Theo ICO: Giá cà phê sẽ còn tiếp tục giảm bất chấp tình trạng thiếu hụt nguồn cung toàn cầu

Hoàng Hiệp| 12/09/2023 07:36

Theo Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), mặc dù nguồn cung toàn cầu thiếu hụt nhưng giá cà phê thế giới tiếp tục giảm trong tháng 8 khi các nhà rang xay chuyển sang sử dụng lượng hàng tồn kho nhiều hơn thay vì đẩy mạnh mua vào.

Giá cà phê thế giới tiếp tục giảm

Trong tháng 8, giá cà phê toàn cầu được tổng hợp và theo dõi bởi ICO (I-CIP) tiếp tục giảm 2,4% so với tháng trước xuống mức bình quân 154,5 US cent/pound (do động trong khoảng 148,8 - 163,6 US cent/pound).

Sự sụt giảm này được ghi nhận ở hầu hết nhóm cà phê, với arabica Colombia và arabica khác giảm lần lượt 1,6% và 3,5%, xuống còn 187,5 và 186,7 US cent/pound. Tương tự, giá cà phê arabica Brazil và robusta giảm 3% và 2,3%, đạt trung bình 154,7 và 124,6 US cent/pound.

Diễn biến giá cà phê thế giới đến tháng 8/2023 được theo dõi và tổng hợp bởi ICO

Nguồn: ICO)

Trên thị trường kỳ hạn New York giá cà phê arabica cũng giảm 1,9% so với tháng trước, trong khi robusta trên sàn London giảm 2 % xuống lần lượt là 156,6 US cent/pound và 111,3 US cent/pound.

Chênh lệch giá cà phê robusta và arabica trên hai sàn kỳ hạn tiếp tục thu hẹp 1,6% xuống còn 45,2 US cent/pound, mức thấp nhất kể từ tháng 6/2020.

Kể từ tháng 4, giá cà phê arabica và robusta liên tục biến động trái chiều khi nhu cầu cà phê chất lượng cao giảm dần và nhường chỗ cho các loại cà phê có giá cạnh tranh hơn.

Nhưng với việc chênh lệch giá của hai loại cà phê đã giảm đáng kể, sự chuyển dịch nhu cầu từ arabica sang robusta dường như đã kết thúc. Điều này phần nào lý giải cho sự sụt giảm song song ở cả hai mặt hàng cà phê trong tháng 8 vừa qua.

ICO cũng nhận định rằng áp lực giảm giá hiện tại có thể là do thiếu lực mua cà phê nhân xanh trên toàn thế giới.

Trong hai niên vụ 2021-2022 và 2022-2023, ước tính tổng sản lượng cà phê thiếu hụt toàn cầu là 14,4 triệu bao (loại 60 kg). Niên vụ trước xuất khẩu cà phê nhân xanh toàn cầu giảm 2,8% và 10 tháng đầu niên vụ hiện tại giảm 5,7%.

Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu các nhà rang xay đã chuyển sang sử dụng lượng hàng tồn kho nhiều hơn. Trong đại dịch Covid-19, người mua, nhà rang xay và thương nhân đã tích trữ một lượng lớn cà phê và giờ đây chúng đang được đem ra sử dụng. Điều này đã gây áp lực lên giá cà phê trong thời gian gần đây.

Tháng 8 vừa qua, tồn kho cà phê robusta trên sàn London đã giảm tới 34,6% xuống chỉ còn 0,58 triệu bao (loại 60 kg/bao), mức thấp kỷ lục trong hơn 20 năm. Trong khi đó, tồn kho arabica được chứng nhận trên sàn New York cũng giảm 3%, đóng cửa ở mức 0,57 triệu bao.

Trước đó, ICO cho biết giá cà phê giảm còn do chịu sức ép từ vụ thu hoạch đang diễn ra tại Brazil, nước xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới.

Tồn kho cà phê trên hai sàn giao dịch tính đến tháng 8/2023

Nguồn: ICO

Xuất khẩu cà phê toàn cầu giảm 5,7% trong 10 tháng đầu niên vụ

Theo số liệu của ICO, xuất khẩu cà phê toàn cầu đạt tổng cộng 10,2 triệu bao trong tháng 7, giảm nhẹ so với 10,4 triệu bao của cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 10 tháng đầu niên vụ 2022-2023 (22/10/2022 đến 23/7/2023) xuất khẩu cà phê toàn cầu đạt 103,7 triệu bao, giảm 5,7% so với cùng kỳ niên vụ trước.

Cà phê nhân xanh vẫn chiếm hơn 90% tổng xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng 7 với 9,3 triệu bao, tăng nhẹ 0,1% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tính chung từ đầu niên vụ 2022-2023 đến nay xuất khẩu cà phê nhân xanh chỉ đạt 93,6 triệu bao, giảm 5,7% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, xuất khẩu nhóm cà phê arabica Brazil tăng 2,8% trong tháng 7 lên 2,6 triệu bao. Chủ yếu là do xuất khẩu của Brazil, nhà sản xuất và xuất khẩu cà phê nhân xanh lớn nhất thế giới tăng 10,8% lên 2,7 triệu bao. Nhưng tính chung 10 tháng đầu niên vụ 2022-2023, xuất khẩu cà phê arabica Brazil vẫn giảm 9,7% so với cùng kỳ niên vụ trước, đạt 28,4 triệu bao.

Xuất khẩu nhóm cà phê arabica Colombia tiếp tục giảm 8,1% xuống còn 0,9 triệu bao trong tháng 7, do Colombia - quốc gia xuất khẩu chính của nhóm cà phê này giảm 16%. Đây đã là tháng tăng trưởng âm thứ 13 liên tiếp của nhóm cà phê arabica Colombia, vì vậy xuất khẩu nhóm cà phê này trong 10 tháng đầu niên vụ đã giảm 12,9% so với cùng kỳ, xuống còn 9,1 triệu bao.

Khối lượng xuất khẩu của nhóm cà phê arabica khác cũng giảm 13,7% trong tháng 7, đạt 2,2 triệu bao. Do đó, khối lượng xuất khẩu lũy kế của nhóm cà phê này trong 10 tháng đầu niên vụ đã giảm 12,2% xuống còn 18,6 triệu bao.

Xuất khẩu cà phê nhân xanh toàn cầu trong 10 tháng đầu niên vụ từ 2019-2020 đến 2022-2023

Nguồn: ICO

Trong khi đó, xuất khẩu cà phê robusta tăng tới 11,6% lên 3,6 triệu bao trong tháng 7. Đây đã là tháng tăng trưởng thứ tư liên tiếp của robusta và tính chung 10 tháng đầu niên vụ 2022-2023 xuất khẩu nhóm cà phê này đã tăng 3,8% so với niên vụ trước lên 37,4 triệu bao.

Tỷ trọng của cà phê robusta trong tổng xuất khẩu cà phê nhân toàn cầu theo đó tăng lên mức 40,1% so với 36,4% của cùng kỳ niên vụ trước. Trái lại, tỷ trọng của arabica giảm xuống còn gần 60% so với 63,6% của cùng kỳ.

Tỷ trọng cà phê robusta và arabica trong tổng xuất khẩu cà phê nhân xanh toàn cầu trong 10 tháng đầu niên vụ 2022-2023

Nguồn : ICO

Với các dạng cà phê khác, xuất khẩu cà phê hòa tan đã giảm 16,6% trong tháng 7 và giảm 5,7% trong 10 tháng đầu niên vụ 2022-2023, đạt tổng cộng 9,6 triệu bao. Cà phê hòa tan chiếm 9,2% tổng xuất khẩu cà phê toàn cầu, tương đương với cùng kỳ năm trước. Trong đó, Brazil là nước xuất khẩu cà phê hòa tan lớn nhất thế giới với 0,3 triệu bao trong tháng 7.

Xuất khẩu cà phê đã rang cũng giảm 12,7% trong tháng 7 và giảm 10,4% trong 10 tháng đầu niên vụ 2022-2023 xuống còn 0,6 triệu bao.

Cơ cấu cà phê xuất khẩu trong 10 tháng đầu niên vụ 2019-2020 đến 2022-2023

Nguồn : ICO

Xuất khẩu cà phê giảm tại nhiều quốc gia

Trong tháng 7, xuất khẩu cà phê của khu vực Nam Mỹ giảm 2,2% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 4,2 triệu bao, chủ yếu do xuất khẩu của Colombia và Peru giảm lần lượt là 17,1% và 37,5%.

Đối với Colombia, đây đã là tháng tăng trưởng âm thứ 13 liên tiếp của nước này, đứng thứ hai kể từ sau chuỗi 22 tháng sụt giảm liên tiếp kéo dài từ tháng 7/2008 đến tháng 3/2010.

Kết quả là xuất khẩu cà phê của Colombia trong 10 tháng đầu niên vụ 2022-2023 đã giảm xuống còn 8,8 triệu bao, mức thấp nhất kể từ niên vụ 2012-2013. Hoạt động sản xuất bị ảnh hưởng bởi thời tiết bất lợi và sự chuyển dịch nhu cầu từ arabica Colombia sang các loại cà phê khác có giá rẻ hơn được cho là những nguyên nhân chính khiến xuất khẩu cà phê của Colombia sụt giảm trong thời gian qua.

Còn tại Peru, thời tiết không thuận lợi cũng góp phần khiến nguồn cung xuất khẩu giảm. Theo báo cáo của Viện Thống kê và Tin học Quốc gia Peru (INEI), lượng mưa tăng là nguyên nhân khiến sản lượng giảm 1,9% vào tháng 6 vừa qua.

Mặt khác, sự sụt giảm xuất khẩu cũng đến từ mức nền so sánh cao bất thường của tháng 7/2022, khi đó xuất khẩu cà phê của Peru đã tăng 64,7% lên mức trong 10 năm qua, đạt 0,4 triệu bao so với mức trung bình 0,34 triệu bao trong giai đoạn 2013-2022.

Một khu vực xuất khẩu cà phê lớn khác trên thế giới là châu Á và châu Đại Dương cũng ghi nhận sự sụt giảm 6,2% xuống 3 triệu bao trong tháng 7, nhưng tính chung 10 tháng đầu niên vụ vẫn tăng 2,7% lên 38,57 triệu bao. Sự sụt giảm trong tháng 7 chủ yếu đến từ bốn quốc gia xuất khẩu hàng đầu của khu vực là Ấn Độ (-3,5%), Indonesia (-9,7%), Papua New Guinea (-25,9%), riêng Việt Nam (-5,1%).

Xuất khẩu cà phê của các khu vực trong 10 tháng đầu niên vụ 2019-2020 đến 2022-2023

Nguồn: ICO

Tại khu vực châu Phi, xuất khẩu cà phê giảm 1,1% xuống 1,4 triệu bao trong tháng 7. Luỹ kế sau 10 tháng đầu niên vụ hiện tại, xuất khẩu của khu vực đạt tổng cộng 10,8 triệu bao, giảm 3,8% so với cùng kỳ niên vụ trước.

Trong khu vực, xuất khẩu cà phê của Tanzania và Uganda tăng trưởng 23,6% trong tháng 7, trong khi hai quốc gia khác là Bờ Biển Ngà và Ethiopia giảm mạnh tổng cộng 26,7%.

Tại Ethiopia, tranh chấp hợp đồng phát sinh do sự chênh lệch giữa giá mua trong nước và giá thị trường toàn cầu tiếp tục tác động tiêu cực đến khối lượng xuất khẩu, khiến các nhà xuất khẩu phải giữ lại cà phê cho đến khi tranh chấp được giải quyết.

Tại Uganda, xuất khẩu cà phê tăng 12% trong tháng 7, nhờ vụ thu hoạch bội thu và các nhà xuất khẩu giải phóng kho dự trữ.

Còn tại khu vực Trung Mỹ và Mexico, xuất khẩu cà phê đã tăng 9,4% lên gần 1,7 triệu bao so với cùng kỳ năm ngoái. Do đó, tổng xuất khẩu của khu vực trong 10 tháng đầu niên vụ đạt hơn 13,4 triệu bao, giảm 1,8% so với cùng kỳ vụ 2021-2022.

x
    Nổi bật
        Mới nhất
        Theo ICO: Giá cà phê sẽ còn tiếp tục giảm bất chấp tình trạng thiếu hụt nguồn cung toàn cầu
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO