Thiêng liêng lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ trên biển
Trong chuyến hải trình kéo dài 16 ngày (từ 1 - 16/1/2025) thăm các nhà giàn, tàu trực, quân dân huyện Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), Đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân có nhiều hoạt động, trong đó có Lễ tưởng niệm Liệt sĩ hy sinh vì chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Nhiều mất mát, đau thương
Xuất phát từ vị trí chiến lược của vùng biển, thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc, ngày 5/7/1989, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) đã ra chỉ thị về việc thành lập Cụm Kinh tế - khoa học - dịch vụ (gọi tắt là DK1) tại các khu vực bãi đá ngầm trên thềm lục địa phía Nam, thuộc Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo (nay là tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).
36 năm nơi đầu sóng, ngọn gió, mỗi nhà giàn như một cột mốc chủ quyền, đôi mắt thần trên biển, ngày đêm phối hợp cùng các lực lượng quan sát, theo dõi, nắm chắc mọi tình hình.
Các thế hệ cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Quân chủng Hải quân, trực tiếp là cán bộ chiến sĩ tiểu đoàn DK1, Vùng 2 Hải quân đã gác lại bao khó khăn của hậu phương gia đình, thiếu thốn về nhiều mặt, nêu cao tinh thần trách nhiệm, dũng cảm, chấp hành mệnh lệnh, đương đầu với mọi thử thách trụ vững nơi đầu sóng ngọn gió.
Vào các năm 1990, 1996, 1998, 2000, bão tố và sức tàn phá khủng khiếp đã làm đổ một số nhà giàn - nơi cán bộ, chiến sỹ Hải quân luôn có mặt thực hiện nhiệm vụ.
Trong thời khắc giữa sự sống và cái chết, các đồng chí đã tỏ rõ lòng trung thành vô hạn với Đảng, với Tổ quốc, với Nhân dân; phát huy bản chất, truyền thống tốt đẹp của Quân đội, Quân chủng Hải quân anh hùng, vẫn bình tĩnh, kiên cường bám trụ với tinh thần “còn người, còn nhà giàn, còn Tổ quốc”.
Chiều ngày 4/12/1990, cơn bão số 10 đi vào khu vực Nam Biển Đông, với sức gió giật trên cấp 12, tạo ra những cơn sóng dữ, to lớn như muốn nuốt lấy Nhà giàn DK1/2 Phúc Tần.
Trong hiểm nguy, dưới sự chỉ huy của Trung úy, Trạm trưởng Bùi Xuân Bổng và Thượng uý, Trạm phó Chính trị Nguyễn Hữu Quảng, các CBCS đã dốc sức chống chọi với bão tố.
Song, đêm đen ập xuống, sức gió mỗi lúc một mạnh lên, nhà giàn bị quật đổ và cuốn trôi theo cả 8 CBCS xuống biển khơi, 3 đồng chí đã hy sinh.
Trong lúc đối mặt với cái chết, Thượng úy Nguyễn Hữu Quảng nêu cao vai trò lãnh đạo, bí thư chi bộ đã động viên đồng đội bám sát mình để hỗ trợ nhau chống chọi với cuồng phong.
Trong cận kề giữa sự sống, cái chết, anh đã nhường chiếc phao cá nhân và miếng lương khô cuối cùng của mình cho người chiến sĩ yếu nhất để rồi thanh thản đi vào lòng biển sâu.
Tiếp đó, vào đêm 13, rạng sáng ngày 14/12/1998, cơn bão số 8 đi vào khu vực Nam Biển Đông. Trong đêm tối mịt mùng, sức gió khủng khiếp của cơn bão khiến Nhà giàn DK1/16 Phúc Nguyên bị nghiêng lắc, rung chấn dữ dội…
CBCS nhà giàn vẫn kiên trì bám trụ, giữ vững thông tin liên lạc với sở chỉ huy, bình tĩnh, dũng cảm, kiên cường chống chọi với những trận cuồng phong giữa đêm đen.
Nhưng sức người có hạn, nhà giàn bị đổ và cuốn đi cả 9 đồng chí. Mặc dù lực lượng cứu hộ đã làm hết sức mình, nhưng 3 đồng chí là Đại úy Vũ Quang Chương, Chuẩn úy Nguyễn Văn An, Chuẩn úy Lê Đức Hồng đã gửi lời chào "Vĩnh biệt đất liền” về sở chỉ huy quân chủng rồi thanh thản ra đi, mãi mãi nằm lại với biển khơi, hóa thân cùng sóng nước.
Linh thiêng giữa biển khơi
Trong chuyến thăm và chúc tết các nhà giàn, tàu trực, Đoàn công tác số 2 của Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân thăm, chúc tết 10 nhà giàn và dự định ngày 10/1 sẽ làm lễ tưởng niệm các anh hùng Liệt sĩ hy sinh trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.
Dù đã định kế hoạch song suốt từ ngày 1 - 13/1/2025, thời tiết rất xấu, gió to, biển động, sóng luôn cao trung bình trên 5m nên lễ tưởng niệm không thể thực hiện.
Chưa làm lễ được, lãnh đạo đoàn công tác cũng như CBCS tàu Trường Sa 21 và các phóng viên đi theo đoàn không thể nào yên tâm.
Tối 13/1/2025, Đại tá Vũ Duy Lưu, Phó Chủ nhiệm chính trị Bộ tư lệnh Vùng 2 Hải quân, Phó Trưởng đoàn công tác khẳng định: “Ngày mai nhất định sẽ làm được”.
Đúng như lời Đại tá Vũ Duy Lưu, đến sáng 14/1/2025 trời bỗng nhiên đẹp lạ thường, biển lặng, sóng êm, mặt trời hiện ra chói chang. Ngay lập tức Lễ tưởng niệm được triển khai.
“Lần nào ra biển chúng tôi cũng làm lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh trên biển, các anh linh thiêng lắm, nhiều việc diễn ra không thể lý giải được”, Đại tá Vũ Duy Lưu tâm sự.
Trên mạn tàu, dù không gian chật hẹp song đoàn công tác cũng đã tạo nên một bàn thời trang nghiêm với đầy đủ lễ vật, vòng hoa… để dâng hương, hoa viếng hương hồn các anh hùng liệt sĩ.
Trong diễn văn dài hơn 10 phút ôn lại những mất mát đau thương, sự anh dũng, tinh thần chiến đấu đến cùng, vì đồng đội, còn người còn nhà giàn của các liệt sĩ… Đại tá Vũ Duy Lưu đã không nén được xúc động. Nhiều thành viên trong đoàn cũng không cầm được nước mắt.
“Với lòng thành kính biết ơn và tiếc thương vô hạn, toàn thể Đoàn công tác chúng tôi nguyện mãi tiếp bước lý tưởng của các thế hệ đi trước. Mỗi người dù ở mỗi cương vị khác nhau, nhưng nguyện đem hết sức mình đồng hành với các lực lượng giữ biển, cống hiến nhiều hơn cho sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc”, Đại tá Vũ Duy Lưu thay mặt Đoàn công tác xúc động bày tỏ.
Sau bài phát biểu, tất cả các đại biểu đã dành phút mặc niệm, tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ. Nhiều đại biểu đã không kìm nén được cảm xúc của mình đã khóc, thương tiếc các CBCS anh hùng đã quên mình vì một dân tộc Việt Nam trường tồn và phát triển.
Sau lễ dâng hương, bàn thờ và vòng hoa tưởng nhớ các anh đã được Đoàn công tác và CBCS đặt trên mặt biển. Từng thành viên Đoàn công tác thả hoa và hạc giấy tưởng niệm các CBCS hải quân đã hy sinh vì chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Sóng biển bồng bềnh đã chở tình cảm và lòng tiếc thương vô hạn của CBCS và Nhân dân cả nước đến hương hồn các anh, gửi lời tri ân sâu sắc nhất đến những anh hùng đã hi sinh cho Việt Nam độc lập, hoà bình, ấm no và hạnh phúc.
Ngay sau đó, mặt trời bỗng nhiên bị mây đen bao phủ, gió biển nổi lên và sóng lại dâng cao. Thật sự chúng tôi không thể hiểu được sự linh thiêng nơi biển cả.