Việc tử tế

Thiết thực những lớp học “0 đồng” ở Đắk Nông

Linh Thư 06/08/2024 05:30

Nhiều đơn vị, tổ chức đã mở các lớp học miễn phí dạy văn hóa cũng như kỹ năng sống cho người dân, thanh thiếu nhi, tạo sân chơi thiết thực, ý nghĩa, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống người dân.

Mang "con chữ" tới người dân xã Đắk Nia

7h tối, trời mưa lất phất nhưng chị K’Riềm, ở bon Bu Sóp, xã Đắk Nia, TP. Gia Nghĩa vẫn cùng mọi người đội mưa đi học. Ngày xưa, chị K’Riềm mới được học tới lớp 1 thì nghỉ học, đi làm phụ gia đình rồi lấy chồng, sinh con.

Đến nay, chị K’Riềm đã hơn 38 tuổi, những kiến thức học được chị đã quên từ lúc nào không hay. Không biết chữ, chị còn chẳng biết viết tên mình, muốn đọc thông tin gì lại phải nhờ đứa con đầu đang học lớp 8 đọc giúp.

img_8659.jpg
Trời mưa nhưng các chị em xã Đắk Nia, TP. Gia Nghĩa vẫn chăm chỉ đến lớp để biết cái chữ

Nghe có lớp học chữ miễn phí, chị K’Riềm đăng ký đi học trước sự ủng hộ của chồng và các con. Mỗi tối, mặc mùa mưa cao nguyên, Trung tâm học tập cộng đồng xã Đắk Nia lại đều đặn sáng đèn. Chị K’Riềm và những người nông dân ở mọi lứa tuổi, với bàn tay đã quen với con dao, cái cuốc, lại làm quen từ đầu với quyển vở, cây bút, nắn nót, đánh vần từng con chữ. Họ đến từ 3 bon N’Jriêng, Bu Sóp, Ting Wel Đơm của xã Đắk Nia và đều là những học viên của lớp xóa mù chữ được mở từ đầu tháng 6 năm nay.

Chị K’Riềm chia sẻ, "Trước đây, bố mẹ đẻ nhiều con, nhà nghèo nên không có khả năng đi học. Giờ các cấp chính quyền quan tâm, mở lớp học, tôi đăng ký đi học và thấy rất phấn khởi. Sau khi học 1 thời gian, tôi quen dần, nhận biết được mặt chữ và bắt đầu tập viết, mong tiến bộ nhanh để có cái chữ, biết tính toán làm ăn".

img_8674.jpg
Năm nay 38 tuổi, chị K’Riềm (ngoài cùng bên trái), ở bon Bu Sóp, xã Đắk Nia, TP. Gia Nghĩa chăm chú theo học lớp xóa mù chữ do xã tổ chức để có thể biết đọc, biết viết, biết tính toán làm ăn

Lớp học xóa mù chữ của xã Đắk Nia có 31 học viên, duy trì học 6 buổi/tuần, từ thứ 2 đến thứ 7. Lớp được mở thông qua việc triển khai tiểu dự án 1, thuộc dự án 5 về phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao nguồn nhân lực trong chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Để tổ chức lớp học, Ban chỉ đạo Phổ cập giáo dục - xóa mù chữ xã Đắk Nia đã tiến hành ra soát, vận động người chưa biết chữ, người tái mù chữ ở các bon ra lớp. Đồng thời, Ban chỉ đạo cũng phối hợp với các trường tiểu học trên địa bàn cử 4 giáo viên thay phiên đứng lớp hàng tuần. Học viên được hỗ trợ chi phí đi lại, mua bút, sách, vở, một số đồ dùng học tập cơ bản khi tham gia lớp học.

Thầy giáo K’Toàn, giáo viên Trường tiểu học Tô Hiệu, xã Đắk Nia, TP. Gia Nghĩa cho biết, "Tham gia dạy tại lớp học tôi dành thời gian soạn giáo án sao cho phù hợp với các học viên. Dạy học phải sao cho học viên hiểu, cầm tay dẫn dắt, luyện viết từng chút một, dần dần các học viên thấy được tầm quan trọng của việc học, biết đọc, biết viết để áp dụng các kiến thức trong cuộc sống".

Với sự miệt mài, tinh thần học hỏi của học viên, cộng với sự nhiệt tình, trách nhiệm của giáo viên, lớp xóa mù chữ trong cộng đồng người Mạ đem đến "ánh sáng" tri thức, giúp thay đổi đời sống, cách thức tiếp cận thông tin và xa hơn là diện mạo nông thôn ở xã Đắk Nia.

Thúc đẩy phong trào thể dục thể thao

Những ngày qua, khu nhà đa năng của Trường THCS Trần Phú, TP. Gia Nghĩa luôn rộn ràng từ sáng sớm. Đó là bởi những bài tập sôi động từ lớp cầu lông miễn phí dành cho thiếu niên nhi đồng do anh Lê Văn Tuấn Anh, tổ dân phố Nghĩa Hòa, phường Quảng Thành, TP. Gia Nghĩa đứng ra tổ chức.

Với mong muốn tạo thêm những sân chơi đa dạng, thu hút trẻ em, anh Tuấn Anh, một huấn luyện viên tự do đã quyết định mở lớp cầu lông miễn phí cho trẻ em dịp hè 2024.

caulong.jpg
Anh Lê Văn Tuấn Anh, ở tổ dân phố Nghĩa Hòa, phường Quảng Thành, TP. Gia Nghĩa mở lớp cầu lông miễn phí cho trẻ em dịp hè 2024

Lớp học có gần 30 học viên, trong độ tuổi từ 7 - 14 tuổi, duy trì tập luyện trong khung giờ từ 7h30 đến 9h sáng từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần, kéo dài trong hơn 6 tuần. Lớp học không chỉ là cơ hội để trẻ em các phường, xã trên địa bàn TP. Gia Nghĩa rèn luyện thể chất, mà còn nuôi dưỡng niềm đam mê với bộ môn cầu lông đang được đông đảo người dân yêu thích và phát triển thành phong trào tập luyện mạnh mẽ như hiện nay.

Anh Lê Văn Tuấn Anh chia sẻ, tôi muốn các bạn trẻ có nơi tập trung vui chơi trong dịp hè, mang lại sức khỏe, tinh thần thoải mái. Tới lớp học, các học viên sẽ được tập các bài tập cơ bản làm quen với cầu và vợt như tâng cầu, ném cầu, tiếp xúc với cầu và sân.

Tham gia lớp học, em Đặng Bình Nguyên, tổ dân phố 8, phường Nghĩa Thành, TP. Gia Nghĩa cho hay: "Em rất vui vì được luyện tập đánh cầu lông với các bạn. Đi học đánh cầu lông giúp em nhanh nhẹn hơn, rèn luyện sức khỏe".

boi.jpg
100 học viên là thanh thiếu niên trên địa bàn xã Đắk N'Drót đã được dạy, trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết về môn bơi và sơ cấp cứu đuối nước miễn phí trong dịp hè

Mới đây, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đắk Nông phối hợp với UBND huyện Đắk Mil tổ chức bế giảng lớp dạy bơi miễn phí thí điểm của tỉnh tại Trường tiểu học Hoàng Hoa Thám, xã Đắk N’Drót. Sau 2 tháng học, 100 học viên là thanh thiếu niên trên địa bàn đã được dạy, trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết về môn bơi và sơ cấp cứu đuối nước.

Được biết, Trường tiểu học Hoàng Hoa Thám đã duy trì việc dạy bơi cho học sinh trong dịp hè suốt 4 năm qua. Năm nay là năm thứ 2, việc dạy bơi miễn phí cho các em được tổ chức tại trường. Theo đó, năm 2023, trường huy động được nguồn ủng hộ từ các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trong xã để mở lớp dạy bơi miễn phí. Năm 2024, được Sở LĐ-TB&XH tỉnh hỗ trợ kinh phí để mở lớp dạy bơi miễn phí cho các em thiếu nhi tại trường. Trong gần 100 học viên đăng ky học năm nay, có hơn 90% là học sinh nhà trường, số còn lại là con em đến từ các khu vực xung quanh.

Ông Phạm Lý Dương, Hiệu trưởng Trường tiểu học Hoàng Hoa Thám cho biết, lớp học bơi miễn phí góp phần ý nghĩa giúp trẻ em vùng sâu vùng xa được rèn luyện kỹ năng, giúp phong trào học bơi lan tỏa, trao cơ hội, kỹ năng để các em tự bảo vệ mình khi rơi vào tình huống xấu. Không chỉ dạy bơi vào dịp hè, môn bơi lội còn được trường đưa vào dạy sau giờ học chính khóa. Trường thành lập CLB bơi lội, tổ chức các cuộc thi bơi lội, cử học sinh tham gia các giải bơi cấp huyện và cấp tỉnh để phát triển phong trào bơi lội, phòng chống tai nạn đuối nước ở trẻ em.

x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Thiết thực những lớp học “0 đồng” ở Đắk Nông
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO