Theo chân lương y khám phá vốn quí dược liệu ở rừng Đắk Nông
Một ngày cùng các thành viên Hội Đông y tỉnh Đắk Nông vào rừng hái cây thuốc, chúng tôi hiểu được thêm nhiều điều thú vị về cái gọi là đi hái “lộc trời” trên mảnh đất Đắk Nông.
Vất vả và hiểm nguy
Từ sau cốp xe ô tô, lương y Hà Văn Mạo, thành viên Hội Đông y tỉnh Đắk Nông lấy ra bộ đồ nghề chuyên dụng dành riêng cho những chuyến đi hái “lộc trời” gồm đôi ủng cao su, bao tải và một vài cây dao đủ kích cỡ lớn nhỏ.
Theo ông Mạo, ngoài kiến thức về dược liệu thì cũng cần phải có kỹ năng đi rừng mới có thể vào rừng tìm cây thuốc. Trước mỗi chuyến đi, thầy trò đều phải chuẩn bị một vài bài thuốc để phòng khi bị rắn cắn hay bị thương. “Đi vào rừng hái thuốc là công việc hết sức vất vả và nguy hiểm. Vì vậy, mình phải chuẩn bị kỹ càng trước mỗi chuyến đi”, ông Mạo cho biết.
Sinh ra và lớn lên trong gia đình có ông nội làm nghề đông y nên ông Mạo đã được tiếp xúc với các cây thuốc, bài thuốc từ nhỏ. “Khi còn nhỏ, tôi thường giúp ông nội những công việc đơn giản như cắt cành, phơi thuốc nên dần hiểu biết và yêu thích những loài cây dược liệu. Mặc dù còn nhỏ nhưng lúc đó, tôi đã có mong muốn được theo nghề của ông nội”, ông Mạo chia sẻ.
Sau khi trưởng thành, ông Mạo có khoảng thời gian làm kinh doanh nhưng thấy không phù hợp nên quay lại với nghề đông y. “Khi đó, tôi nói với vợ, cả đời này chắc tôi chỉ làm nghề bốc thuốc được thôi. Nghề thuốc không thể giúp mình làm giàu được nhưng lại đúng với sở thích, đam mê của tôi”, ông Mạo tâm sự.
Hỏi về những tình huống nguy hiểm, ông Mạo bộc bạch, năm 2012, trong lần đi hái thuốc ở khu vực thác Gia Long không may gặp nạn. Trong lúc, đang mải hái cây thuốc quý chẳng may dây bị đứt đột ngột làm ông bị ngã gãy chân. “Bàn chân tôi lúc đó quay từ đằng trước ra đằng sau. Lúc đó đau lắm nhưng tôi vẫn ráng chịu, lấy mấy cành cây rừng làm nẹp, cố định lại chân để cố chạy xe về tới nhà”, ông Mạo kể.
Sau lần đó, ông Mạo phải phẫu thuật bắt 13 đinh vít cố định xương, rồi tự mình kết hợp thêm phương pháp đông y, giúp quá trình điều trị và hồi phục nhanh chóng hơn.
“Những cây thuốc quý hiếm, có đặc điểm là rất hay mọc ở những nơi hiểm hóc. Có những lần, thấy trước mặt là vách đá cao, dựng đứng, nhìn xuống mà nghĩ chẳng may bị ngã ở đây chắc không thể giữ nổi tính mạng. Tôi thường hay nói vui việc đi vào rừng hái cây thuốc là hái “lộc trời” để thêm phần thi vị cho công việc không kém phần hiểm nguy, bất trắc này”, ông Mạo chia sẻ.
“Kho báu” nơi biên cương
Ông Mạo cho biết, trong những cánh rừng của Đắk Nông, dưới thảm thực vật um tùm còn ẩn chứa rất nhiều loại dược liệu quý hiếm. Tất cả các loại cây, nếu mình hiểu rõ về tính chất của nó và dùng nó phù hợp, đúng bệnh, đúng bài thuốc thì cây nào cũng là dược liệu quý.
Địa điểm hái thuốc quen thuộc của ông Mạo là thác Lưu Ly, rừng Nâm Nung, huyện Đắk Song. Tuy nhiên lần này, được sự giới thiệu của ông Đoàn Lê Anh, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, ông Mạo đã đưa đoàn đi khám phá dược liệu ở vùng đất biên thùy đầy nắng và gió.
Từng có thời gian công tác trong lĩnh vực nông nghiệp nên bản thân ông Đoàn Lê Anh tích góp cho mình kha khá những kiến thức và niềm yêu thích về cây trồng, trong đó có dược liệu. Ông Đoàn Lê Anh thông tin, khảo sát, đánh giá của cơ quan chuyên môn, trên địa bàn huyện Tuy Đức có trên 1.000 loài cây thuốc, trong đó có 70 loại cây thuốc quý hiếm, giá trị kinh tế cao. Cây dược liệu có ở hầu hết các xã, tập trung nhiều nhất ở các xã Quảng Trực và Đắk Ngo, nhất là ở những khu vực có tán rừng tự nhiên. Các loài dược liệu tiêu biểu tại địa phương có thể kể đến như: sâm cau rừng, hà thủ ô, an xoa, diệp hạ châu, mật nhân, chuối rừng, nhân trần, khúc khắc, chó đẻ, tầm bóp, càng cua, sâm đất, cỏ lào, trinh nữ, mã đề...
Vừa di chuyển vừa trò chuyện, chẳng mấy chốc ông Anh đã đưa chúng tôi tới khu vực rừng thông do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên quản lý, đứng chân ở xã Quảng Trực. Trước mắt chúng tôi là những cây nhân trần Tây Ninh tỏa ngát hương thơm phủ kín bên dưới những tán thông mà ai cũng thi nhau hít hà…
Bứt một nhánh nhân trần, ông Mạo chia sẻ về cây nhân trần Tây Ninh còn gọi là nhân trần tía, nhân trần cái, chè cát có vị cay, hơi đắng, có mùi thơm, tính ấm, có tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu, lợi mật, kích thích tiêu hóa. Toàn cây nhân trần bỏ rễ chữa viêm gan, vàng da, ăn uống kém tiêu, sốt, cảm cúm, ngộ độc.
Sau khi được ông Mạo hướng dẫn cách nhận biết cây thuốc, cả đoàn tiếp tục hành trình hái dược liệu ở một số khu vực lân cận. Nếu như không được báo trước, có lẽ chúng tôi chỉ xem đó là các loại cây cỏ dại, mọc hoang trong rừng, không có giá trị gì.
Mặt trời xuống ngang lưng núi, mỗi người đều thu thập cho mình cả bao tải gồm cây lẫn lá thuốc. Từng bó, từng bó cây thuốc các loại được xếp cẩn thận, đầy sau cốp xe. Mỗi lần đi một lần khó nên ai cũng cố gom hết từng cành, lá cây vương vãi để mang về. Vị thuốc chính hôm nay được nhiều là nhân trần Tây Ninh. Mỗi người hái thêm vài loại gặp trên đường như cây rễ quạt, gối hạc trắng, bướm bạc, chạc chìu, bông trang, nấm linh chi….
Bà Phạm Thị Tú Uyên, y sĩ y học cổ truyền phấn khởi: “Mỗi lần được vào rừng hái cây thuốc, tôi rất thích vì được mắt thấy, tay sờ vào từng cây, từng lá tươi mà trước đó chỉ được học, được thấy trên sách vở hoặc khi đã chế biến, sấy khô. Mong ước của tôi là làm sao để đưa được một số loại cây thuốc có giá trị trong rừng về vườn nhà để có thể ươm giống, nhân rộng, giúp được bà con khi cần”.
Ánh chiều muộn phủ bóng lên rừng núi. Mùi thơm của các cây thuốc thoang thoảng, giúp chúng tôi xua tan bao mệt mỏi của chuyến đi rừng hái “lộc trời” hôm nay.
725 loài thực vật có công dụng làm thuốc
Hiện nay, việc nghiên cứu, sưu tầm những bài thuốc hay từ các loại dược liệu và phát triển các sản phẩm từ dược liệu tại Đắk Nông đã và đang được Hội Đông y tỉnh, các huyện, thành phố và các cơ sở đông y triển khai thực hiện, góp phần không nhỏ trong việc khám, chữa bệnh cho người dân.
Bà Tô Thị Nhĩ, Phó Chủ tịch Hội Đông y tỉnh Đắk Nông cho biết, theo thống kê sơ bộ, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông có 725 loài thực vật, nấm, khoáng vật có công dụng làm thuốc. Nhiều loại dược liệu quý hiếm nằm trong sách đỏ Việt Nam được tìm thấy tại rừng tỉnh Đắk Nông như: bổ cốt toái, vàng đắng, chè dây, bách bệnh… có trữ lượng lớn.
Trong những năm qua, cùng với thử nghiệm và trồng thành công 116 loài cây thuốc được đưa từ rừng về, Hội Đông y tỉnh đã nghiên cứu ứng dụng một số bài thuốc có sẵn gồm: bài thuốc hạ huyết áp điều trị cho bệnh nhân cao huyết áp dưới dạng trà; bài thuốc chữa bệnh nhiệt miệng bằng cây cỏ cất hơi; bài thuốc chữa bệnh thủy đậu bằng hoa kim ngân…
Bên cạnh bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn, vận động hội viên sưu tầm các bài thuốc hay, những cây thuốc quý, Hội Đông y tỉnh tăng cường nghiên cứu và ứng dụng y học cổ truyền trong khám, chữa bệnh cho người dân
Bà Tô Thị Nhĩ, Phó Chủ tịch Hội Đông y tỉnh Đắk Nông