Thị trường carbon hình thành trên thế giới như thế nào?

TRỊNH NAM PHONG| 06/09/2023 15:52

Thị trường carbon quốc tế được thiết lập đầu tiên trên cơ sở các cơ chế trong khuôn khổ Nghị định thư Kyoto (KP). Sau đó, các thị trường carbon nội địa và liên kết dần được hình thành, mở rộng tại nhiều quốc gia, khu vực.

Thị trường carbon hình thành trên thế giới như thế nào? ảnh 1

Cột mốc phát triển của các chính sách khí hậu quốc tế. (Đồ họa: Trịnh Nam Phong)

Theo chuyên gia Trịnh Nam Phong, chuyên viên phát triển các dự án tín chỉ carbon và tư vấn chính sách (Công ty cổ phần Tư vấn năng lượng và môi trường VNEEC), thị trường carbon được tạo ra bởi các chính sách khí hậu hoặc mục tiêu khí hậu của một hay nhiều quốc gia/tổ chức bằng cách giao dịch hạn ngạch phát triển khí thải nhà kính hoặc kết quả giảm phát thải được công nhận dưới dạng tín chỉ carbon. Qua đó, cung cấp các lựa chọn để đáp ứng mục tiêu giảm phát thải theo quy định hoặc tự nguyện.

Báo Nhân Dân xin trân trọng giới thiệu bài nghiên cứu của chuyên gia Trịnh Nam Phong để độc giả có cái nhìn toàn cảnh về sự hình thành của thị trường carbon trên thế giới.

TỪ NGHỊ ĐỊNH THƯ KYOTO

Thị trường carbon quốc tế được thiết lập đầu tiên trên cơ sở các cơ chế trong khuôn khổ Nghị định thư Kyoto (KP). Sau đó, các thị trường carbon nội địa và liên kết dần được hình thành, mở rộng tại nhiều quốc gia, khu vực. Cụ thể:

Năm 1990, Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) công bố báo cáo đánh giá lần thứ nhất (AR1), trong đó đưa ra các cơ sở khoa học toàn diện về biến đổi khí hậu. AR1 sau đó trở thành nền tảng cho việc hình thành các chính sách khí hậu quốc tế.

Tiếp đó, năm 1992, Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) được thông qua tại Hội nghị Thượng đỉnh Trái đất, được tổ chức tại Rio de Janeiro. Do không đạt được giới hạn phát thải khí nhà kính cho các quốc gia thành viên và không bao gồm cơ chế thực thi nên UNFCCC không mang tính ràng buộc về mặt pháp lý. Thay vào đó, Công ước cung cấp khuôn khổ cho việc đàm phán các hiệp ước quốc tế sau này.

Thị trường carbon hình thành trên thế giới như thế nào? ảnh 1

Cột mốc phát triển của các chính sách khí hậu quốc tế. (Đồ họa: Trịnh Nam Phong)

Năm 1997, Nghị định thư Kyoto thuộc khuôn khổ UNFCCC chính thức được thông qua tại Hội nghị các bên lần thứ 3 (COP3), trong đó lần đầu tiên, một chính sách khí hậu quốc tế đã ràng buộc các quốc gia tham gia với mục tiêu pháp lý cụ thể: Các quốc gia phát triển phải giảm 5% lượng phát thải khí nhà kính so với mốc năm 1990 trong giai đoạn cam kết từ năm 2008 đến 2012 và theo bản sửa đổi Doha (được thông qua tại COP18 tại Doha, Qatar năm 2012) thì các quốc gia phát triển phải giảm 18% lượng phát thải nhà kính so với mốc năm 1990 trong giai đoạn cam kết thứ hai từ năm 2013 đến 2020.

Để đạt được mục tiêu này, các công cụ định giá carbon mang tính thị trường đầu tiên đã được thiết lập, bao gồm: Cơ chế phát triển sạch (CDM) theo Điều 12, Giao dịch phát thải quốc tế (IET) và Thực hiện chung (JI) theo Điều 6. Đây là cơ chế đặt nền móng cho sự phát triển của thị trường carbon quốc tế và sự hình thành các thị trường carbon nội địa cùng các tiêu chuẩn carbon độc lập về sau.

Thị trường carbon hình thành trên thế giới như thế nào? ảnh 2

Khí thải thoát ra từ các nhà máy gần Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: Reuters)

Năm 2003, Hệ thống giao dịch phát thải của châu Âu (EU-ETS) được giới thiệu trong Chỉ thị 2003/87/EC của Liên minh châu Âu, trong đó thiết lập các cơ sở pháp lý đầu tiên quy định phương thức hoạt động của EU-ETS nhằm giúp EU đạt được cam kết theo KP.

Năm 2005, khi Nghị định thư Kyoto chính thức có hiệu lực, phiên giao dịch phát thải đầu tiên của EU-ETS được tiến hành trong các lĩnh vực điện, thép, lọc dầu và xi-măng ở 25 quốc gia thành viên, đánh dấu cho sự ra đời của hệ thống giao dịch phát thải đầu tiên của thế giới.

... ĐẾN SỰ NỞ RỘ CỦA THỊ TRƯỜNG CARBON THẾ GIỚI

Khi thị trường carbon phát triển, đặc biệt là giai đoạn cơ chế CDM trở nên phổ biến từ giữa đến cuối những năm 2000, ngày càng có nhiều tiêu chuẩn carbon tự nguyện được phát triển song song nhằm thúc đẩy nỗ lực giảm phát thải mang tính tự nguyện.

Năm 2003, Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) hợp tác phát triển tiêu chuẩn carbon tự nguyện mang tên Tiêu chuẩn vàng (GS) nhằm tối đa hóa khả năng phát thải từ các dự án và thúc đẩy Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc (SDGs) cũng như tạo ra giá trị kinh tế cho các dự án giảm phát thải trên thế giới.

Năm 2007, các doanh nghiệp và các nhà hoạt động vì môi trường thiết lập Tiêu chuẩn carbon được thẩm định (VCS). Hiện VCS trở thành tiêu chuẩn carbon tự nguyện lớn nhất cả về số lượng dự án và lượng tín chỉ được ban hành.

Thị trường carbon hình thành trên thế giới như thế nào? ảnh 3

Số lượng tín chỉ carbon được ban hành theo các cơ chế tín chỉ khác nhau (Nguồn: State and Trends of Carbon Pricing 2022)

Sau sự ra đời của GS và VCS, hàng loạt tiêu chuẩn carbon tự nguyện khác được thiết lập như Plan Vivo, Climate Action Reserve… Trong khi số lượng dự án CDM sụt giảm trông thấy thì thị trường carbon tự nguyện lại phát triển mạnh mẽ. Năm 2010, lần đầu tiên lượng giao dịch trên thị trường tự nguyện vượt lượng giao dịch từ CDM.

Một bước ngoặt trong quá trình đàm phán các chính sách khí hậu quốc tế chính là sự ra đời Thỏa thuận Paris (PA) tại COP 21 năm 2015. Đây được coi như thỏa thuận tiếp nối Nghị định thư Kyoto.

Tuy nhiên, khác với KP, nghĩa vụ giảm phát thải khí nhà kính không còn là mục tiêu ràng buộc riêng các quốc gia phát triển. Trong khuôn khổ Thỏa thuận Paris, mục tiêu “Giữ nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng ở ngưỡng dưới 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp và đạt mục tiêu tăng không quá 1,5 độ C không chỉ ràng buộc các quốc gia thuộc Phụ lục I phải giảm phát thải khí nhà kính và lần đầu tiên, các quốc gia khác cũng có nghĩa vụ đưa ra các mục tiêu giảm phát thải thông qua Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDCs) và thực hiện cam kết giảm phát thải được nêu trong NDC.

Thị trường carbon hình thành trên thế giới như thế nào? ảnh 4

Sự khác biệt cơ bản của Nghị định thư Kyoto và Thỏa thuận Paris. (Đồ họa: Trịnh Nam Phong)

Cùng với sự ra đời của Thỏa thuận Paris, các cơ chế mang tính thị trường mới đã được thiết lập tại điều 6.2 và 6.4 của Thỏa thuận này. Trong đó, điều 6.2 cho phép các bên thực hiện cách tiếp cận hợp tác để trao đổi các kết quả giảm nhẹ quốc tế (iTMO) nhằm đạt được mục tiêu NDC trên cơ sở tự nguyện. Điều 6.4 đưa ra một cơ chế mới-Cơ chế phát triển bền vững (SDM) nhằm đóng góp giảm phát thải khí nhà kính và hỗ trợ phát triển bền vững trên cơ sở tự nguyện.

Thị trường carbon hình thành trên thế giới như thế nào? ảnh 5

Hình ảnh ống xả của một chiếc ô tô trên đường phố ở Berlin, Đức, ngày 22/2/2018. (Ảnh: Reuters)

Cùng với sự chuyển dịch của thị trường carbon quốc tế từ các cơ chế thuộc Nghị định thư Kyoto sang các cơ chế thuộc Thỏa thuận Paris, các thị trường carbon nội địa và liên kết cũng dần được hình thành dựa trên các chính sách và mục tiêu khí hậu của một hay nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ.

Các thị trường carbon này thường là các thị trường carbon bắt buộc, được tạo thành dựa trên cơ sở hệ thống giao dịch phát thải (ETS), có hoặc không bao gồm cơ chế tín chỉ, bù trừ carbon. Ngày càng có nhiều ETS được phát triển sau sự ra đời của EU-ETS. Hiện trên thế giới có tổng cộng 34 ETS đang vận hành với tỷ lệ phát thải khí nhà kính được kiểm soát đạt 17%, cao hơn gấp 3 lần tính từ thời điểm EU-ETS đi vào hoạt động năm 2005.

HAI LOẠI THỊ TRƯỜNG CARBON

Thị trường carbon được phân chia làm 2, bao gồm thị trường bắt buộc và tự nguyện.

Thị trường carbon bắt buộc: Thị trường được thiết lập thông qua những ràng buộc của các quốc gia đã ký và phê chuẩn Nghị định thư Kyoto nên các dự án theo các cơ chế của KP được coi là thị trường carbon bắt buộc.

Thị trường carbon hình thành trên thế giới như thế nào? ảnh 6

Khói bốc lên từ các ống khói của nhà máy điện Belchatow ở Belchatow, Ba Lan, ngày 31/10/2013. (Ảnh: Reuters)

Việt Nam ký KP vào ngày 3/12/1998, phê chuẩn ngày 25/9/2002; đồng thời không thuộc Phụ lục I, do đó chưa có nghĩa vụ phải cam kết giảm phát thải định lượng các khí nhà kính theo quy định trong thời gian hiệu lực của KP. Trong giai đoạn này, Việt Nam phát triển rất nhiều dự án theo cơ chế CDM để nhận được những hỗ trợ quốc tế trong việc thực hiện các biện pháp giảm phát thải. Cơ chế này cho phép các bên nhận tín chỉ dưới dạng các “chứng nhận giảm phát thải”, viết tắt là CERs (1 CER=1 tấn CO2 tương đương).

Theo cơ sở dữ liệu từ UNFCC, tính đến ngày 5/12/2022, tổng số dự án tín chỉ carbon theo cơ chế CDM tại Việt Nam là 258 dự án và 15 chương trình dự án được đăng ký thành công. Tổng lượng tín chỉ đã ban hành từ các dự án CDM tại Việt Nam là 30.736.808 CERs. Dưới đây là thống kê loại hình dự án và tín chỉ đã được ban hành tại Việt Nam theo dữ liệu của UNFCC tính đến 5/12/2022.

Thị trường carbon hình thành trên thế giới như thế nào? ảnh 7

(Ảnh: Trịnh Nam Phong)

Có thể thấy lượng tín chỉ carbon theo cơ chế CDM tập trung chủ yếu trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và sử dụng, thu hồi khí đồng hành. Trong thời gian hiệu lực của KP, Việt Nam chỉ có duy nhất dự án trồng rừng tại Cao Phong (Hòa Bình) được đăng ký thành công theo CDM. Lượng giảm phát thải ước tính của dự án là 2.665 CERs/năm trong giai đoạn tín chỉ 2009-2025. Mặc dù được đăng ký thành công nhưng chưa có tín chỉ carbon nào được ban hành cho dự án này.

Thị trường carbon hình thành trên thế giới như thế nào? ảnh 8

Các cơ chế định giá carbon được áp dụng trong hai loại thị trường carbon. (Đồ họa: Trịnh Nam Phong)

Sau KP, thị trường carbon bắt buộc hiện nay được phát triển dưới hình thức các cơ chế giao phát thải và bù tín chỉ carbon trong nước (châu Âu, Hàn Quốc,…), liên vùng/liên lãnh thổ (Canadan-Québec) và các chương trình giảm phát thải khí nhà kính bắt buộc…

So với thị trường carbon bắt buộc, các loại hình dự án của thị trường carbon tự nguyện đa dạng và linh hoạt hơn. Cùng với sự ra đời của các cơ chế trong khuôn khổ KP, cuối những năm 1990, một vài tổ chức độc lập đã phát triển các cơ chế đăng ký và ban hành tín chỉ carbon tập trung vào các lĩnh vực mà CDM và JI không bao gồm. Những tiêu chuẩn carbon tự nguyện quốc tế với phạm vi toàn cầu ban đầu là Tiêu chuẩn carbon được thẩm định (VCS) và Tiêu chuẩn vàng (GS).

Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/thi-truong-carbon-hinh-thanh-tren-the-gioi-nhu-the-nao-post770611.html
Copy Link
https://nhandan.vn/thi-truong-carbon-hinh-thanh-tren-the-gioi-nhu-the-nao-post770611.html

    Nổi bật

        Mới nhất
        Thị trường carbon hình thành trên thế giới như thế nào?
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO