Cụ thể, ở THCS, số giáo viên biên chế hiện có là 282.728, số giáo viên thiếu so với định mức là 19.304, số thừa cục bộ là 3.219. Ở THPT, số giáo viên biên chế hiện có là 131.418, số giáo viên thiếu so với định mức là 13.882, số thừa cục bộ là 397.
Khu vực Đồng bằng Sông Hồng có tỉ lệ giáo viên/lớp cấp THPT thấp nhất cả nước
Báo cáo công tác phát triển đội ngũ nhà giáo năm học 2022-2023, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho biết: So với năm học 2021-2022, số lượng giáo viên các cấp học mầm non, phổ thông tăng thêm 7.163 giáo viên (công lập tăng 1.296 giáo viên, ngoài công lập tăng 5.867 giáo viên). Riêng ở THCS, tính đến hết năm học 2022-2023, cả nước có 295.173 giáo viên công lập, 6.448 giáo viên ngoài công lập; cấp THPT có 136.248 giáo viên công lập và 20.669 giáo viên ngoài công lập.
Về tỉ lệ giáo viên/lớp được tính trên cơ sở số giáo viên đã được tuyển dụng, đang công tác tại các cơ sở giáo dục: So với định mức quy định, khu vực Bắc Trung Bộ và Đồng Bằng Sông cửu Long có tỉ lệ giáo viên/lớp cấp THCS cơ bản đáp ứng yêu cầu; khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng Sông Hồng có tỉ lệ giáo viên/lớp thấp nhất (các tỉnh có tỉ lệ thấp như: Hà Nội 1,59; Hải Dương 1,62; Bình Dương 1,48; TP Hồ Chí Minh 1,65). So với mặt bằng chung cả nước, khu vực Đồng bằng Sông Hồng có tỉ lệ giáo viên/lớp cấp THPT thấp nhất (điển hình như: Hà Nội 1,68; Thái Bình 1,82).
So với năm học 2021-2022, số giáo viên còn thiếu tăng thêm 11.308 (cấp THCS tăng 1.207 giáo viên, cấp THPT tăng 2.045 giáo viên). Cấp THPT tăng 669 lớp so với năm học 2021-2022 (tương đương cần tăng thêm khoảng 1.500 giáo viên).
Về biên chế được giao và công tác tuyển dụng giáo viên, theo cơ sở dữ liệu ngành tại thời điểm 31/5/2023, năm học 2022-2023 cả nước tuyển mới được 17.208 giáo viên công lập (THCS 3.996 giáo viên, THPT 1.421 giáo viên).
Theo báo cáo sơ bộ đến 30/4/2023 của các địa phương, cả nước còn tới 74.172 biên chế giáo viên chưa tuyển dụng (trong đó THCS 15.547 biên chế, THPT 5.508 biên chế).
Quy trình phân bổ biên chế và quy trình tuyển dụng giáo viên ở các địa phương mất nhiều thời gian
Khó khăn chính trong việc chưa tuyển dụng được giáo viên kịp thời cho năm học 2022-2023 là do quy trình phân bổ biên chế và quy trình tuyển dụng giáo viên ở các địa phương mất nhiều thời gian.
Cụ thể, trung ương giao chỉ tiêu biên chế cho các tỉnh theo cơ chế giao tổng biên chế tất cả các ngành, trên cơ sở tổng biên chế được giao, UBND tỉnh xây dựng phương án phân bổ cho các ngành (trong đó có ngành Giáo dục), trình HĐND xem xét quyết định. Sau khi HĐND tỉnh ra quyết định phân bổ biên chế thì ngành Giáo dục mới làm các bước tuyển dụng giáo viên theo quy trình được quy định tại Nghị định 115.
Bên cạnh đó, không ít địa phương không tổ chức tuyển dụng giáo viên, để lại biên chế để cắt giảm cơ học thực hiện tinh giản biên chế 10%.
Tổ chức tuyển dụng hết số biên chế giáo viên đã được giao
Tại Hội nghị Giám đốc Sở GD&ĐT năm 2023, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục đã chia sẻ một số giải pháp thực hiện trong thời gian tới đối với đội ngũ.
Theo đó, đối với các địa phương, cần tiếp tục xây dựng và thực hiện Đề án phát triển đội ngũ giáo viên ở địa phương với tầm nhìn dài hạn, phù hợp với yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018; có chính sách hợp lý để thu hút giáo viên về công tác tại địa phương.
Tiếp tục thực hiện rà soát, sắp xếp, điều tiết giáo viên mầm non, phổ thông giữa các cơ sở giáo dục trong tỉnh bảo đảm hợp lý theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT tại Công văn số 240/BGDĐT-NGCBQLGD ngày 20/1/2021. Khắc phục tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ.
Tổ chức tuyển dụng hết số biên chế giáo viên đã được giao (ưu tiên tuyển giáo viên mầm non, tiểu học còn thiếu). Trường hợp chưa tuyển đủ giáo viên thì bố trí nguồn lực để hợp đồng theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 của Chính phủ.
Rà soát để đặt hàng đào tạo giáo viên theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP, bảo đảm đủ nguồn tuyển dụng của địa phương.
Tăng cường kiểm tra, thanh tra công tác tuyển dụng, sử dụng đội ngũ. Đẩy mạnh việc thực hiện tinh giản biên chế gắn với sắp xếp lại tổ chức trường, lớp và cơ cấu lại đội ngũ viên chức. Cần làm tốt việc đánh giá phẩm chất, năng lực cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên theo chuẩn nghề nghiệp và đánh giá kết quả làm việc của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên hàng năm để sàng lọc, phân loại, tinh giản biên chế.
Địa phương cần xây dựng cơ chế, chính sách để khuyến khích các cá nhân và doanh nghiệp thành lập các cơ sở giáo dục ngoài công lập
Địa phương cũng cần xác định lộ trình cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế cho từng năm để phối hợp (liên hệ) với các cơ sở đào tạo giáo viên thực hiện việc đặt hàng đào tạo nâng trình độ chuẩn giáo viên được đào tạo theo Nghị định số 71/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 của Chính phủ và để có các thông tin về sinh viên sư phạm ra trường hàng năm nhằm chủ động nguồn tuyển dụng hoặc hợp đồng lao động.
Đẩy mạnh thí điểm cơ chế tự chủ đối với các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập ở vùng đô thị, vùng thuận lợi nhằm khuyến khích các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập chủ động khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực để nâng cao chất lượng và giảm chi cho Ngân sách nhà nước; đồng thời không làm giảm cơ hội tiếp cận giáo dục của học sinh nghèo, học sinh là đối tượng chính sách.
Địa phương cũng cần xây dựng cơ chế, chính sách để khuyến khích các cá nhân và doanh nghiệp (đặc biệt là các nơi có khu công nghiệp) thành lập các cơ sở giáo dục ngoài công lập, tham gia xã hội hóa giáo dục để giảm người hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Ngân sách để thực hiện xã hội hóa thực hiện theo quy định tại Nghị định số 24/2021/NĐ-CP ngày 23/3/2021 của Chính phủ quy định việc quản lý trong cơ sở giáo dục mầm non và cơ sở giáo dục phổ thông công lập).
Tính đến hết năm học 2022-2023, tổng số giáo viên mầm non, phổ thông là 1.234.124 (công lập có 1.093.026 giáo viên, ngoài công lập có 141.098 giáo viên).Có 100.135 cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông (công lập có 90.521 người, ngoài công lập có 9.614 người).
Dự báo trong năm học 2023-2024, cả nước cần có khoảng 1.170.000 giáo viên mầm non, phổ thông công lập. So với số giáo viên trong biên chế hiện có và số giáo viên đang hợp đồng trong các trường công lập thì năm học tới cần bổ sung thêm 77.604 giáo viên mầm non, phổ thông để đủ số lượng giáo viên giảng dạy theo định mức quy định.