Thị trường bán lẻ tiếp đà khởi sắc

Nguyễn Lương| 20/07/2022 08:38

Những tháng đầu năm 2022, hoạt động bán lẻ trên địa bàn Đắk Nông có nhiều khởi sắc, góp phần tạo đà tăng trưởng trong bối cảnh mới. Tuy nhiên, tình hình giá cả đầu vào đang ở mức cao. Điều này buộc các cơ sở kinh doanh phải tính toán, nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người bán, người mua.

Doanh thu tăng

Theo bà Nguyễn Thị Phượng, chủ cửa hàng Phượng Hóa (Gia Nghĩa), từ đầu năm đến nay, lượng khách đến mua sắm tại cửa hàng tăng hơn 40%. Doanh số của cửa hàng cũng tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, nhiều nhóm, ngành hàng có sự phục hồi tốt, sức mua tăng cao.

“Dịch bệnh được kiểm soát, sức mua của người dân tăng cao. Để thu hút người tiêu dùng, kích cầu mua sắm, cửa hàng thường xuyên giảm giá, áp dụng các chương trình khuyến mãi”, bà Phượng chia sẻ.

Doanh thu tại các cửa hàng, đơn vị kinh doanh bán lẻ cũng tăng cao

Tại cửa hàng thực phẩm Vissan (Đắk R’lấp), hoạt động mua sắm của người dân đã tăng khá cao. Lượng khách đến cửa hàng tăng từ 20 - 30% so với cùng kỳ năm 2021.

“Lượng khách tăng cao so với thời điểm dịch bệnh phức tạp. Doanh thu cửa hàng tăng. Đây cũng là điều kiện để chúng tôi đóng nộp đầy đủ nghĩa vụ thuế và các quy định khác”, bà Phạm Thị Thảo, chủ cửa hàng thực phẩm Vissan cho biết.

Trong 6 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ trên địa bàn thực hiện được 9.814 tỷ đồng, đạt hơn 57% kế hoạch, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm 2021.

Phải “cân đo đong đếm”

Thị trường bán lẻ những tháng đầu năm có nhiều khởi sắc. Tuy nhiên, giá hầu hết các mặt hàng đều có xu hướng tăng. Nguyên nhân là do giá xăng dầu, gas tăng, ảnh hưởng đến chi phí sản xuất.

6 tháng cuối năm là khoảng thời gian mang đến nhiều triển vọng hơn cho sự tăng trưởng tại các cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp. Tuy nhiên, những khó khăn trước mắt vẫn đang khiến các cơ sở hoạt động trong lĩnh vực này phải tính toán.

Theo bà  Phạm Thị Thảo, chủ cửa hàng thực phẩm Vissan, xăng dầu là chi phí ảnh hưởng mạnh nhất đến giá cả hàng hóa trong thời gian qua. Bởi đây là yếu tố quan trọng trong sản xuất, lưu thông hàng hóa, tiêu dùng.

"Các loại nguyên, vật liệu đầu vào tăng cao khiến chúng tôi trăn trở trong bài toán bình ổn giá cả, giữ sức mua của người dân”, bà Thảo cho hay.

Cũng theo bà Thảo, để điều chỉnh giá theo xu hướng của thị trường, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa 2 bên, cửa hàng trực tiếp nhập hàng hóa theo từng lô lớn. Cửa hàng trực tiếp làm việc với các đối tác, hạn chế khâu trung gian để tiết kiệm chi phí nhất có thể.

Lượng khách đến Siêu thị Co.opmart trong 6 tháng đầu năm tăng cao hơn nhiều so với cùng kỳ

Tại Siêu thị Co.opmart cũng đang triển khai các phương án nhằm nỗ lực giữ giá, bình ổn thị trường. Nhiều chương trình đang được đơn vị triển khai như: rút ngắn thời gian khuyến mãi, tích trữ hàng hóa lớn để tiết kiệm chi phí…

Theo nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh trên địa bàn, hiện nay, giá xăng dầu đang có xu hướng giảm. Đây là tín hiệu vui cho người dân nói chung, các đơn vị sản xuất, kinh doanh nói riêng.

Tuy nhiên, người dân vẫn kỳ vọng vào các đợt giảm giá sâu hơn. Trong trường hợp phải điều chỉnh tăng giá các mặt hàng, các đơn vị bán lẻ vẫn nên có mức tăng hợp lý để không ảnh hưởng đến sức mua của thị trường.

Theo Sở Công thương, ngoài các mặt hàng thiết yếu có trong chương trình bình ổn giá được triển khai hằng năm, ngành Công thương kịp thời cung cấp cho doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh các thông tin về thị trường để chủ động các phương án ứng phó.

Đơn vị tăng cường quản lý, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả để bảo đảm thị trường bình đẳng, minh bạch. Trong trường hợp phải điều chỉnh giá, các đơn vị bán lẻ nên có sự điều chỉnh hợp lý để không ảnh hưởng đến sức mua của thị trường.

Theo baodaknong.org.vn
https://baodaknong.org.vn/kinh-te/thi-truong-ban-le-tiep-da-khoi-sac-94107.html
Copy Link
https://baodaknong.org.vn/kinh-te/thi-truong-ban-le-tiep-da-khoi-sac-94107.html
x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Thị trường bán lẻ tiếp đà khởi sắc
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO