Trênthịtrườngnănglượng, khép lại phiên giao dịch ngày hôm qua, giá dầu thế giới đồng loạt hồi phục mạnh mẽ sau khi Liên minh châu Âu (EU) đồng ý áp thêm gói trừng phạt, đe dọa dòng chảy dầu của Nga, thắt chặt nguồn cung dầu thô trên thế giới. Đóng cửa, giá dầu WTI tăng 2,48% lên mức 70,3 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent cũng tăng 2,19% lên gần 74 USD/thùng.
Theo các nhà ngoại giao quốc tế, đại sứ các nước EU đã nhất trí về gói trừng phạt thứ 15 đối với Nga, nhất là “hạm đội bóng đêm” vì chiến dịch quân sự đặc biệt mà nước này đang tiến hành tại Ukraine. Động thái này đã khiến thị trường lo ngại về nguy cơ thu hẹp nguồn cung dầu. Hạm đội tàu nói trên đã giúp duy trì dòng chảy dầu của Nga, đồng thời giúp quốc gia này “lách” mức giá trần 60 USD/thùng mà nhóm các nước G7 áp lên dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga từ năm 2022. Dự kiến, gói trừng phạt sẽ được chính thức thông qua trong cuộc họp của EU vào ngày 16/12 tới. Đối tượng bị lệnh trừng phạt nhắm tới bao gồm gần 30 tổ chức, hơn 50 cá nhân, và 45 tàu chở dầu.
Tại Mỹ, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cho biết nước này đang tìm kiếm cách thức mới để làm suy yếu nguồn doanh thu từ dầu mỏ của Nga. Bà nhận định sự sụt giảm nhu cầu dầu toàn cầu sẽ mở ra cơ hội áp đặt thêm biện pháp trừng phạt lên Nga mà không lo ngại về nguy cơ thâm hụt nguồn cung.
Bên cạnh đó, cam kết nới lỏng chính sách tiền tệ ở mức vừa phải của Trung Quốc cũng góp phần hỗ trợ giá dầu trong phiên hôm qua. Nhằm ứng phó với nguy cơ Mỹ tăng thuế nhập khẩu trong năm tới, các nhà hoạch định chính sách nước này đang cân nhắc để đồng nhân dân tệ giảm xuống mức 7,5 nhân dân tệ/USD, tương đương mức mất giá khoảng 3,5% so với hiện tại. Các chuyên gia nhận định việc Trung Quốc để đồng nhân dân tệ yếu đi là lựa chọn hợp lý để đạt mục tiêu tăng trưởng 5% trong năm tới.
Tuy nhiên, đà tăng của giá dầu bị hạn chế khi OPEC hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu năm 2024 và 2025. Cụ thể, tổ chức này ước tính nhu cầu dầu năm 2024 chỉ tăng 1,61 triệu thùng/ngày, giảm 210.000 thùng so với dự báo tháng trước. Tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu trong năm 2025 cũng bị hạ từ 1,54 triệu thùng/ngày xuống còn 1,45 triệu thùng/ngày. Đây đánh dấu lần điều chỉnh giảm thứ 5 liên tiếp và cũng là lần điều chỉnh lớn nhất từ OPEC, cho thấy sự thận trọng của tổ chức này trước tình trạng thặng dư nguồn cung hiện nay.
Đốivớinhómkimloại, theo MXV, kết thúc phiên giao dịch hôm qua, sắc xanh đỏ đan xen trên bảng giá các mặt hàng nhóm kim loại. Đối với kim loại quý, giá bạc nối dài đà tăng sang phiên thứ ba liên tiếp, tăng 0,67% lên 33 USD/ounce, tiếp tục duy trì ở vùng đỉnh một tháng. Giá bạch kim cũng phục hồi trở lại khi tăng 0,18% lên 950,8 USD/ounce.
Giá kim loại quý tiếp tục tăng trong phiên hôm qua nhờ phát huy tốt vai trò trú ẩn trong bối cảnh rủi ro xung đột địa chính trị leo thang. Bên cạnh đó, giá các mặt hàng cũng được hưởng lợi sau khi Mỹ công bố số liệu lạm phát phù hợp với kỳ vọng, làm tăng khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cắt giảm lãi suất vào tuần tới.
Cụ thể, theo số liệu Cục Thống kê Lao động thuộc Bộ Lao động Mỹ công bố hôm qua, trong tháng 11, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này tăng 0,3% so với tháng trước và tăng 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Cả hai con số này đều phù hợp với dự báo của thị trường. Đáng chú ý, chi phí thuê nhà, một trong những thành phần cứng nhắc nhất của lạm phát, đã tăng với tốc độ chậm nhất trong gần 3 năm rưỡi.
Trong bối cảnh lạm phát tăng phù hợp với dự báo, kỳ vọng FED hạ lãi suất trong cuộc họp tháng này ngày càng được củng cố. Xác suất FED cắt giảm 25 điểm cơ bản trong tuần tới đã tăng lên 95%, tăng từ khoảng 85% trước khi báo cáo lạm phát được công bố, theo công cụ theo dõi lãi suất FedWatch của CME Group. Đây dự kiến sẽ là lần hạ lãi suất thứ ba của FED trong năm nay. Theo đó, nhờ những kỳ vọng lạc quan này, giới đầu tư tiếp tục chuyển dòng tiền sang nhóm kim loại quý, mặt hàng vốn nhạy cảm với lãi suất.