Thích thú khám phá Cây di sản Việt Nam

Thanh Hằng- Hoàng Hoài| 04/01/2023 06:40

Kể từ khi được công nhận là Cây di sản Việt Nam, 2 cây me tây tại Trung đoàn 726 (Binh đoàn 16) xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức đã đón các đoàn khách tham quan là học sinh trên địa bàn. Thông qua hoạt động trải nghiệm thực tế này, học sinh không chỉ có thêm kiến thức về sinh học, lịch sử mà còn có trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường.

Cây me tây (hay còn gọi là cây muồng ngủ) được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây di sản Việt Nam vào tháng 9/2022. Ngoài quản lý, bảo vệ cây, Trung đoàn 726 còn “mở cửa” cho người dân địa phương, nhất là học sinh, sinh viên tham quan, tìm hiểu về 2 cây di sản này.

Học sinh huyện Tuy Đức tìm hiểu về 2 cây me tây vừa được công nhận là Cây di sản Việt Nam

Đặc biệt, khi tham quan cây me tây, người dân, du khách cũng có cơ hội được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của 7 cây thông 3 lá (cũng là Cây di sản Việt Nam) và căn nhà nghỉ của vua Bảo Đại ngay trong Sở Chỉ huy Trung đoàn 726. Đây đều là các di sản gắn với Khu di tích Sở Trà được xây dựng từ những năm đầu thế kỷ XX.

Em Hoàng Thị Bảo Ngọc, học sinh lớp 5B, Trường tiểu học Ama Trang Lơng (xã Quảng Trực) tỏ ra hứng thú khi được nghe giới thiệu về đặc tính sinh học cũng như ý nghĩa của 2 cây me tây. Đây là lần đầu tiên nữ sinh này được tận mắt chứng kiến 2 cây me tây có tuổi đời 100 năm tuổi, nên Ngọc đã đặt rất nhiều câu hỏi với cán bộ Trung đoàn 726 để thỏa mãn trí tò mò của mình. Bảo Ngọc chia sẻ: “Em ghi nhớ những nội dung mà cô chú giới thiệu để về kể cho bạn bè, người thân nghe. Buổi tham quan giúp chúng em có thêm kiến thức và yêu thiên nhiên nhiều hơn”.

Trong số hàng trăm cây di sản trên toàn quốc, cây me tây ở Quảng Trực rất có ý nghĩa bởi nó nằm ngay trên địa bàn biên giới

Còn cô Vũ Thị Giang, giáo viên Trường tiểu học Ama Trang Lơng tự hào khi địa phương có nhiều cây gỗ lớn được công nhận là Cây di sản Việt Nam. Đây là những ví dụ thực tế để cô Giang giáo dục học sinh về bảo vệ môi trường và phát triển những tiềm năng, lợi thế của xã Quảng Trực. “Qua hoạt động trải nghiệm, tìm hiểu những cây di sản ở ngay tại địa phương, giúp cho học sinh có điều kiện nâng cao kiến thức để bảo vệ môi trường. Ngay từ lần tham quan đầu tiên học sinh đã rất hứng khởi, nên thời gian tới sắp tới trường tiếp tục tổ chức thêm các buổi ngoại khóa khác để các em có hiểu biết hơn về cây di sản và qua đó nâng cao ý thức về biên giới, chủ quyền lãnh thổ quốc gia”.

Học sinh còn được nghe giới thiệu về nơi nghỉ của vua Bảo Đại trong khuôn viên do Trung đoàn 726 quản lý

Thượng tá Nguyễn Văn Huệ, Trung đoàn Trưởng Trung đoàn 726 cho biết, việc những cây gỗ lớn tại xã Quảng Trực, đặc biệt là những cây gỗ do đơn vị quản lý được tôn vinh là Cây di sản Việt Nam không những có giá trị về mặt ý nghĩa lịch sử mà còn nâng cao ý thức về việc trồng và bảo vệ cây xanh, về bảo tồn đa dạng sinh học.

“Thời gian qua, không chỉ người dân mà đã có 3 đoàn học sinh tại các trường học trong huyện Tuy Đức đến đây tìm hiểu về cây di sản. Việc “mở cửa” để học sinh, sinh viên trong và ngoài tỉnh đến thăm quan, chúng tôi hy vọng góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, phòng chống biến đổi khí hậu cho thế hệ trẻ”, Thượng tá Nguyễn Văn Huệ nói.

Theo baodaknong.org.vn
https://baodaknong.org.vn/xa-hoi/thich-thu-kham-pha-cay-di-san-viet-nam-96922.html
Copy Link
https://baodaknong.org.vn/xa-hoi/thich-thu-kham-pha-cay-di-san-viet-nam-96922.html
x
    Nổi bật
        Mới nhất
        Thích thú khám phá Cây di sản Việt Nam
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO