Chính trị

Thơ chúc tết của Bác Hồ - tài sản vô giá của dân tộc

Hà Thanh 09/02/2024 07:00

Những ai sinh ra và lớn lên trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, khi tết đến xuân về đều bồi hồi nhớ lại thời khắc thiêng liêng lúc giao thừa, ngồi bên chiếc đài bán dẫn nghe Bác Hồ đọc thư mừng năm mới và thơ chúc tết. Lớp trẻ sinh ra trong thời bình, khi đọc “Hợp tuyển thơ Hồ Chí Minh” cũng sẽ cảm nhận được tình cảm bao la của Bác đối với đồng bào và chiến sĩ trong ngày tết cổ truyền của dân tộc. Tết đến, xuân về với từng gia đình người Việt Nam là sự đoàn viên, sum họp và còn có một truyền thống đặc biệt, đó là cùng ôn lại những bài thơ Bác Hồ chúc tết.

ADQuảng cáo

Thơ chúc tết của Bác Hồ là những vần thơ kỳ diệu đã đi khắp hai miền đất nước và đến với những đứa con đang xa Tổ quốc. Thơ chúc tết của Bác đã vào từng nhà và đến đâu thì em nhỏ mừng vui, cụ già như trẻ lại, chiến sĩ vững tay súng, công nhân chắc tay búa, nông dân vững tay cày hơn. Chính vì vậy, nhà thơ Tố Hữu viết: “Hỡi bốn phương và những chiến trường xa/ Xin lắng nghe phút giao thừa đang chuyển/ Bác Hồ gọi, ấy là mùa xuân đến”.

bac-ho(2).jpg

Sinh thời, Bác Hồ có 22 bài thơ chúc tết. Trừ bài thơ chúc tết đầu tiên viết năm 1942 khi còn là Mặt trận Việt Minh, 21 bài thơ chúc tết còn lại, Bác viết với cương vị Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa để gửi đồng bào, chiến sĩ cả nước. Nội dung mỗi bài thơ chúc tết của Bác thường là tổng kết tình hình năm qua, nhận định tình hình sắp tới, chúc mừng đồng bào nhân dịp xuân về và kêu gọi đoàn kết, thi đua để hoàn thành tốt nhiệm vụ... Thế nhưng, đọc thơ chúc tết của Bác Hồ bao giờ cũng đem lại cho ta niềm vui đầm ấm. Đối với mọi người trong mỗi hoàn cảnh trên mỗi bước đường của cách mạng, hễ cứ đọc thơ chúc tết của Bác là thấy yên tâm, phấn khởi, dạt dào hy vọng, tâm hồn rộn rã hẳn lên và cảm thấy như sức lực dồi dào hơn. Bởi lẽ, thơ chúc tết của Bác Hồ bao giờ cũng chứa đựng niềm tin son sắt vào cách mạng và dân tộc. Lời thơ giản dị để ai cũng hiểu mục đích của Bác, như hai câu kết trong thơ mừng xuân 1964, Bác viết:“Mấy lời thân ái, nôm na/ Vừa là kêu gọi, vừa là mừng xuân”. Xuân Đinh Dậu 2017 đã là 48 cái tết nhân dân ta không còn được nghe những lời thơ “thân ái, nôm na” của Người, nhưng âm hưởng của 22 bài thơ xuân mà Bác để lại vẫn luôn hiện hữu trong cuộc sống của mỗi gia đình người Việt.

Từ năm 1961 trở đi, cách mạng Việt Nam trải qua những chặng đường đầy gian nan, thử thách. Năm 1967, đế quốc và bè lũ tay sai đẩy mạnh cuộc chiến tranh, chúng ném bom phá hoại miền Bắc, nhưng nhân dân ta không hề nao núng, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ. Xuân Đinh Mùi 1967, cách đây 50 năm, bài thơ mừng xuân của Bác Hồ thấm đượm khí thế hào hùng của toàn dân tộc và niềm lạc quan tin tưởng, đó là những “tin mừng thắng trận” của hai miền Nam - Bắc “nở như hoa”:

“Xuân về xin có một bài ca

Gửi chúc đồng bào cả nước ta

Chống Mỹ hai miền đều đánh giỏi

Tin mừng thắng trận nở như hoa”.

Những vần thơ xuân 1967 của Bác không chỉ phản ánh thực tiễn lịch sử của dân tộc ta lúc bấy giờ mà còn đậm đà chất thép nhưng cũng rất bình dị, gần gũi với nhân dân. Lời thơ như ngọn gió xuân ấm áp, truyền đến đồng bào, chiến sĩ cả nước “tin mừng thắng trận nở như hoa”.

Tết Mậu Thân 1968, quân và dân miền Nam đồng loạt nổi dậy tấn công Mỹ - ngụy. Chủ tịch Hồ Chí Minh chúc tết đồng bào, chiến sĩ cả nước với bài thơ được coi là đỉnh cao của lời hiệu triệu. Nghe thơ Bác, đồng bào, chiến sĩ miền Nam như được tiếp thêm sức mạnh cầm chắc tay súng, xông lên đánh Mỹ, tiêu diệt ngụy, làm nên chiến công vang dội của tết Mậu Thân lịch sử:

“Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua

Thắng trận tin vui khắp nước nhà

Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ

Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta!

Thơ chúc tết năm Kỷ Dậu 1969 là bài thơ mừng xuân cuối cùng của Bác Hồ gửi toàn dân tộc ta trước khi Người ra đi. Đây là bài thơ xuân đẹp nhất Bác gửi lại cho đời và là một trong 3 bài thơ chúc tết của Người được viết bằng thể lục bát truyền thống:

“Năm qua thắng lợi vẻ vang

Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to

Vì độc lập, vì tự do

Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào

Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào.

Bắc - Nam sum họp xuân nào vui hơn”.

Gần nửa thế kỷ đi qua, những vần thơ hào sảng, thể hiện khát vọng, tinh thần, ý chí “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” và niềm tin Bắc - Nam sum họp một nhà của Bác Hồ, của toàn dân tộc đã trở thành khẩu lệnh tấn công, giục giã quân, dân ta tiến lên giành thắng lợi cuối cùng. Sáu mùa xuân sau bài thơ Mừng xuân 1969 ấy, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 đã mang lại niềm vui chiến thắng cho toàn dân tộc. Niềm tin yêu và khát vọng độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc chứa đựng trong những bài thơ chúc tết, mừng xuân của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã trở thành hiện thực. 48 năm Bác đi xa, cùng với di chúc, những tác phẩm thơ văn của Bác để lại là tài sản vô giá đối với dân tộc ta. Mỗi dịp xuân về, tết đến, chúng ta đọc lại từng câu, ngẫm nghĩ và cảm nhận bao điều lớn lao, sâu xa từ những con chữ bình thường, giản dị nhưng đầy ắp tình yêu thương của vị Cha già dân tộc.

Theo baobinhphuoc.com.vn
https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/17667/tho-chuc-tet-cua-bac-ho---tai-san-vo-gia-cua-dan-toc
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thơ chúc tết của Bác Hồ - tài sản vô giá của dân tộc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO