Trên thị trường nông sản, khép lại phiên giao dịch ngày hôm qua, giá đậu tương giảm hơn 0,5%, xuống mức thấp nhất kể từ giữa tháng 8. Giá đi xuống ba phiên liên tiếp do sức ép từ triển vọng nguồn cung tích cực từ khu vực Nam Mỹ. Bên cạnh đó, hoạt động xuất khẩu có sự cải thiện của Brazil cũng góp phần tạo áp lực lên thị trường.
Dự báo cho thấy thời tiết tại khu vực Nam Mỹ vẫn thuận lợi cho sự phát triển của cây trồng, đặc biệt là tại Brazil. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, một số khu vực như phía tây và nam Rio Grande do Sul của Brazil, một phần nam và đông trung bộ Argentina và Uruguay có thể bị khô hạn, ảnh hưởng đến sự phát triển của cây trồng. Tuy nhiên, hiện nay nhiệt độ tại các khu vực này đang khá mát mẻ, dự báo mưa sẽ xuất hiện trong thời gian tới và giúp tình trạng khô hạn được cải thiện.
Theo dõi diễn biến thời tiết tại Nam Mỹ, thị trường vẫn kỳ vọng nguồn cung từ Brazil và Argentina sẽ đạt mức kỷ lục trong năm nay, khiến giá đậu tương chịu sức ép. Bên cạnh đó, theo hãng vận tải Cargonave, dựa trên lịch trình tàu, xuất khẩu đậu tương tháng 12 của Brazil dự kiến đạt 1,62 triệu tấn, giảm hơn 2 triệu tấn so với cùng kỳ năm trước nhưng đã có sự cải thiện so với mức 1,57 triệu tấn mà Hiệp hội các Nhà xuất khẩu Ngũ cốc Quốc gia (Anec) đưa ra vào tuần trước.
Theo Cargonave, Brazil sẽ xuất khẩu khoảng 97,4 triệu tấn đậu tương trong năm 2024, giảm so với mức kỷ lục 101 triệu tấn của năm 2023. Sự cải thiện các chuyến hàng từ Brazil sẽ tạo thêm áp lực cạnh tranh đối với nguồn cung từ Mỹ, khiến giá chịu sức ép.
Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong ngày 17/12, giá chào khô đậu tương Nam Mỹ về các cảng nước ta giảm nhẹ. Tại cảng Vũng Tàu, giá chào khô đậu tương kỳ hạn giao tháng 1/2025 ở mức 10.450 đồng/kg, trong khi kỳ hạn tháng 2/2025 dao động quanh mức 10.400 - 10.450 đồng/kg. Tại cảng Cái Lân, giá chào bán cao hơn khoảng 100 - 150 đồng/kg so với cảng Vũng Tàu.
Đối với giá kim loại, theo MXV, kết thúc phiên giao dịch ngày hôm qua, lực bán gia tăng khiến sắc đỏ gần như phủ kín bảng giá kim loại. Đối với kim loại quý, giá bạc giảm 0,44% về 30,92 USD/ounce. Ngược lại, giá bạch kim tăng 0,18% lên mức 943,5 USD/ounce, đây cũng là mặt hàng tăng giá duy nhất của nhóm kim loại trong phiên giao dịch hôm qua.
Giá kim loại quý diễn biến phân hóa trong bối cảnh thông tin cơ bản trái chiều. Một mặt, giá các mặt hàng được hưởng lợi trong bối cảnh bất ổn địa chính trị gia tăng, nhất là tại khu vực Trung Đông. Mặt khác, lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) trì hoãn việc hạ lãi suất trong năm sau tiếp tục là yếu tố gây áp lực lên giá kim loại quý, mặt hàng vốn nhạy cảm với biến động lãi suất.
Theo số liệu do Cục Thống kê của Bộ Thương mại Mỹ công bố hôm qua, trong tháng 11, doanh số bán lẻ của nước này tăng 0,7% so với tháng trước, cao hơn 0,1 điểm phần trăm so với dự báo và là mức cao nhất 4 tháng gần đây. So với cùng kỳ năm ngoái, doanh số bán lẻ tăng 3,8% trong tháng 11, đánh dấu mức tăng lớn nhất kể từ tháng 3 năm nay. Dữ liệu doanh số bán lẻ tích cực này theo sau loạt dữ liệu gần đây cho thấy nền kinh tế Mỹ vẫn giữ được nhịp tăng trưởng ổn định, trong khi lạm phát lại có dấu hiệu tăng trở lại. Điều này càng làm gia tăng lo ngại tiến trình hạ lãi suất của FED sẽ chậm lại trong năm tới. Công cụ theo dõi lãi suất CME FedWatch cho thấy khả năng cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản trong tuần này là 95%, nhưng khả năng cắt giảm vào tháng 1/2025 chỉ đạt khoảng hơn 10%.
Đối với kim loại cơ bản, giá quặng sắt giảm 0,5% xuống mức 104,54 USD/tấn do lực cản từ yếu tố tiêu thụ kém, đặc biệt là tại thị trường Trung Quốc. Dữ liệu chính thức từ Tổng cục Thống kê nước này cho thấy các nhà máy sản xuất thép đã giảm sản lượng trong tháng 11 do biên lợi nhuận hẹp hơn và nhu cầu tiêu thụ thép hạ nguồn suy yếu theo mùa. Điều này càng khiến cho triển vọng tiêu thụ quặng sắt, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất thép, trở nên kém lạc quan hơn.
Cụ thể, sản lượng thép thô của nước này đạt 78,4 triệu tấn trong tháng 11, tương đương giảm 4,3% so với tháng trước. Ngoài ra, các chuyên gia trong ngành cho biết lượng tiêu thụ thép tại nước này đã bắt đầu giảm kể từ giữa tháng 11, đặc biệt là ở khu vực phía bắc, nơi thời tiết lạnh làm gián đoạn hoạt động xây dựng. Sang tháng 12, các nhà phân tích dự báo sản lượng thép tại đây sẽ tiếp tục giảm hơn nữa do các nhà máy bước vào giai đoạn bảo trì hàng năm.