Thi tốt nghiệp THPT từ 2025: Chưa cho phép thí sinh thi nhiều hơn 2 môn lựa chọn, dự kiến Quý IV/2023 có đề mô phỏng định dạng đề thi

30/11/2023 09:16

Theo ông Nguyễn Ngọc Hà - Phó Cục Trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT, với phương án thi tốt nghiệp THPT 2+2, trước mắt chưa cho phép thực hiện việc thí sinh thi nhiều hơn 2 môn lựa chọn; dự kiến đề mô phỏng định dạng đề thi sẽ được thực hiện trong quý 4/2023.

Thi tốt nghiệp THPT từ 2025: Chưa cho phép thí sinh thi nhiều hơn 2 môn lựa chọn, dự kiến Quý IV/2023 có đề mô phỏng định dạng đề thi- Ảnh 1.

Đại diện Bộ GD&ĐT đã giải đáp nhiều vấn đề được dư luận quan tâm.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức họp báo về phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.

Theo phương án công bố, từ năm 2025, Kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ còn 4 môn gồm 2 môn bắt buộc và 2 môn lựa chọn.

2 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn. Với 2 môn lựa chọn, thí sinh sẽ chọn 2 trong số các môn học ở lớp 12, gồm: Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và Pháp luật, Tin học, Công nghệ.

Môn Ngữ văn sẽ theo hình thức tự luận. Các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm. Vì là năm đầu tiên học sinh học Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thi tốt nghiệp THPT nên nội dung thi bám sát nội dung Chương trình mới.

Thi tốt nghiệp THPT từ 2025: Chưa cho phép thí sinh thi nhiều hơn 2 môn lựa chọn, dự kiến Quý IV/2023 có đề mô phỏng định dạng đề thi- Ảnh 2.

Ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT thông tin về phương án tổ chức kỳ thi.

Gọn nhẹ, giảm áp lực và tốn kém cho xã hội

Tại buổi họp báo, ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT chia sẻ 3 nhóm nguyên tắc trong xây dựng phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.

Thứ nhất, phương án này bám sát chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và quy định của pháp luật, Nhà nước, ngành GD&ĐT, các ngành liên quan về công tác tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT, theo hướng gọn nhẹ, giảm áp lực và tốn kém cho xã hội và tạo sự đồng thuận của xã hội.

Thứ hai, phương án bám sát các quy định liên quan đến thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh của Luật Giáo dục và Luật Giáo dục Đại học hiện hành; bám sát mục tiêu của Chương trình GDPT 2018.

Thứ ba, phương án đảm bảo tính kế thừa, phát huy những kinh nghiệm quý báu tích lũy được trong giai đoạn 2015 - 2023; Chủ động tiếp nhận và ứng dụng những thành tựu và kinh nghiệm quốc tế trong đổi mới công tác thi tốt nghiệp THPT.

Thi tốt nghiệp THPT từ 2025: Chưa cho phép thí sinh thi nhiều hơn 2 môn lựa chọn, dự kiến Quý IV/2023 có đề mô phỏng định dạng đề thi- Ảnh 3.

Bà Nguyễn Thu Thuỷ, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học trả lời câu hỏi của phóng viên.

Theo Bộ GD&ĐT, sau khi ban hành Chương trình GDPT 2018, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tổ chức nghiên cứu, đề xuất phương án thi. Từ năm 2019, Ban Xây dựng phương án thi gồm đầy đủ thành phần được thành lập. Các bước từ xây dựng, xin ý kiến, quyết định phương án đều bảo đảm đúng trình tự, thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật của ngành Giáo dục.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức trên toàn quốc theo cách thức chung đề, chung đợt thi, cùng thời gian theo quy định của Bộ GD&ĐT (trong tháng 6). Phương thức xét công nhận tốt nghiệp kết hợp giữa kết quả đánh giá quá trình và kết quả thi tốt nghiệp theo tỷ lệ phù hợp với lộ trình triển khai Chương trình GDPT 2018.

Bộ GD&ĐT vẫn giữ vai trò chỉ đạo chung, UBND các tỉnh thành tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm toàn diện về kỳ thi tại địa phương.

Phương án thi được thực hiện từ năm 2025. Giai đoạn 2025 - 2030: Giữ ổn định phương thức thi trên giấy. Giai đoạn sau 2030: Từng bước thí điểm thi trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm ở các địa phương có đủ điều kiện (có thể kết hợp giữa thi trên giấy và thi trên máy tính). Khi tất cả các địa phương trên toàn quốc có đủ điều kiện sẽ chuyển sang tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm.

Thi tốt nghiệp THPT từ 2025: Chưa cho phép thí sinh thi nhiều hơn 2 môn lựa chọn, dự kiến Quý IV/2023 có đề mô phỏng định dạng đề thi- Ảnh 4.

Nhiều câu hỏi được phóng viên gửi đến lãnh đạo các Vụ, Cục thuộc Bộ GD&ĐT.

Thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ 2025: Chưa cho phép thí sinh thi nhiều hơn 2 môn lựa chọn

Trước câu hỏi của phóng viên về việc thí sinh có được thi quá 2 môn lựa chọn hay không, ông Nguyễn Ngọc Hà - Phó Cục Trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết: Với phương án 2+2, trước mắt chưa cho phép thực hiện việc thí sinh thi nhiều hơn 2 môn lựa chọn.

Thực tế, mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển 1 nguyện vọng với 1 tổ hợp xét tuyển, do đó việc thi nhiều hơn 2 môn lựa chọn là không cần thiết.

Với phương án thi này, thí sinh rất rộng đường khi chọn các môn lựa chọn, do đó các em cần cân nhắc kỹ trước khi đăng ký lựa chọn môn thi.

Thí sinh có được phép đăng ký môn thi lựa chọn khác môn đã lựa chọn ở bậc THPT hay không? Theo quy định của Bộ GD&ĐT, 2 môn lựa chọn tại kỳ thi là 2 trong số các môn lựa chọn học sinh đã học ở lớp 12 bậc THPT. Việc này có ý nghĩa trong kiểm định chất lượng giáo dục - một trong những mục tiêu của Kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Dự kiến đề mô phỏng sẽ được thực hiện trong quý 4/2023

Về thời gian công bố đề minh họa Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, ông Nguyễn Ngọc Hà cho biết: Nguyên tắc thì khi học sinh thi tốt nghiệp năm 2025, học lớp 12 mới có đề minh họa. Hiện lứa học sinh này đang ở giai đoạn học kỳ 1 của lớp 11.

Tuy nhiên, đánh giá việc có đề minh họa có vai trò quan trọng trong dẫn đường, định hướng quá trình ôn tập của giáo viên, học sinh nên lãnh đạo Bộ GD&ĐT quyết định ngay khi thử nghiệm định dạng cấu trúc đề minh họa sẽ có đề mô phỏng định dạng đề thi.

Nội dung đề mô phỏng có thể chỉ là kiến thức lớp 10, 11 nhưng có ý nghĩa trong việc chỉ rõ cho thí sinh và giáo viên biết năng lực nào cần quan tâm, hàm lượng kiến thức như thế nào, cách thức ra đề thi ra sao. Dự kiến đề mô phỏng sẽ được thực hiện trong quý 4/2023.

Bà Nguyễn Thu Thuỷ, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học khẳng định, phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 không làm ảnh hưởng đến quy chế tuyển sinh đại học hiện nay. Dù thí sinh chọn thi môn nào thì các trường đại học vẫn phải bảo đảm nguyên tắc xét tuyển công bằng giữa các phương thức.

Thi tốt nghiệp THPT từ 2025: Chưa cho phép thí sinh thi nhiều hơn 2 môn lựa chọn, dự kiến Quý IV/2023 có đề mô phỏng định dạng đề thi- Ảnh 5.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng giải đáp một số vấn đề và kết luận buổi họp báo.

Môn ngoại ngữ không phải là môn thi bắt buộc không có nghĩa là giảm đi vai trò của môn học này

Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đã làm rõ thêm một số nội dung mà các cơ quan báo chí quan tâm. Thứ trưởng khẳng định, Bộ GD&ĐT luôn xác định việc lấy học sinh làm trung tâm. Do đó, học sinh yên tâm bởi các em học chương trình nào sẽ thi chương trình đó.

Dù có thi tốt nghiệp lại với lứa học sinh học chương trình mới thì nội dung đề thi, cách thức ra đề thi của các em vẫn được thực hiện theo chương trình cũ. Các đơn vị chức năng của Bộ có thể tham mưu tổ chức cùng năm nhưng có 2 đề thi, 1 nội dung theo chương trình mới và 1 nội dung theo chương trình cũ.

Về vấn đề thi trắc nghiệm. Trước đây nhiều chuyên gia, nhà khoa học, các thầy cô giáo không đồng tình với thi trắc nghiệm nhưng bây giờ thống nhất rất cao với giải pháp xây dựng, thiết kế đề thi gồm các câu hỏi mang tính tư duy logic suy luận.

Về việc giảm môn bắt buộc, tăng môn tự chọn, Thứ trưởng cho biết đây là việc từng bước chuyển nền giáo dục nặng về ứng thí, nặng về thi chuyển sang nền giáo dục thực dạy, dạy thật, học thật, học để làm, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng và thực tiễn xã hội. Lựa chọn phương án 2+2, môn ngoại ngữ không phải là môn thi bắt buộc không có nghĩa là giảm đi vai trò của môn học này.

Thi tốt nghiệp THPT từ 2025: Chưa cho phép thí sinh thi nhiều hơn 2 môn lựa chọn, dự kiến Quý IV/2023 có đề mô phỏng định dạng đề thi- Ảnh 6.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng chủ trì buổi họp báo.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhận định: Đổi mới kiểm tra đánh giá là một trong 9 nhiệm vụ giải pháp để đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT trong Nghị quyết 29 của Ban chấp hành Trung ương Đảng. Phương án thi là một trong những nhiệm vụ của đổi mới kiểm tra đánh giá.

Kiểm tra đánh giá quan trọng nhất là kiểm tra đánh giá thường xuyên, kiểm tra đánh giá quá trình. Kiểm tra đánh giá qua kỳ thi tốt nghiệp THPT chỉ đánh giá để đạt mục tiêu nhất định. Kỳ thi quan trọng vì có tác động lớn đến xã hội nhưng phải hài hòa.

Để quyết định lựa chọn phương án tổ chức thi, trong thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã thành lập Ban Nghiên cứu, tổ chức nghiên cứu công phu chặt chẽ, bài bản trên cơ sở căn cứ pháp lý, căn cứ chính trị, căn cứ khoa học. Đồng thời tham khảo ý kiến, kinh nghiệm của thế giới, lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học cùng các thầy cô giáo cả nước, ý kiến của các bộ ngành và trình lên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực, được sự thống nhất cao.

Theo xaydungchinhsach.chinhphu.vn
https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/thi-tot-nghiep-thpt-tu-2025-chua-cho-phep-thi-sinh-thi-nhieu-hon-2-mon-lua-chon-du-kien-quy-iv-2023-co-de-mo-phong-dinh-dang-de-thi-119231130091624099.htm
Copy Link
https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/thi-tot-nghiep-thpt-tu-2025-chua-cho-phep-thi-sinh-thi-nhieu-hon-2-mon-lua-chon-du-kien-quy-iv-2023-co-de-mo-phong-dinh-dang-de-thi-119231130091624099.htm
    Nổi bật
        Mới nhất
        Thi tốt nghiệp THPT từ 2025: Chưa cho phép thí sinh thi nhiều hơn 2 môn lựa chọn, dự kiến Quý IV/2023 có đề mô phỏng định dạng đề thi
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO