bức bích họa.
Một điểm nổi bật nữa trong khu phố cổ là nhà thờ của gia tộc họ Trần, được xây dựng vào những năm 1700. Đây là một trong những tòa nhà cổ nhất Hội An.
Từ chiều đến tối, khu vực ven sông Thu Bồn được thắp sáng bằng đèn lồng. Trên sông là những con thuyền chở du khách ngắm sông về đêm và thả hoa đăng. Trên tầng thượng của các nhà hàng, quán bar trong khu vực là nơi các vị khách hòa mình vào bầu không khí và những làn gió mát buổi tối, nhâm nhi đồ uống.