Đời sống

Thờ cúng tổ tiên, các anh hùng dân tộc - Cố kết cộng đồng, lắng lòng nguồn cội

Mỹ Hằng 18/04/2024 05:30

Thờ cúng tổ tiên và các anh hùng dân tộc là một trong những nét đẹp văn hóa của người Việt. Văn hóa này thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” và tri ân những thế hệ đã có công với đất nước.

Từ truyền thống thờ cúng tổ tiên

Từ lịch sử xa xưa, dân tộc Việt Nam ta đã có tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên, hướng về nguồn cội. Đó là một giá trị văn hóa vững bền được trao truyền qua các thế hệ, một phần quan trọng trong đời sống tâm linh của người Việt Nam.

Trong cuốn sách “Việt Nam văn hóa sử cương”, GS. Đào Duy Anh có viết: “Việc tế tự tổ tiên không phải chỉ cốt cho linh hồn tổ tiên khỏi khổ mà còn có ý nghĩa sâu xa hơn nữa là nhớ ơn sinh thành của tổ tiên và lưu truyền nòi giống mãi mãi về sau, cho nên ta có thể cho rằng tế tự tổ tiên là lấy sự duy trì chủng tộc làm mục đích”.

hinh-7-(1).jpg
Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên và các anh hùng dân tộc là một trong những truyền thống lâu đời của người Việt Nam

Mỗi người sinh ra đều có cha mẹ, ông bà, tổ tiên, ý thức “con người có tổ, có tông” đã ăn sâu vào trong tâm thức của người Việt. Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên mang ý nghĩa hướng về nguồn cội, thể hiện lòng thành kính của những người đang sống đối với tổ tiên, những người đã mang đến cho mình cuộc sống như ngày hôm nay.

Thờ cúng tổ tiên chính là sự biết ơn, là lòng thành kính hướng về cội nguồn. Ở đó còn là sự linh thiêng, sự cộng hưởng tình yêu, niềm tin tạo nên sức sống nội sinh của người Việt. Do đó, trong mỗi gia đình, nơi thiêng liêng nhất, đều có bàn thờ dòng tộc, thờ những người đã sinh thành, nuôi dưỡng, phù hộ cho cả cuộc đời mình, con cháu mình.

Thờ cúng tổ tiên chính là sự biết ơn, là lòng thành kính hướng về cội nguồn. Ở đó, còn là sự linh thiêng, sự cộng hưởng tình yêu, niềm tin tạo nên sức sống nội sinh của người Việt. Do đó, trong mỗi gia đình, nơi thiêng liêng nhất, đều có bàn thờ dòng tộc, thờ những người đã sinh thành, nuôi dưỡng, phù hộ cho cả cuộc đời mình, con cháu mình.

Theo đó, trên bàn thờ tổ tiên, ở chính giữa đặt bát hương (tượng trưng cho tinh tú) và trên bát hương có cây trụ để cắm hương vòng (tượng trưng cho trục vũ trụ). Ở hai góc ngoài bao giờ cũng có hai cây đèn (hoặc nến) tượng trưng cho mặt trời ở bên trái và mặt trăng ở bên phải. Khi cần giao tiếp với tổ tiên (có lúc thỉnh cầu, có khi sám hối…) người ta thường đốt nến (đèn dầu) và thắp hương. Mọi nguyện cầu theo các vòng khói hương chuyển đến ông bà, tổ tiên.

hinh-8-(1).jpg
Dù đi đâu, làm gì người Việt Nam luôn hướng về cội nguồn của dân tộc

Tùy vào dịp lễ, tết mà hình thức thờ cúng tổ tiên cũng có sự khác nhau. Trong đó, ngày tết, con cháu khấn mời tổ tiên ông bà về ăn tết với gia đình, tạo nên một không khí thiêng liêng, đầm ấm. Thờ cúng tổ tiên ngày tết cho thấy một mối liên hệ giữa người đã khuất và người còn sống, là dịp báo với tổ tiên năm qua đã và chưa làm được những gì, xin tổ tiên phù hộ mạnh khỏe để sang năm có nhiều thành công mới...

Vượt lên trên cả khía cạnh tín ngưỡng, tôn giáo, thờ cúng tổ tiên thấm đượm đạo lý uống nước nhớ nguồn, một thứ ứng xử cộng đồng gia tộc, dòng họ, trở thành một chuẩn mực khuôn mẫu trong ứng xử của con người Việt Nam. Do đó, thờ tổ tiên vừa tiếp nhận nguồn cội xa xưa, vừa có sức sống trường tồn và có sức vươn tới tiếp cận với đời sống hiện đại.

Sợi dây tâm linh kết nối quá khứ và hiện tại

Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của dân tộc Việt Nam không chỉ bó hẹp trong phạm vi mỗi gia đình hay dòng họ, mà vươn xa hơn là tín ngưỡng thờ cúng vị thành hoàng của làng xã, thờ phụng, báo đáp công ơn, tôn vinh các vị anh hùng dân tộc, những người có công với dân, với nước, các vị tổ nghề…

Trong tâm thức của người dân, các anh hùng dân tộc thường hiển linh bảo vệ cho con người và cộng đồng dân tộc trên nhiều phương diện. Do đó, tín ngưỡng này được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như: lập đền thờ, lập miếu thờ, lập bia ghi công đức, xây dựng phần mộ, xây dựng đài tưởng niệm, xây dựng nhà tưởng niệm, nghĩa trang liệt sĩ…

hinh-2-(1).jpg
Dù đi đâu, làm gì người Việt Nam luôn nhớ về nguồn gốc của mình

Việc thực hành tín ngưỡng vừa bày tỏ lòng biết ơn của hậu thế, vừa thành tâm mong muốn nhận được sự phù trợ của các ngài trong công cuộc bảo vệ đất nước. Thông qua tín ngưỡng này, hậu thế có thể hiểu rõ hơn về công lao to lớn của các vị anh hùng, đồng thời thế hệ sau còn ý thức hơn về vai trò, trách nhiệm của mình trong việc tiếp nối truyền thống tốt đẹp của dân tộc, học tập và rèn luyện để trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.

hinh1-5-(1).jpg
Người dân Tuy Đức hướng về ngày Giỗ Tổ

Tín ngưỡng truyền thống thờ các anh hùng dân tộc còn góp phần giúp người dân bảo lưu, giữ gìn và phát huy giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc. Đó là đạo lý hiếu nghĩa, “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, “tôn sư trọng đạo”… Đây cũng là phương thức để người dân ý thức về nguồn cội dân tộc, thể hiện tinh thần yêu nước, tự hào, tự cường dân tộc.

Nhiều đền thờ anh hùng dân tộc như đền Vua Lê, Vua Đinh, đền thờ các Vua Lý, đền thờ Vua Trần, đền thờ Trần Hưng Đạo, đền thờ Hai Bà Trưng… đã trở thành biểu tượng tâm linh không chỉ của cư dân trong vùng mà của Nhân dân cả nước.

Khi thực hiện nghi lễ thờ cúng và tham gia lễ hội, người dân có dịp ôn lại những sự kiện lịch sử của dân tộc, tưởng nhớ đến truyền thống hào hùng của cha ông và góp phần nhân lên lòng yêu nước, được tiếp thêm sức mạnh và ý thức tự cường dân tộc.

Người dân Đắk Nông và ngày lễ trọng của dân tộc

Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng hàng năm đã đi vào đời sống tinh thần của con dân đất Việt như nét văn hóa truyền thống tự ngàn đời. Cứ mỗi độ tháng ba về, người dân trên khắp mọi miền Tổ quốc cho đến kiều bào ta ở nước ngoài lại trở về với cội nguồn...

img_1670.jpg
Đội tế lễ cùng các đại biểu tham dự thực hiện nghi lễ tâm linh tại Đền Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân tại tỉnh Phú Thọ

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được tổ chức UNESCO vinh danh, mang tầm quốc tế nhưng nội hàm của di sản này không mang tính bác học, khó hiểu mà mang tính bình dị, dễ hiểu, đời thường như hơi thở, bữa ăn trong cuộc sống người dân Việt vậy. Không phân biệt tôn giáo, giàu nghèo, giới tính, độ tuổi,... hễ là người dân đất Việt, mang trong mình dòng máu Lạc Hồng đều tự nguyện tin theo, trân trọng tuyệt đối, tự nguyện thờ cúng Hùng Vương.

Tuy nhiên, do điều kiện làm ăn sinh sống ở phương xa, ngăn sông cách núi không về được Đền Hùng, người Việt nghĩ cách lập đền thờ vọng. Đền thờ vọng cũng được phỏng theo các nghi thức cổ truyền ở Đền Hùng nơi đất Tổ nhằm để con cháu Vua Hùng bày tỏ nỗi niềm “xa mặt nhưng không cách lòng”. Do vậy, đền thờ Hùng Vương cũng có mặt ở hầu hết các tỉnh Tây Nguyên và phía Nam.

Việc tổ chức giỗ vọng Quốc tổ Hùng Vương là cơ hội để những người con đất Việt nếu không có điều kiện về đất Tổ - Phú Thọ vấn có thể tham dự lễ hội ngay tại chính mảnh đất mình đang sinh sống.

Tại Đắk Nông, ở một số địa phương như huyện Đắk R’lấp, huyện Tuy Đức, TP. Gia Nghĩa ngày 10/3 âm lịch, những người con đất Tổ tỉnh Phú Thọ xa quê lập nghiệp đều tụ họp tổ chức lễ giỗ Tổ.

Trong đó, tại huyện biên giới Tuy Đức, người dân cùng nhau đóng góp xây dựng đền thờ các vị Vua Hùng ở thôn 6, xã Đắk Búk So. Đền thờ Vua Hùng nằm trên ngọn đồi cao, bên cạnh tỉnh lộ 6 nên thuận tiện cho nhiều người dân về đây dâng hương. Người dân đến đây ngoài việc cầu mong bình an thì cũng để ghi nhớ công lao các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước. Ngày Giỗ Tổ 10/3 âm lịch không chỉ con cháu người Phú Thọ mà người dân trong ngoài huyện cũng tề tựu về đây để dâng hương, tưởng niệm. Tất cả các nghi thức Giỗ Tổ đều được thực hiện hết sức trang nghiêm, thành kính.

hinh-5-(1).jpg
Bên trong đền thờ Hùng Vương ở thôn 6, xã Đắk Búk So

Không chỉ tham gia chuẩn bị cúng Giỗ Tổ Hùng Vương, nhiều người dân còn tự gói bánh chưng, bánh giầy tại nhà, chuẩn bị mâm trái cây đem đến dâng lên trong ngày Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm thể hiện tấm lòng, sự tri ân đối với công lao to lớn của các vị Vua Hùng. Ông Chữ Văn Chúc, ở xã Đắk Búk So, huyện Tuy Đức chia sẻ: “Trong lòng mỗi người dân Việt Nam đều hướng về công đức to lớn của các vị Vua Hùng vào ngày Giỗ Tổ, mỗi người mỗi cách thể hiện khác nhau nhưng luôn thể hiện tinh thần “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc”.

Còn tại TP. Gia Nghĩa, ngày 10/3 âm lịch, bà con lại đến Điện Mẫu ở thôn Nghĩa Thuận, xã Đắk Nia để thắp hương tưởng nhớ và tri ân các vị Vua Hùng với không khí hết sức linh thiêng, trang trọng. Ngoài việc dâng hương, bà con còn hòa mình vào việc gói bánh chưng, bánh giầy để dâng lên các vị tiền nhân.

Giáo dục ý thức về tổ tiên, về lòng tự hào dân tộc cũng chính là những tiền đề, cơ sở hình thành lòng nhân ái, đạo đức cộng đồng, nhắc nhở mỗi cá nhân hành động theo các chuẩn mực xã hội và củng cố niềm tin vào sự chứng giám, phù hộ, che chở của các đấng thần linh, tổ tiên, anh hùng dân tộc. Thông qua đó khơi dậy lòng tự tôn, tự hào dân tộc, nêu cao ý nghĩa của lòng yêu nước thương nòi, biết ơn công lao gây dựng đất nước, được nhân dân ghi nhận và tôn thờ. Ở phương diện xã hội, đó còn là sợi dây tinh thần kết nối cộng đồng, biểu tượng của đoàn kết dân tộc.

x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Thờ cúng tổ tiên, các anh hùng dân tộc - Cố kết cộng đồng, lắng lòng nguồn cội
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO