Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Kharkiv, Ukraine. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết các ngoại trưởng của Thổ Nhĩ Kỳ và Nga sẽ thảo luận về Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen trong ngày 17/7, đồng thời bày tỏ hy vọng hai bên sẽ đạt được tiến triển về vấn đề này sau khi Moskva tuyên bố ngừng tham gia thỏa thuận.
Phát biểu với báo giới, Tổng thống Erdogan bày tỏ tin tưởng rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin muốn duy trì thỏa thuận này, vốn nhằm tạo điều kiện cho xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine qua Biển Đen.
Ông hy vọng cuộc thảo luận giữa Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov sẽ đạt được tiến triển. Ông Erdogan cũng tuyên bố sau chuyến công du các nước vùng Vịnh, ông sẽ có cuộc thảo luận với Tổng thống Putin vào ngày 19/7.
Hai bên dự kiến bàn về cách thức xúc tiến việc vận chuyển phân bón và ngũ cốc của Nga. Theo kế hoạch, hai nhà lãnh đạo này sẽ gặp nhau tại Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 8.
Trước đó, người phát ngôn Điện Kremlin, Dmitry Peskov tuyên bố phần thỏa thuận liên quan đến Nga vẫn không được thực hiện nên Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen hết hiệu lực vào ngày 17/7.
Ông Peskov cũng nhấn mạnh ngay khi phần liên quan đến Nga được thực hiện, phía Nga sẽ "ngay lập tức" quay trở lại thực hiện thỏa thuận.
Trong khi đó người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, Maria Zakharova cũng cho biết nước này đã chính thức thông báo cho Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine và Liên hợp quốc về việc không gia hạn thỏa thuận ngũ cốc.
Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen ký kết ngày 22/6/2022 tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) với thời hạn 120 ngày và sau đó được gia hạn 3 lần.
Một phần của thỏa thuận quy định trình tự đưa ngũ cốc từ các cảng do Kiev kiểm soát, phần khác đề cập đến việc xuất khẩu nông sản và phân bón của Nga ra thị trường thế giới vẫn chưa được thực hiện.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov xác nhận phần liên quan đến Nga hoàn toàn không được thực hiện đối với bất kỳ điều khoản nào, trong khi việc vận chuyển lượng thực của Ukraine được đảm bảo.
Ngoài ra, ngũ cốc từ Ukraine được xuất khẩu không phải sang các nước nghèo nhất mà chủ yếu sang phương Tây./.