Gạo được bày bán tại chợ ở Dhaka, Bangladesh. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Thị trường gạo châu Á
Thuế áp lên gạo đồ đã tác động đến hoạt động xuất khẩu ở Ấn Độ trong tuần này, trong khi đó giá gạo của Việt Nam và Thái Lan tiếp tục giảm so với mức cao gần đây.
Giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ vẫn ở mức 525-535 USD/tấn, gần mức kỷ lục 520-540 USD/tấn đạt được vào ngày 31/8.
Himanshu Agarwal, Giám đốc điều hành của nhà xuất khẩu Satyam Balajee cho biết hoạt động mua bán gạo đã chậm lại.
Giá gạo thế giới đã tăng vọt sau khi Ấn Độ áp thuế 20% đối với gạo đồ xuất khẩu từ ngày 25/8, bên cạnh các biện pháp hạn chế xuất khẩu hiện có đối với gạo trắng non-basmati. Một nhà xuất khẩu cho biết: “Chúng tôi chỉ đưa ra mức giá tham khảo cho người mua. Không ai mua hàng ở mức giá này”.
Giá gạo 5% tấm của Thái Lan giảm xuống còn 613-615 USD/tấn so với mức 620 USD/tấn trong tuần trước. Một thương nhân cho biết giá giảm do đồng baht yếu hơn, nhưng vẫn ở mức cao, đồng thời cho biết thêm nông dân đang xem xét tăng sản lượng. Thương nhân này cho biết việc giao hàng chỉ được thực hiện theo mức giá đã thỏa thuận trước đó tới Iraq, Philippines và Malaysia.
Trong khi đó, giá gạo 5% tấm của Việt Nam giảm xuống còn 620-630 USD/tấn so với mức 630-640 USD/tấn trong tuần trước. Một thương nhân ở Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, người mua từ Philippines vẫn khá trầm lắng.
Tuy nhiên, một thương nhân khác ở đồng bằng sông Cửu Long cho biết nguồn cung khan hiếm và nhu cầu ngày càng tăng từ châu Phi và Indonesia sẽ hạn chế sự sụt giảm của giá gạo.
Còn một quan chức cấp cao của Bộ Lương thực Bangladesh cho biết nước này có đủ lượng gạo dự trữ, hiện khoảng 1,7 triệu tấn, để cung cấp cho người dân giữa bối cảnh giá gạo thế giới và trong nước tăng cao.
Các hộ nông dân cũng đang theo dõi hiện tượng thời tiết El Nino sau tháng 8 khô hạn bất thường, với dự báo lượng mưa thấp hơn trong tháng 9, gây ra mối đe dọa lớn hơn đối với nguồn cung.
Thị trường nông sản Hoa Kỳ
Giá các mặt hàng nông sản Hoa Kỳ tăng giảm trái chiều trong phiên ngày 15/9 trên sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT), trong đó giá ngô và đậu tương giảm, còn giá lúa mỳ tăng.
Khép phiên này, giá ngô giao tháng 12/2023 giảm 4,25 xu (0,88%) xuống 4,7625 USD/bushel. Giá đậu tương giao tháng 11/2023 giảm 20,25 xu (1,49%) xuống 13,4025 USD/bushel. Trong khi đó, giá lúa mỳ giao tháng 12/2023 tăng 10,5 xu (1,77%) lên 6,0425 USD/bushel.
Liên minh châu Âu (EU) dự kiến sẽ để lệnh cấm nhập khẩu ngũ cốc của Ukraine hết hiệu lực, nhưng điều này sẽ không ngăn cản một số quốc gia thực hiện lệnh cấm của riêng họ.
Các thành viên của Hiệp hội chế biến hạt có dầu quốc gia đã chế biến 167,8 triệu bushel đậu tương trong tháng 8/2023, mức thấp nhất ở Hoa Kỳ trong 11 tháng. Dự trữ đậu tương của Hoa Kỳ đã giảm xuống còn 1.250 triệu pound, mức dự trữ hằng tháng thấp nhất của Hoa Kỳ kể từ tháng 10/2017 (1 pound/lb = 0,4535 kg).
Các nhà dự báo thời tiết lo ngại thời tiết hạn hán ở Australia sẽ trở nên tồi tệ hơn vào tháng 11/2023, trong bối cảnh hiện tượng El Nino ở vùng xích đạo Thái Bình Dương mạnh lên nhanh chóng.
Dự báo lượng mưa ít trên khắp miền Trung Mỹ trong sáu ngày tới. Sau đó, một kiểu thời tiết ẩm ướt hơn diễn ra trên khắp khu vực này với lượng mưa gần cao hơn mức bình thường vào đầu tháng 10/2023.
Thị trường cà-phê thế giới
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá cà-phê Robusta trên sàn ICE Europe - London bất ngờ tăng vọt. Giá cà-phê Robusta giao tháng 11/2023 tăng 61 USD lên 2.556 USD/tấn và giá cà-phê Robusta giao tháng 1/2024 tăng 36 USD lên 2.404 USD/tấn. Khối lượng giao dịch duy trì trên mức trung bình.
Tương tự, giá cà-phê Arabica trên sàn ICE US - New York cùng xu hướng tăng. Giá cà-phê Arabica giao tháng 12/2023 tăng thêm 5,15 xu, lên 159,15 xu/lb và giá cà-phê Arabica giao tháng 3/2024 tăng 4,85 xu, lên 159,75 xu/lb. Khối lượng giao dịch rất cao trên mức trung bình.
Giá cà-phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên tăng 1.000 - 1.200 đồng, lên dao động trong khung 67.300 - 68.000 đồng/kg.
Giá cà-phê 2 sàn tiếp tục hồi phục mạnh khi đồng real tăng lên mức cao hai tuần đã không khuyến khích người Brazil bán cà-phê xuất khẩu, trong bối cảnh tồn kho ICE - New York tiếp tục giảm sâu trong vài tháng qua mà vẫn chưa ghi nhận có sự bổ sung nào. Trong khi đó, tồn kho ICE - London ghi nhận vài ngày gần đây có sự bổ sung đáng kể, chủ yếu từ nguồn cung Brazil.
Báo cáo lạm phát Hoa Kỳ có phần chững lại và suy đoán Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tạm ngừng tăng lãi suất là yếu tố thúc đẩy các quỹ và đầu cơ quay lại thị trường mua vào, sau khi đã mạnh tay thanh lý trong 2 tuần liên tiếp trước đó, cho dù đã có ý kiến nhận định các thị trường cà-phê kỳ hạn đang vào chu kỳ giảm.
Đồng real tăng mạnh trở lại khiến Brazil giảm bán, dự báo hiện tượng thời tiết El Nino sẽ gây khô hạn cho các nước sản xuất cà-phê trên vành đai Thái Bình Dương kể từ tháng 10 cho tới hết quý I/2024 và phiên họp điều hành tiền tệ của Fed vào đầu tuần sau là sự quan tâm của thị trường cà-phê thế giới trong ngắn lẫn trung hạn.
Liên đoàn Cà-phê châu Âu (ECF) báo cáo, tồn kho tại các kho cảng trong tháng 6/2023 đã giảm 15,16% so với cùng kỳ năm trước xuống ở mức 11,56 triệu bao, đáp ứng đủ cho nhu cầu rang xay trong hơn 13 tuần. Thông tin này có phần chậm trễ nên cũng không tác động mấy với thị trường hiện tại.