Đối với nhóm nguyên liệu công nghiệp, khép lại phiên giao dịch ngày hôm qua, sắc đỏ áp đảo trên bảng giá nhóm nguyên liệu công nghiệp. Đi ngược với xu hướng chung của nhóm, tâm điểm chú ý hướng về ca cao khi giá mặt hàng này tăng mạnh gần 7%, thiết lập mức đỉnh lịch sử mới. Nguyên nhân chính đẩy giá ca cao tiếp tục neo cao là do khu vực sản xuất, cung cấp khoảng ¾ sản lượng cho thế giới là Tây Phi đã và đang phải đối mặt với điều kiện thời tiết bất lợi và nguồn cung trở nên khan hiếm. Bên cạnh đó, giới đầu cơ tăng mua trong giai đoạn cuối năm lại càng khiến cho tình hình thêm căng thẳng.
Tại Bờ Biển Nga, nông dân tại hầu hết các vùng trồng ca cao đang lo ngại thiếu mưa và nắng nóng đã cản trở sự phát triển của mùa vụ chính (từ tháng 10 đến tháng 3). Năm nay, gió mùa khô hoạt động sớm hơn bình thường, bắt đầu từ tháng 11, khiến lo ngại về khô hạn làm giảm sản lượng trở nên gay gắt hơn.
Trước đó, cả các hợp tác xã, người mua và đại lý thu mua đều cho biết phần lớn vụ thu hoạch chính đã được hoàn thành vào tháng 11 và tình trạng thiếu hụt dự kiến sẽ kéo dài đến tháng 2 hoặc tháng 3. Trong khi đó, các nhà xuất khẩu đa quốc gia lo ngại về nguy cơ bị bể hợp đồng khi ước tính nguồn cung từ nông dân không đáp ứng đủ nhu cầu, thậm chí giảm trong những tháng tới do mất mùa.
Về lượng xuất khẩu, hãng tư vấn StoneX nhận định lượng ca cao cập cảng trong niên vụ 2024 - 2025 tại Bờ Biển Ngà đã tăng hơn 30% so với cùng kỳ vụ trước, nhưng lại giảm từ 10% đến 28% so với cùng thời điểm của 4 vụ trước đó. Điều này, cùng với sản lượng kém tại Ghana, nước trồng ca cao lớn thứ hai thế giới trong những mùa gần đây, đã kéo tồn kho trên Sở ICE-US xuống còn hơn 1,4 triệu bao, mức thấp nhất từ trước đến nay.
Giá hai mặt hàng cà phê phân hóa khi phản ứng với những thông tin cơ bản trái chiều. Cụ thể, giá cà phê Arabica tăng 2,37% trong khi giá cà phê Robusta giảm 0,56% so với tham chiếu.
Lo ngại về tình trạng thiếu mưa tại Brazil đang đẩy giá tăng. Cơ quan Khí tượng Somar cho biết lượng mưa tại Minas Gerais, bang trồng cà phê Arabica lớn nhất của Brazil, chỉ đạt 35,2 mm vào tuần trước, bằng 65% so với lượng mưa trung bình trong lịch sử. Như vậy, vùng trồng cà phê chính của Brazil đã liên tục ghi nhận lượng mưa thấp kể từ tháng 4 đến nay. Điều này gây ảnh hưởng xấu đến quá trình phát triển của cây cà phê niên vụ 2025 - 2026, từ đó dẫn đến triển vọng nguồn cung kém khả quan.
Trên thị trường năng lượng, giá các mặt hàng dầu thô diễn biến giằng co trong phiên hôm qua, khi thị trường phản ứng trái chiều trước quyết định điều chỉnh lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và dữ liệu tồn kho dầu thô của Mỹ.
Giá dầu thô WTI tăng 0,71% lên mốc 70,58 USD/thùng, trong khi giá dầu thô Brent tăng 0,27% lên 73,39 USD/thùng.
Trong báo cáo Dầu khí tuần này, Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết tồn kho dầu thô thương mại tại nước này giảm 934.000 thùng so với một tuần trước đó xuống gần 421 triệu thùng. Mức giảm tồn kho mà EIA báo cáo thấp hơn so với mức giảm 4,7 triệu thùng mà Viện Dầu khí Mỹ công bố một ngày trước đó, cũng như mức kỳ vọng giảm 1,6 triệu thùng của giới phân tích. Dù vậy, thông tin này cũng có tác động “bullish” lên giá dầu trong phiên hôm qua.
Bên cạnh đó, việc Kazakhstan trì hoãn tăng sản lượng cũng góp phần hỗ trợ giá dầu. Cụ thể, Kazakhstan cho biết nước này sẽ tuân thủ hạn ngạch do OPEC+ đặt ra và gác lại kế hoạch tăng sản lượng dầu thêm 190.000 thùng/ngày trong năm 2025.
Trong cuộc họp chính sách tháng 12, FED đã cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản xuống khoảng 4,25 - 4,5%, phù hợp với những dự đoán của thị trường. Tuy nhiên, FED cũng phát ra tín hiệu sẽ giảm tốc độ hạ lãi suất trong năm 2025, sau khi tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ tương đối ổn định và lạm phát không nhiều cải thiện trong thời gian gần đây. Các nhà hoạch định chính sách của FED dự báo sẽ chỉ có hai đợt cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản diễn ra trong năm tới. Quyết định của FED đã đẩy đồng Dollar Mỹ tăng mạnh lên mức cao nhất kể từ cuối năm 2022, khiến dầu thô trở nên đắt hơn đối với người mua quốc tế và cản trở đà tăng của giá .