Chính trị

Theo dấu chân "Biệt động Sài Gòn": Trạm giao liên trao đổi thư từ, tài liệu mật - Quán cà phê Đỗ Phủ, cơm tấm Đại Hàn

Báo Nhân Dân 21/04/2025 08:54

Từng là một trạm giao liên trao đổi thư từ, tài liệu mật của Biệt động Sài Gòn, nhiều năm sau giải phóng, quán cà-phê Đỗ Phủ - cơm tấm Đại Hàn mở cửa trở lại và trở thành điểm đến lịch sử được yêu thích.

h1.jpg

Từng là một trạm giao liên trao đổi thư từ, tài liệu mật của Biệt động Sài Gòn, nhiều năm sau giải phóng, quán cà-phê Đỗ Phủ - cơm tấm Đại Hàn mở cửa trở lại và trở thành điểm đến lịch sử được yêu thích.

h2.jpg

Đến đây, du khách thập phương có thể nhâm nhi tách cà-phê, thưởng thức món cơm tấm "lịch sử" và sống lại bầu không khí hào hùng của Thành phố nói riêng và của toàn dân tộc nói chung 50 năm về trước.

h3.jpg

Quán cà-phê mang màu sắc hoài cổ

_______________

Nằm trên một con phố nhỏ với những dãy nhà hiện đại, quán cà-phê Đỗ Phủ - cơm tấm Đại Hàn (số 113A Đặng Dung, phường Tân Định, Quận 1) gần như giữ nguyên dáng hình của mấy chục năm trước - một dáng vẻ cổ kính của căn nhà gỗ duyên dáng sẵn sàng kể câu chuyện lịch sử về một thời gian khổ mà oai hùng của Thành phố.

Căn nhà gỗ được xây dựng từ năm 1946 này vốn là nơi bán cà-phê, cơm tấm do vợ chồng ông Đỗ Miễn và bà Nguyễn Thị Sự - hai chiến sĩ Biệt động làm chủ. Quán có tên "Đỗ Phủ", ý muốn nói là phủ (nhà) của họ Đỗ.

h4.jpg

Dưới sự quản lý của ông Trần Văn Lai, nơi đây là một trong những cơ sở hoạt động bí mật của lực lượng Biệt động Sài Gòn trong vỏ bọc là một quán ăn uống, nhưng thực chất là nơi chuyển giao thư từ, tài liệu mật, thuốc men,… ra tiền tuyến.

Để đánh lạc hướng chính quyền Sài Gòn lúc bấy giờ, quán mở cửa và phục vụ rất nhiều lính Hàn sinh sống quanh đó, vì thế còn có tên gọi là Cơm tấm Đại Hàn.

h5.jpg

Hiện nay, ngay mặt tiền của quán, lá cờ hai màu xanh, đỏ cùng ngôi sao vàng 5 cánh – lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam luôn tung bay như mời gọi những ai ngang qua hãy dừng chân ghé lại để nghe kể những câu chuyện đầy ly kỳ về các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn từng hoạt động tại đây.

Quán cà-phê Đỗ Phủ - cơm tấm Đại Hàn, được thiết kế theo kiến trúc nhà 3 gian truyền thống của người Việt.

Nơi lạc về quá khứ bi hùng...

_______________

Căn nhà này do vợ chồng ông Đỗ Miễn và bà Nguyễn Thị Sự đứng tên sở hữu, là một trong những cơ sở bí mật được Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai (tức Năm Lai, Mai Hồng Quế, Năm U.SOM,…) và đồng đội xây dựng năm 1946 theo chỉ đạo của Quân khu Sài Gòn-Gia Định để chuẩn bị cho Cuộc tấn công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968.

h9.jpg
Vợ chồng ông Đỗ Miễn và bà Nguyễn Thị Sự.

Theo lời kể của ông Trần Vũ Bình (con trai ông Trần Văn Lai) – chủ quán hiện tại: Ngày đó, trước khi mở quán cơm, bà Sự được ông Năm Lai đưa sang Nam Vang (tức Thủ đô Phnom Penh, Campuchia) hoạt động tình báo. Sau thời gian hoạt động tại nước ngoài dưới vỏ bọc một thương gia, bà Sự trở về nước cùng với ông Đỗ Miễn mở quán bán cơm tấm tại Sài Gòn và đặt tên là Đỗ Phủ.

Bên ngoài, đây là quán ăn nhưng thực chất lại là nơi các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn cất giữ, chuyển giao tài liệu mật, tiền vàng, thuốc tây… để gửi ra chiến khu phục vụ kháng chiến. Chính bởi vậy, hiện nay, ngay chính diện cửa ra vào của quán có gắn tấm biển đồng với dòng chữ "Di tích lịch sử Hộp thư bí mật và hầm nổi của Biệt động Sài Gòn".

h10.jpg

Được biết, trước kia, quán nằm sát vách nhà của tướng Ngô Quang Trưởng - một viên tướng khét tiếng trong quân đội Việt Nam Cộng hòa, nên vợ chồng ông bà Đỗ Miễn phải hết sức mưu trí, cẩn trọng trong từng hoạt động.

Chị Ay Saa - người quản lý quán hiện nay cho biết: "Tôi được nghe kể lại rằng, con phố này trước kia đầy lính Việt Nam Cộng hòa sinh sống, ngay sát vách còn là nhà của tướng Ngô Quang Trưởng, đối diện là thương xá công binh của lính Hàn Quốc, Đại sứ quán Mỹ trước cũng nằm ngay gần đây, nên có lẽ địa điểm này được lựa chọn là nơi hoạt động tình báo bí mật, vì nơi nguy hiểm nhất chính là nơi an toàn nhất".

Chị kể, dù lính Hàn tới lui ăn uống rất đông, nhưng cũng nhờ vậy chính quyền Sài Gòn mất cảnh giác, đó là điều kiện thuận lợi cho các chiến sĩ Biệt động hoạt động. Với vỏ bọc là những thực khách thông thường, họ tới quán và thực hiện các hoạt động trao đổi thư từ mật,... ngay trước mắt địch, chỉ thông qua mấy câu mật hiệu đơn giản.

Cũng theo lời chị, lính Việt Nam Cộng hòa cũng đã vài lần ập vào đây khám xét, nhưng không tìm được gì, một phần bởi những thiết kế độc đáo của ngôi nhà phục vụ cho hoạt động bí mật liên quan đến Biệt động Sài Gòn.

***

Vách tường giữa nhà 113A Đặng Dung và 113B Đặng Dung chính là một hầm nổi. Nếu đi vào trong quán, hầm nổi nằm trên tầng 2, rộng chưa đầy 20cm. Đây là nơi cất giấu tài liệu, thuốc men, tiền, vàng… đựng trong các lon sắt, thùng đạn Mỹ. Căn hầm được đào bên trong vách tường, ngụy trang dưới lớp sàn gỗ. Những chiếc lon sắt được dùng để cất giấu thư từ, tài liệu mật, thuốc men.

Sở dĩ hầm nổi được xây dựng trên tầng 2 của căn nhà gỗ là vì, khi quân lính khám xét, chúng thường xuyên gõ xuống sàn nhà để nghe âm thanh dội lại qua đó dò đoán các hầm nếu có. Nhưng với một căn hầm nổi, phía trên là sàn gỗ của một gian nhà gỗ 3 gian truyền thống, chúng rất khó phát hiện ra hầm từ những âm thanh vọng lại đó.

Ngoài ra, căn nhà còn có một không gian đặc biệt dùng làm hầm bí mật. Căn hầm này là nơi các chiến sĩ Biệt động thoát ra lối sau nhà khi gặp tình huống nguy hiểm. Căn hầm được nguỵ trang bằng một chiếc tủ quần áo.

h15.png
Tấm biển chỉ dẫn căn hầm bí mật cho khách tham quan.
h16.png
Căn hầm được nguỵ trang thành một chiếc tủ quần áo...
h17.png
Nắp căn hầm dẫn xuống lối cầu thang thoát hiểm.
h18.png
Hầm có chiều sâu 3m, vừa đủ một người chui vào.
h19.png
Khi "có biến", các chiến sĩ chui vào tủ, mở nắp hầm thoát thân ra con đường phía sau nhà.

Nơi truyền giữ tinh thần "Biệt động"

_______________

Sau năm 1975, quán cơm tấm vẫn hoạt động cho đến khi vợ chồng ông Đỗ Miễn qua đời. Đầu năm 2018, ông Trần Vũ Bình (con trai chiến sĩ Biệt động Trần Văn Lai) được gia đình ông Miễn giao quyền quản lý căn nhà. Ông Bình đã mở lại quán cà-phê ngay tại địa điểm này để kể cho các thế hệ sau câu chuyện anh hùng của thế hệ cha ông. Bởi vậy, hiện nay, quán không chỉ là nơi gặp gỡ đầy màu sắc hoài cổ cho những ai muốn nhâm nhi ly cà-phê nơi không gian xưa cũ, mà còn là điểm đến cho những ai muốn trải nghiệm một phần không khí của đất nước 50 năm về trước.

Tại quán, thông qua những hiện vật, tư liệu lịch sử, du khách có dịp tìm hiểu thêm về lực lượng Biệt động Sài Gòn, cảm nhận về sự khốc liệt của chiến tranh.

pn1.png

Một không gian xưa cũ mang lại cảm giác thật đặc biệt. Và còn đặc biệt hơn khi được tìm hiểu về lịch sử và những gì đã xảy ra trong căn nhà này. Em và bạn mình vừa mở cánh tủ này ra, tưởng tượng về các hoạt động bí mật và đầy dũng cảm của cha anh năm xưa. Thực sự chúng em thấy rất bất ngờ và xúc động.

Bạn M.H (quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh)

Từng góc nhỏ trong căn nhà này đầy ắp những đồ vật từ xa xưa như chiếc bàn ủi, điện thoại, máy ảnh... những đồ dùng mà ông Miễn từng sử dụng. Tất cả đều được lưu giữ lại một cách cẩn thận đầy trân trọng. Các đồ vật phần lớn do ông Trần Vũ Bình sưu tầm giúp cho không gian quán thêm nhuốm màu vết tích của thời gian, của lịch sử.

h20.jpg

h21.jpg

h22.jpg

h23.jpg

h24.jpg

Không chỉ được tìm hiểu thêm về lực lượng Biệt động Sài Gòn, du khách còn có dịp thưởng thức món ăn gắn với lịch sử, đó là cơm tấm Đại Hàn và cà-phê bánh quẩy.

Không chỉ các thực khách muốn đến nhâm nhi ly cà-phê hoặc thưởng thức món cơm tấm "lịch sử" trong một không gian đầy hoài cổ, mà nơi đây còn là chốn tụ tập của những người lính năm xưa, những văn nghệ sĩ từng có nhiều kỷ niệm với hoạt động Biệt động Sài Gòn cũng rất thích đến đây để kể cho nhau nghe câu chuyện ly kỳ của những chiến sĩ quả cảm.

h26.jpg
Bà Đặng Thị Thiệp (ngoài cùng bên phải) - vợ chiến sĩ Biệt động Trần Văn Lai cùng các nghệ sĩ gặp nhau tại quán để ôn lại kỷ niệm một thời máu lửa.

Theo chị Ay Saa, có một điều rất đặc biệt là bất kỳ ai từng tham gia phục vụ ở quán đều coi nhau như người một nhà, đều thích lắng nghe kể chuyện về Biệt động Sài Gòn và được kể lại những câu chuyện đó cho các du khách tới thăm một cách đầy say sưa.

Vũ Văn Lâm (27 tuổi) là một trong số những người như vậy. Làu làu kể về những câu chuyện chung quanh quán cà-phê, về nguồn gốc mỗi hiện vật ở đây, về bí mật của từng góc nhà, mảng tường và cả những hoạt động Biệt động như thể chính mình từng tận mắt chứng kiến, Lâm cho biết: "Ở quán, ai cũng biết rõ từng câu chuyện, từng sự kiện đã từng xảy ra tại đây. Trước kia, bà Thiết (vợ ông Trần Văn Lai) cũng từng nhiều lần đến đây kể chuyện cho mọi người nghe, rồi chú Bình cũng hay qua lại và cùng mọi người ôn lại chuyện cha ông. Ai cũng thích được nghe, và nghe xong thì đi từ kinh ngạc đến thích thú. Những bí mật có phần ly kỳ ở quán này cũng là điều giữ chân và gắn kết anh chị em làm trong quán".

Hiện nay, dù đã có một công việc ổn định tại Lãnh sự quán Hàn Quốc nhưng Lâm vẫn thường xuyên qua lại giúp việc khi có thời gian rảnh. Bởi từ lâu anh đã coi đây như nhà của mình, và những người ở đây như người thân.

pn2.png

Rảnh là em lại tới đây, để được "về nhà", được gặp gỡ những du khách tới tham quan, đặc biệt là các bạn trẻ. Em muốn kể cho các bạn nghe những câu chuyện đầy ly kỳ của cha anh ta, để câu chuyện về những chiến sĩ Biệt động Sài Gòn sẽ còn mãi như những tấm gương về lòng dũng cảm và tình yêu nước mà lớp trẻ cần học tập và noi theo.

-- Vũ Văn Lâm --

Giữa lòng Thành phố Hồ Chí Minh hiện đại và phát triển, quán cà-phê Đỗ Phủ - Cơm tấm Đại Hàn khẽ nép mình nơi con phố nhỏ, lá cờ đỏ xanh cùng ngôi sao vàng ở giữa ngày ngày phấp phới bay đầy nổi bật như nhắc nhở bất kỳ ai ngang qua về một thời lịch sử bi hùng của người dân Sài Gòn nói riêng và cả dân tộc Việt Nam nói chung.

_______________

Ngày xuất bản: 4/2025
Tổ chức thực hiện: Hồng Minh - Hồng Vân
Thực hiện: Nhóm phóng viên
Ảnh: Thành Đạt

Theo https://special.nhandan.vn
https://special.nhandan.vn/tram-giao-lien-trao-doi-thu-tu-mat/index.html
Copy Link
https://special.nhandan.vn/tram-giao-lien-trao-doi-thu-tu-mat/index.html

Đọc tiếp

    Nổi bật

        Mới nhất
        Theo dấu chân "Biệt động Sài Gòn": Trạm giao liên trao đổi thư từ, tài liệu mật - Quán cà phê Đỗ Phủ, cơm tấm Đại Hàn
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO