Đối với nhóm nguyên liệu công nghiệp, khép lại tuần giao dịch vừa qua, sắc đỏ áp đảo trên bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp, trong đó giá ca cao gây chú ý khi lao dốc tới 15,3%.
Chỉ trong vòng một tuần, giá ca cao đã đánh mất khoảng 2.400 USD/tấn từ mức cao kỷ lục tuần trước, xuống còn hơn 10.100 USD/tấn, chấm dứt chuỗi tăng 6 tuần liên tiếp. Áp lực bán tập trung vào hai phiên cuối tuần khi các nhà đầu tư gia tăng hoạt động chốt lời sau kỳ nghỉ Giáng sinh. Tuy nhiên, các yếu tố cơ bản trên thị trường vẫn cho thấy những lo ngại về khả năng đáp ứng nguồn cung ca cao trong những tháng đầu năm 2025.
Tại Bờ Biển Ngà, nông dân trồng ca cao bày tỏ lo ngại về nguồn cung trong những tháng đầu năm 2025 do ảnh hưởng của gió mùa khô mạnh tại các khu vực sản xuất chính. Gió Harmattan mạnh cùng lượng mưa thấp khiến lá ca cao khô, cây yếu và ảnh hưởng tới sản lượng. Các khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất gồm Trung Tây Daloa, trung tâm Yamoussoukro và trung tâm Bongouanou, với lượng mưa rất ít hoặc gần như không có.
Theo ước tính của các nhà xuất khẩu ca cao tại Bờ Biển Ngà, lượng ca cao cập cảng từ ngày 1/10 đến 22/12 đạt 972.000 tấn, tăng 30% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, sự gia tăng này chủ yếu do sản lượng và xuất khẩu ca cao niên vụ 2023-2024 trước đó sụt giảm mạnh. So với các vụ mùa bình thường trước đây, lượng ca cao cập cảng vụ hiện tại vẫn ở mức thấp.
Bên cạnh đó, giá hai mặt hàng cà phê cũng suy yếu trong tuần qua khi cà phê Arabica giảm 0,72% và cà phê Robusta giảm 0,98%. Trong tuần qua, các nhà đầu tư bắt đầu thanh lý hợp đồng để chốt lời trước kỳ nghỉ lễ Tết dài vào cuối năm. Thêm vào đó, các thông tin về hoạt động xuất khẩu của Brazil và ước tính thặng dư thương mại cà phê toàn cầu tăng so với dự báo đã gây áp lực lên giá mặt hàng này.
Theo Hiệp hội Những nhà Xuất khẩu Cà phê Brazil (CECAFE), quốc gia Nam Mỹ này đã xuất khẩu 4,66 triệu bao cà phê (loại 60kg) trong tháng 11, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung 11 tháng đầu năm 2024, Brazil đạt kỷ lục xuất khẩu gần 46,4 triệu bao, tăng 3,78% so với mức cao nhất ghi nhận năm 2020, đồng thời tăng 32,2% so với cùng kỳ năm 2023.
Cùng với đó, trong ước tính cung - cầu, Bộ Nông Nghiệp Mỹ (USDA) cho biết thị trường cà phê toàn cầu niên vụ 2024-2025 sẽ thặng dư 6,78 triệu bao loại 60kg, tăng 21,07% so với dự báo trong tháng 6 và là mức thặng dư lớn nhất trong 4 năm trở lại đây. USDA cũng ước tính thương mại cà phê toàn cầu sẽ thặng dư 8,26 triệu bao trong niên vụ 2024-2025, gấp 2,2 lần so với dự báo trước nhưng thấp hơn 1,29 triệu bao so với niên vụ 2023-2024. Trong đó, xuất khẩu dự kiến 144,9 triệu bao và nhập khẩu là 136,6 triệu bao.
Tại thị trường nội địa, giá cà phê tại Tây Nguyên và Đông Nam bộ trong sáng nay (30/12) ghi nhận ở mức 120.300 - 121.000 đồng/kg, giá không đổi so với ngày hôm qua. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm ngoái giá cà phê đã tăng gấp đôi.
Trên thị trường nông sản, đi ngược với xu hướng của toàn thị trường, lực mua chiếm ưu thế trên thị trường nông sản trong tuần qua. Trong đó, đáng chú ý, sau hai tuần liên tiếp suy yếu, đóng cửa, giá đậu tương ghi nhận mức tăng nhẹ hơn 0,5%. Giá mặt hàng này được hỗ trợ từ những lo ngại về tình hình nguồn cung tại Nam Mỹ và triển vọng xuất khẩu tích cực của đậu tương Mỹ.
Tại Nam Mỹ, thời tiết khô hạn dự kiến kéo dài ở phía đông Argentina, Uruguay, phía tây và nam Rio Grande do Sul, Brazil, cùng với tây nam Paraguay trong tuần này. Đặc biệt, tại Argentina, thị trường đang không khỏi lo ngại về tình trạng hạn hán kéo dài và mưa nhiều khả năng không trở lại trong tháng 1. Nếu điều này xảy ra, năng suất đậu tương tại Argentina sẽ bị ảnh hưởng do thiếu độ ẩm cần thiết cho sự phát triển. Đây là yếu tố giúp giá được hỗ trợ vào hôm qua.
Bên cạnh đó, nhu cầu của thị trường nhìn chung vẫn tích cực. Trong báo cáo Export Inspections, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết nước này đã giao 1,75 triệu tấn đậu tương trong tuần kết thúc ngày 19/12, tăng so với mức 1,69 triệu tấn trong tuần trước và mức 1,12 triệu tấn cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, trong báo cáo Daily Export Sales ngày 13/12, USDA cũng cho biết Mỹ đã bán được đơn hàng 132.000 tấn đậu tương giao trong niên vụ 2024-2025 cho Trung Quốc. Điều này cho thấy hoạt động xuất khẩu của Mỹ đã có sự cải thiện trong tuần qua, thúc đẩy lực mua trên thị trường.
Cùng chung diễn biến, giá khô đậu tương kéo dài đà hồi phục sang phiên thứ hai liên tiếp với mức tăng hơn 2% trong tuần qua. Bên cạnh những lo ngại về tình hình thời tiết tại Argentina, vụ cháy tại nhà máy xử lý đậu tương Bunge ở Cairo, Illinois (Mỹ) cũng là yếu tố giúp giá được hỗ trợ. Mặc dù vụ hỏa hoạn đã được kiểm soát, tuy nhiên, thời điểm nhà máy có thể hoạt động trở lại vẫn chưa được xác định. Điều này gây ra lo ngại về tình hình nguồn cung trong ngắn hạn. Giá dầu đậu tương thay đổi không đáng kể trong tuần qua.
Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong ngày 26/12, giá chào khô đậu tương Nam Mỹ về các cảng nước ta tương đối ổn định. Tại cảng Vũng Tàu, giá chào khô đậu tương kỳ hạn giao tháng 2/2025 ở mức 10.300 đồng/kg, trong khi kỳ hạn tháng 3/2025 cũng dao động quanh mức 10.300 đồng/kg. Tại cảng Cái Lân, giá chào bán cao hơn khoảng 150 đồng/kg so với cảng Vũng Tàu.