Theo chân bác sĩ đông y hái “lộc trời”
Giữa những cánh rừng mênh mông, dưới thảm thực vật um tùm, còn ẩn chứa rất nhiều loại dược liệu quý hiếm. Một ngày theo chân các thành viên Hội Đông y tỉnh Đắk Nông vào rừng hái cây thuốc giúp tôi vỡ vạc bao điều về “lộc trời cho” trên mảnh đất Đắk Nông.
Vất vả, nguy hiểm
Như đã hẹn, mới tờ mờ sáng một ngày cuối tháng 2, các thành viên tham gia chuyến hái dược liệu của Hội Đông y tỉnh Đắk Nông do bác sĩ Trương Văn Minh, Chủ tịch hội dẫn đầu đã có mặt tại điểm tập kết để chuẩn bị lên đường vào rừng.
Theo bác sĩ Minh, đường xa, đi sớm một chút để ngắm bình minh, được hít thở không khí trong lành của thiên nhiên ban tặng và mùi hương của sương, cây lá, ngọn cỏ và quan trọng nhất là hái cây thuốc vào buổi sáng sẽ bảo đảm chất lượng tốt nhất.
Từ quốc lộ 28 qua xã Đắk Ha, vào gần đến xã Quảng Sơn (Đắk Glong), xe chúng tôi rẽ trái, thẳng tiến vào Khu bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung thuộc khu vực huyện Krông Nô. Dừng xe bên lề đường, cả đoàn bắt đầu đi bộ tiến vào khu vực có cây thuốc đã được Hội Đông y tỉnh khảo sát, đánh dấu trước đó.
Vừa đi, vừa nghe bác sĩ Minh căn dặn kỹ các thành viên không được bắt ong, chặt phá cây rừng, đi lại hết sức chú ý, cẩn thận trơn trượt vì đường dốc, gồ ghề… mới thấy được vất vả, nguy hiểm đối với người đi hái thuốc.
“Mục tiêu của chúng ta hôm nay là hái một xe đầy lá “câu đằng chữa bệnh "căng đầu” nghe mọi người”. Thấy ánh mắt ngơ ngác của chúng tôi, bác sĩ Minh giải thích, đây là loại dược liệu dùng để làm trà trị bệnh cao huyết áp.
Sau khi được hướng dẫn, cách nhận biết cây thuốc, cả nhóm tập trung vào việc hái dược liệu. Nếu như không được báo trước, có lẽ chúng tôi chỉ xem đó là các loại lá dại, mọc hoang trong rừng, không có giá trị gì.
Vui chuyện và miệt mài với công việc, đến khi mặt trời chói chang cũng là lúc cả nhóm hoàn thành mục tiêu đề ra. Ai cũng mồ hôi nhễ nhại, nhưng trên gương mặt, ánh mắt đều ánh lên niềm vui khó tả. Từng bó cây đằng được xếp cẩn thận, đầy sau cốp xe. Mỗi lần đi một lần khó nên ai cũng cố gom hết từng cành, lá cây vương vãi để mang về chế biến thành thuốc.
Chị Phạm Thị Kiều Diễm, Y sĩ y học cổ truyền phấn khởi: “Mỗi lần được vào rừng hái cây thuốc, tôi rất thích vì được mắt thấy, tay sờ vào từng cây, từng lá tươi mà trước đó chỉ được học, được thấy trên sách vở hoặc khi đã chế biến, sấy khô. Mong ước của tôi là làm sao để đưa được một số loại cây thuốc có giá trị trong rừng về vườn nhà để có thể ươm giống, nhân rộng, làm thuốc giúp được bà con khi cần”.
Hướng về bệnh nhân nghèo
Theo bác sĩ Minh, từ ngàn đời nay, ông cha ta đã biết khai thác, sử dụng các loại lá cây trong tự nhiên để làm thuốc. Trong y học cổ truyền có hàng ngàn bài thuốc trị hầu hết các loại bệnh của con người, thậm chí cả bệnh nan y. Do đó, cùng với tây y, việc khám, chữa bệnh bằng đông y ngày càng được các cơ sở y tế sử dụng và người bệnh tin tưởng vì hiệu quả lâu dài, không bị những tác dụng phụ, gây biến chứng.
Hiện nay, việc nghiên cứu, sưu tầm những bài thuốc hay từ các loại dược liệu và phát triển các sản phẩm từ dược liệu tại Đắk Nông đã và đang được Hội Đông y tỉnh, các huyện, thành phố và các cơ sở đông y triển khai thực hiện, góp phần không nhỏ trong việc khám, chữa bệnh cho người dân.
Bác sĩ Trương Văn Minh cho biết thêm: “Sở dĩ lần này đi hái thuốc nhiều như vậy vì Hội Đông y tỉnh đã khai trương Phòng khám nhân đạo để khám, chữa bệnh cho người dân bằng phương pháp y học cổ truyền. Người bệnh khi đến đây được châm cứu, phát thuốc miễn phí, nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn hay những cụ già cao tuổi có nhiều bệnh biến chứng từ tiểu đường… Phòng khám nhân đạo đi vào hoạt động góp phần chia sẻ gánh nặng với ngành Y tế, giúp bà con điều trị các bệnh lý có khả năng dứt điểm lâu dài”
"Với trách nhiệm của mình, Hội Đông y tỉnh luôn tuyên truyền và thực hiện phương châm “thuốc tại vườn, thầy tại chỗ, chữa bệnh tại nhà”, nhằm giúp bà con phòng bệnh và chữa bệnh bằng các cây thuốc có sẵn tại địa phương", bác sĩ Trương Văn Minh, Chủ tịch Hội Đông y tỉnh Đắk Nông nhấn mạnh.