Onur Ozturk, cảnh sát tại Nurdagi kể lại những giây phút thoát chết khó tin trong thảm họa động đất. |
“Khi ngớt trận rung chấn đầu tiên, tôi chạy ra cửa thì cánh cửa đã bị đất đá đè từ bên ngoài nên không thể mở. Chúng tôi đã nghĩ: Lạy thánh Allah, cuộc đời của chúng con đã kết thúc”.
Nhưng, giống như hàng triệu người Thổ Nhĩ Kỳ khác, Turgay Mardin vẫn sống sót kỳ diệu. Một cuộc sống mới đã bắt đầu nảy mầm lên từ đống hoang tàn, đổ nát.
NHỮNG NGƯỜI SỐNG SÓT Ở NURDAGI
Mặc một bộ quần áo giữ nhiệt đã cũ, đội chiếc mũ được cuộn lại từ khăn choàng, Onur Ozturk (40 tuổi) cuốn một điếu thuốc lá Antakya rồi bập mạnh khiến khói bay mù mịt. Sau 3 tuần, Onur vẫn chưa thể quên được trải nghiệm kinh hoàng của mình trong đại địa chấn.
4 giờ 17 phút rạng sáng 6/2, khi đang ngủ tại căn hộ của mình tại tầng 2 một tòa chung cư cũ thì Onur nghe thấy tiếng đổ vỡ mạnh, kèm theo những rung lắc dữ dội. Gần như ngay lập tức, anh lao ra về phòng 2 đứa trẻ, kéo chúng xuống và nằm ép sát xuống bên cạnh.
Onur Ozturk, cảnh sát tại Nurdagi kể lại những giây phút thoát chết khó tin trong thảm họa động đất. |
“Ở đây ai cũng vậy, lũ trẻ sẽ là đối tượng được nghĩ tới đầu tiên. Anh xem, tất cả những đứa trẻ còn sống sót tại đây đều vì nhận được sự bảo vệ của cha mẹ”, viên cảnh sát vùng Nurdagi nói.
Vài phút sau, khi trận động đất qua đi, Onur mới dám đứng dậy. Lúc này, tất cả đường xuống phía dưới đã bị gạch đá chặn ngổn ngang. Tòa nhà vẫn tiếp tục rung lắc nhẹ. Onur buộc phải nhảy từ tầng 2 xuống đất.
“Xuống dưới, tôi ra hiệu cho vợ ném lũ trẻ xuống để mình đỡ phía dưới”, anh vừa nói vừa làm động tác dùng hai tay đón vật rơi từ trên cao, “May mắn, tất cả chúng tôi đều an toàn trước khi cả khối công trình đổ gục”.
Cú nhảy buổi sáng đó để lại trên bàn chân trái của Onur một vết rách rất sâu đến tận lúc này vẫn chưa lành miệng. Nhưng với anh, thương tích ấy không đáng gì bởi “được sống đã là một món quà từ Thánh Allah”.
Tính đến 22 giờ (giờ Việt Nam) ngày 28/2, số người thiệt mạng trong trận động đất làm rung chuyển Thổ Nhĩ Kỳ và Syria hôm 6/2 đã tăng lên 50.325 người, trong đó riêng Thổ Nhĩ Kỳ ghi nhận 44.374 người thiệt mạng.
Cũng là người “nhận được quà từ Thánh Allah”, ông Turgay Mardin hồi tưởng lại: Ngay sau trận động đất có độ mạnh 7,8 độ đầu tiên, cả gia đình 6 người của ông đã bị “nhốt” trong nhà.
“Chúng tôi dồn hết ra cửa chính, nhưng đẩy thế nào cũng không mở được. Cánh cửa oằn đi vì sức nặng của hàng tấn đất đá bên ngoài. Con trai tôi hoảng sợ khóc liên tục. Có lẽ, mọi chuyện đã kết thúc”, người đàn ông 57 tuổi tại Nurdagi nói.
Ngay sau đó không lâu, đợt địa chấn thứ hai mạnh 7,5 độ tiếp tục xuất hiện. Đứng trong căn phòng tối, cảm nhận cả tòa nhà rung lắc, chao đảo, mọi hy vọng trong Turgay dường như đã hết. Đúng lúc này, mảng tường phía sau lưng ông kêu răng rắc rồi vỡ ra.
Đã 3 lần đối mặt với động đất, nhưng ông Turgay Mardin vẫn sống sót. "Có lẽ đó là một phép màu", ông nói. |
“Cả nhà tôi đã chui qua lỗ hổng này để thoát ra từ tầng 5. Mọi chuyện không thể tin được”, ông Turgay ra dấu tạ ơn Thánh rồi nói.
Trong trận động đất kép kinh hoàng đầu tháng 2 vừa qua, chỉ tính riêng tại Nurdagi (Gaziantep), đã có tới hơn 10.000 người bị thiệt mạng. Một số lớn còn sống sót di chuyển sang các vùng an toàn hơn.
Thị trấn Nurdagi đã bị tàn phá nghiêm trọng sau thảm họa động đất. |
Tại thị trấn, chỉ còn khoảng 2.000 người bám trụ lại. Khoảng 500 căn lều tạm được dựng giữa khu vực công viên trung tâm thị trấn sát ngay khu vực đổ nát. Bãi cỏ bé xíu giữa các ngôi nhà tạm trở thành sân chơi của lũ trẻ, hoặc nơi đặt bàn trà chiều của những người còn sống sót. Trong hoàn cảnh khó khăn nhất ấy, người dân Thổ Nhĩ Kỳ đang cùng tìm cách “dìu nhau” vượt qua thảm họa.
KIÊN CƯỜNG DÌU NHAU QUA THẢM HỌA
Ông Yasar Uzun (47 tuổi) cho hay, 3 tuần sau đại địa chấn, tất cả những người còn sống sót đã thành lập các hội cứu trợ để cùng chung tay tái thiết quê hương.
“Ở Nurdagi bây giờ, chúng tôi đã không còn dùng đến tiền nữa. Mọi người đều quen biết nhau nên ai có gì không dùng sẽ chia sẻ lại cho những người còn lại, từ áo quần, chăn, đệm đến cả thức ăn”, ông Yasar nói.
Zeliha Gokkaya, 14 tuổi bên trong căn lều tạm của gia đình mình. Tại đây, có tới hơn 10 người cùng sinh sống. |
Mỗi căn lều tạm cũng trở thành “nhà chung” của 2-3 hộ gia đình với số thành viên có thể lên tới 20 người. Tất cả động viên, hỗ trợ nhau bất cứ khi nào cần thiết.
Cũng tại Gaziantep, chỉ vài giờ sau đại địa chấn, Mehmet Tasdelen đã mở cửa tầng trệt cửa hàng của mình làm nơi ẩn náu cho những người sống sót. Ông nhóm lên một ngọn lửa lớn, cùng đứng chung với mọi người chờ đến khi mặt đất ngừng rung chuyển. Vài ngày sau, ông chuẩn bị thêm cả các phần ăn miễn phí.
“Vào thời điểm ấy, chỗ ngủ an toàn, một bát súp nóng là tất cả những gì chúng tôi có thể làm. Những người ngoài kia có thể không chết vì động đất nhưng chắc chắn sẽ chết vì đói hoặc lạnh nếu không được cứu trợ kịp thời”, ông Tasdelen kể.
Người dân tại Nurdagi xếp hàng lấy khẩu phần ăn miễn phí do Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ phát. Giờ đây, trong các khu vực tạm cư, họ không còn sử dụng tiền mặt nữa. |
Thậm chí, không ít người đã gạt đi nỗi đau mất người thân để chung tay cùng đồng bào mình. Đã hơn 1 tuần nay, chiều nào, Tuncer Emlak, phóng viên Thời báo Baba Haber của tỉnh Gaziantep lái xe từ trung tâm thành phố vượt hơn 100 cây số để tới Nurdagi. Hàng ghế phía sau chất đầy nhu yếu phẩm, bánh ngọt, bánh mỳ và sữa. Cốp cũng chật cứng áo quần đã được phân loại theo lứa tuổi, giới tính.
Khi chiếc xe đậu lại bên lề đường sát khu vực tạm trú của những nạn nhân động đất, Tuncer nhanh chóng dỡ đồ cứu trợ xuống và chia cho những người có nhu cầu. Đã mất đi 16 người thân, bạn bè sau đại địa chấn, hơn ai hết, anh hiểu nỗi đau và những khó khăn những người ở lại đang phải đối mặt.
Ông Recep Tuncel, một thành viên trong nhóm của phóng viên Tuncer mang bánh kẹo chia cho lũ trẻ và những người già trong ngôi làng tạm Nurdagi. |
“4 ngày sau khi động đất đi qua, tôi và bạn bè đã thực hiện những chuyến đi như thế này. Dù nhỏ bé, nhưng chúng tôi muốn góp sức mình để mọi người bớt khó khăn. Hiện nay, tại khắp các tỉnh chịu ảnh hưởng bởi động đất, những hoạt động tương tự rất nhiều”, phóng viên Thời báo Baba Haber nói.
Suốt thập kỷ qua, Gaziantep đã trở thành một thành phố đa dạng, nơi 1/3 dân số là người Syria, những người chạy trốn khỏi chiến tranh tàn khốc ở quê nhà. Khi đi phân phát thức ăn bằng ô-tô cho bất cứ ai ông gặp trên đường phố, Tuncer khẳng định: Lúc này, không còn sự phân biệt về quốc tịch, dân tộc, giới tính hay thậm chí tín ngưỡng nữa.
Bất chấp những xích mích về kinh tế và xã hội, chung sống hòa bình đã trở thành một phần bản sắc của Gaziantep, cả trong thời bình lẫn trong cơn hoạn nạn.
Hy vọng đang dần bừng lên từ chính sự san sẻ, đùm bọc của cộng đồng. |
Bên cạnh nỗ lực cá nhân, tại các khu tập trung sau thảm họa, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cũng tổ chức phát đồ ăn, nước sạch miễn phí cho người dân. Chiều chiều, từng hàng dài trật tự xếp hàng đợi lấy khẩu phần về cho bữa tối của mình.
“Ở đây không còn thiếu đói, cũng không có cướp bóc, trộm cắp xảy ra. Những người không thể đi lấy đồ ăn sẽ được hàng xóm láng giềng giúp đỡ. Người Thổ Nhĩ Kỳ vốn mạnh mẽ và kiên cường nên chúng tôi chắc chắn sẽ vượt qua để hy vọng vào một tương lai tươi sáng và tốt đẹp hơn”, ông Onur, cảnh sát thị trấn Nurdagi nhấn mạnh.
Thổ Nhĩ Kỳ cam kết tái thiết sau 1 năm
Tổng thống Recep Tayyip Erdogan cam kết trong vòng 1 năm, Chính phủ nước này sẽ xây dựng lại nhà ở cho người dân bị ảnh hưởng. Cụ thể, theo kế hoạch ban đầu, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ xây dựng 200.000 căn hộ và 70.000 ngôi nhà với kinh phí ít nhất 15 tỷ USD.
Trong khi đó, Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) ước tính động đất khiến 1,5 triệu người không có nhà ở và cần phải xây mới ít nhất 500.000 ngôi nhà.
UNDP đã đề nghị trích 113,5 triệu USD từ khoản tiền 1 tỷ USD mà Liên hợp quốc tuần trước kêu gọi các nước thành viên hỗ trợ cho Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời cho biết sẽ dành số tiền này chủ yếu vào công tác dọn dẹp đống đổ nát.