Năm 2018, gần 1.000 trụ tiêu bắt đầu thu bói của gia đình chị Tho chết do dịch bệnh. Từ đó, gia đình chị mất đi nguồn thu nhập chính, khiến kinh tế lâm vào cảnh khó khăn.
Lâm vào hoàn cảnh trắng tay, gia đình chị trở thành hộ nghèo trong thôn. Thế nhưng, không cam chịu số phận, chị tiếp cận với nghề trồng dâu, nuôi tằm để tạo nguồn thu nhập mới cho gia đình.
Chị đầu tư 6 triệu đồng mua giống dâu về trồng để nuôi tằm. Ban đầu, do không gian nuôi tận dụng, nhiệt độ quá nóng, nên lứa tằm đầu tiên thất bại, không mang lại lợi nhuận.
Không bỏ cuộc, chị tiếp tục học hỏi kinh nghiệm, thay đổi cách nuôi. Lần này, chị sử dụng 40m2 nhà gỗ thoáng mát để nuôi tằm. Rút kinh nghiệm từ lần thất bại trước đã giúp chị nuôi tằm đạt hiệu quả.
Từ đó, chị đã tạo được nguồn thu nhập ổn định, từng bước giúp gia đình thoát khỏi khó khăn. Hiện nay, gia đình chị có gần 8 sào dâu nuôi tằm, mỗi tháng sản xuất được 2-3 tạ kén.
Kén được chị bán với giá từ 120.000 – 180.000 đồng/kg. Tổng nguồn thu nhập của chị từ trồng dâu nuôi tằm và bán con giống vào khoảng 200 triệu đồng/năm.
Sau quá trình nuôi tằm, chị Tho nhận thấy đầu ra không ổn định, nên đã trực tiếp mang kén sang tận Lâm Đồng chào hàng và đã kết nối được đầu ra. Từ đó, sản phẩm của chị luôn tiêu thụ ổn định.
Thấy nhiều người tại địa phương cũng đầu tư nuôi tằm, chị đã học hỏi kỹ thuật sản xuất con giống để cung cấp cho bà con. Hiện nay, mỗi tháng chị sản xuất khoảng 10 – 12 hộp giống tằm cung cấp cho người dân theo đơn đặt hàng.
Mô hình trồng dâu, nuôi tằm đang tạo nguồn thu nhập cho nhiều hộ dân tại Tuy Đức |
Năm 2020, chị Tho đã vươn lên thoát nghèo. Không chỉ làm kinh tế cho gia đình, chị còn tuyên truyền, vận động người dân trên địa bàn trồng dâu, nuôi tằm, tạo nguồn thu nhập.
Chị làm cầu nối cung cấp giống tằm, giống dâu, hỗ trợ kỹ thuật, cung cấp nông cụ theo hình thức trả chậm cho người dân. Chị Tho cho biết, đối với những người mới trồng dâu, nuôi tằm, chị đều hỗ trợ từ 5 – 6 lứa đầu tiên.
Bà Nguyễn Thị Nguyệt, thôn 2, xã Đắk Búk So (Tuy Đức) từng là hộ nghèo. Bà đã ngoài 60 tuổi và nhiều bệnh tật. Thời gian qua, bà đã liên kết với chị Tho để trồng dâu nuôi tằm.
Gia đình bà có 3 sào đất, bà sử dụng để trồng dâu. Mỗi tháng, công việc nuôi tằm của bà mang lại khoản thu nhập khoảng 8 - 10 triệu đồng. Nhờ thế, cuộc sống của bà được bảo đảm ổn định.
Tương tự, anh Nguyễn Văn Tuấn, hộ cận nghèo ở thôn 8, Thuận Hà (Đắk Song) nuôi tằm 4 năm nay. Anh Tuấn có 3 sào dâu, mỗi tháng anh nuôi 1 hộp giống tằm.
Anh đang liên kết với chị Tho để được hỗ trợ kỹ thuật, cung cấp con giống, kết nối tiêu thụ sản phẩm. Mỗi tháng, anh Tuấn thu được khoảng 50-60 kg kén, bán với giá 120.000 – 180.000 đồng/kg.
Đến nay, chị Tho đã liên kết được 10 hộ dân trong và ngoài địa bàn cùng trồng dâu nuôi tằm, tạo nguồn giống và sản phẩm kén ổn định. Trong đó, các hộ đều được chị hỗ trợ kỹ thuật, vật tư, đầu ra cho sản phẩm.
Ông Kiều Quí Diện, Phó Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tuy Đức đánh giá, qua theo dõi nhóm hộ trồng dâu nuôi tằm tại xã Đắk Búk So cho thấy, mô hình kinh tế này mang lại thu nhập khá, phù hợp với nhu cầu lao động nhàn rỗi.
Những người nuôi tằm được chị Tho liên kết, hình thành tổ hợp tác. Phòng NN-PTNT huyện Tuy Đức đã hỗ trợ kỹ thuật và định hướng những người nuôi tằm thành lập hợp tác xã, hướng tới quy mô hàng hóa.
"Mô hình trồng dâu nuôi tằm rất phù hợp để giảm nghèo, nhất là vùng dân tộc thiểu số. Vì kỹ thuật nuôi không khó, thời gian nuôi ngắn, tạo được nguồn thu nhập hàng tháng", ông Diện đánh giá.