Thiệt hại nặng nề do thời tiết cực đoan

TRẦN DUY| 03/06/2023 05:06

Biến đổi khí hậu làm tăng khả năng xảy ra những đợt nắng nóng kỷ lục bởi hiện tượng El Nino, gây hậu quả nghiêm trọng ở nhiều quốc gia. Báo cáo mới đây của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) thuộc Liên hợp quốc chỉ ra, thiên tai liên quan đến thời tiết, khí hậu hay nước đã gây ra gần 12 nghìn thảm họa trong giai đoạn 1970-2021, khiến hơn 2 triệu người thiệt mạng và nền kinh tế toàn cầu thiệt hại khoảng 4.300 tỷ USD.

Lũ lụt nghiêm trọng ở Italia do lượng mưa lớn bất thường. (Ảnh: REUTERS)
Lũ lụt nghiêm trọng ở Italia do lượng mưa lớn bất thường. (Ảnh: REUTERS)

Các nước đang phát triển ghi nhận hơn 90% số ca tử vong được báo cáo trên toàn thế giới, cùng với 60% thiệt hại kinh tế do các hiện tượng khí hậu và thời tiết khắc nghiệt. Theo báo cáo được công bố tại Hội nghị Khí tượng thế giới ở Geneva, Thụy Sĩ, các cơn bão nhiệt đới là nguyên nhân hàng đầu khiến châu Á ghi nhận tới 47% tổng số ca tử vong do thời tiết cực đoan trên toàn cầu. Đồng thời, Tổ chức Khí tượng Thế giới chỉ ra, các quốc gia kém phát triển nhất và các quốc đảo nhỏ đang phát triển phải hứng chịu hậu quả “không tương xứng” với quy mô nền kinh tế.

Hơn 60% thiệt hại kinh tế toàn cầu do thiên tai liên quan đến thời tiết, khí hậu hay nước (như hạn hán, lũ lụt) được ghi nhận ở các nền kinh tế phát triển. Tuy nhiên, mức thiệt hại kinh tế này chỉ tương đương dưới 0,1% GDP ở mỗi quốc gia, trong khi không có thảm họa nào được báo cáo gây thiệt hại kinh tế nhiều hơn 3,5% GDP ở một nơi. Trong khi đó, 7% các diễn biến thời tiết cực đoan được ghi nhận ở các nước kém phát triển nhất gây thiệt hại kinh tế tương đương hơn 5% GDP, trong đó, một số thiên tai gây ra thiệt hại về kinh tế lên đến gần 30% GDP. Còn ở các đảo quốc nhỏ đang phát triển, 20% thiên tai với thiệt hại kinh tế được báo cáo cướp đi hơn 5% GDP, thậm chí, một số gây thiệt hại kinh tế lên đến hơn 100% GDP.

Ở châu Phi, từ năm 1970 đến năm 2021, hơn 1.800 thảm họa do nước và thời tiết, khí hậu cực đoan đã được ghi nhận, khiến hơn 730 nghìn người chết và thiệt hại kinh tế ước tính 43 tỷ USD. Trong đó, hạn hán chiếm 95% số ca tử vong được báo cáo ở châu lục này. Trong cùng giai đoạn, châu Á chiếm 47% tổng số ca tử vong được báo cáo trên toàn thế giới, nổi bật là cơn bão nhiệt đới Nargis năm 2008 ở Ấn Độ Dương, đã khiến gần 140 nghìn người thiệt mạng, ảnh hưởng 2,4 triệu người khác. Các khu vực còn lại của thế giới cũng ghi nhận mức thiệt hại về người lên đến hàng trăm nghìn, cùng với hàng trăm tỷ USD thiệt hại kinh tế.

Tổ chức Khí tượng Thế giới công bố những nghiên cứu mới tại Hội nghị Khí tượng thế giới trong cuộc đối thoại cấp cao nhằm tăng tốc và mở rộng hành động, bảo đảm mọi người trên trái đất đều được bảo vệ bằng các dịch vụ cảnh báo sớm thiên tai. Sáng kiến Cảnh báo sớm cho mọi người của Liên hợp quốc là một trong những ưu tiên chiến lược hàng đầu sẽ được Hội nghị Khí tượng thế giới tiến tới thông qua.

Tổng Thư ký Tổ chức Khí tượng Thế giới Petteri Taalas (P.Ta-lát) nhấn mạnh, khoảng 100 quốc gia vẫn chưa có các hệ thống dự báo thời tiết đầy đủ và Sáng kiến Cảnh báo sớm cho mọi người của Liên hợp quốc nhằm mục đích lấp đầy khoảng trống năng lực hiện nay, có thể bảo vệ mọi người trước các hiện tượng bất thường của thiên nhiên, khí hậu. Đến nay, một phần ba số dân thế giới, chủ yếu ở các nước kém phát triển nhất và các đảo quốc nhỏ đang phát triển vẫn chưa được phủ sóng hệ thống cảnh báo sớm thiên tai.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres (A.Gu-tê-rét) bày tỏ mong muốn, đến cuối năm 2027, mọi người trên trái đất đều được bảo vệ bởi các hệ thống cảnh báo sớm. Các chuyên gia khuyến nghị, hệ thống cảnh báo sớm là biện pháp thích ứng biến đổi khí hậu hiệu quả, đã được chứng minh, giúp cứu sống hàng nghìn người và mang lại lợi ích gấp ít nhất 10 lần mức đầu tư.

Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/thiet-hai-nang-ne-do-thoi-tiet-cuc-doan-post755903.html
Copy Link
https://nhandan.vn/thiet-hai-nang-ne-do-thoi-tiet-cuc-doan-post755903.html
    Nổi bật
        Mới nhất
        Thiệt hại nặng nề do thời tiết cực đoan
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO