Thêm yêu đời, yêu “nghề” Tổng phụ trách Đội!

Hoàng Hoài| 25/05/2018 09:43

Gần 10 năm gắn bó với công tác đội và phong trào thanh thiếu nhi, cô giáo Trần Thị Lan, Tổng phụ trách Đội Trường THCS Lương Thế Vinh, xã Quảng Tín (Đắk R’lấp) luôn tìm tòi, đổi mới, sáng tạo để giáo dục và tạo sân chơi cho đội viên, thiếu niên.

ADQuảng cáo

Cô Trần Thị Lan (áo xanh) và các đội viên tặng quà cho gia đình chính sách, người cao tuổi ở địa phương

Theo cô Lan chia sẻ, công việc nào cũng có cái hay, cái dở, song khi đã được giao việc thì cần phải đam mê, hứng thú thì mới làm được. “Nghề” Tổng phụ trách Đội mà cô đảm nhận cũng vậy. Trên cơ sở kế hoạch chung, mỗi năm học, cô luôn suy nghĩ, cụ thể hóa thành những hoạt động cụ thể, phù hợp với đặc thù đội viên, học sinh trong trường.

Năm học 2017-2018, dưới sự dẫn dắt, tham mưu của cô Lan, Liên đội Trường THCS Lương Thế Vinh đã tổ chức được nhiều hoạt động mang tính giáo dục, khích lệ đội viên tư duy, sáng tạo và hội nhập. Có thể kể đến như hoạt động tuyên truyền về tình yêu biển đảo quê hương. Khác với mọi năm, năm nay, trường đã mời được nhạc sĩ Đỗ Lập về trực tiếp nói chuyện về biển, đảo, tình yêu quê hương, đất nước và những cảm nhận của mình. Với chính người thật, việc thật, những câu chuyện kể sinh động đã hun đúc trong các em học sinh tình yêu, lòng tự hào về biển, đảo, quê hương đất nước.

Cô Lan cho biết: “Buổi nói chuyện chỉ diễn ra trong 2 tiếng đồng hồ, nhưng đã mang lại những bài học lớn. Những kiến thức về biển, đảo Việt Nam rất nhiều và các em đều được học một phần trong chương trình, nhưng cách thức tuyên truyền lồng ghép này đã giúp học sinh không những nhớ kiến thức sâu hơn mà còn dấy lên niềm tự hào”.

Hay để hình thành thói quen, nuôi dưỡng đam mê đọc sách, nhất là sách phù hợp với lứa tuổi, cô Lan cũng đã phối hợp tổ chức thành công Ngày hội sách ngay tại trường. Trong ngày hội, ngoài các đầu sách do thư viện huyện đưa xuống trưng bày thì còn có các loại sách do các em học sinh đóng góp như sách tham khảo, truyện thiếu nhi...

Các gian sách trưng bày ngay trong sân trường, dưới bóng mát của các tán cây đã thực sự tạo nên sự ấm cúng, khơi dậy đam mê cho các em. Cũng từ niềm đam mê đọc sách này, các em đã đóng góp khoảng 700 cuốn sách cho Hội đồng Đội huyện tặng học sinh khó khăn và khoảng 700 cuốn sách cho Thư viện trường.

ADQuảng cáo
ADQuảng cáo

Hội thi Rung chuông vàng được trường tổ chức mỗi năm một lần cũng đã thực sự trở thành sân chơi kiến thức, trí tuệ của các em. Ở đây, các em đã phát huy được kiến thức tổng hợp thông qua các bộ môn mình được học tập. Kiến thức không quá khó, cũng không quá dễ đã phát huy được tinh thần tự giác học tập nghiên cứu, đam mê với kho kiến thức của học sinh.

Em Lê Thị Phương, lớp 8A4 cho biết: “Hội thi đã giúp em củng cố thêm được nhiều kiến thức cũng như khích lệ đọc sách nhiều hơn, không chỉ sách giáo khoa cơ bản mà còn các loại sách khác để bổ sung kiến thức cho mình”.

Hoạt động đội giúp cô Trần Thị Lan (bên trái) tìm thấy niềm vui, thêm yêu đời và gắn bó với "nghề" Tổng phụ trách Đội

Không chỉ chú trọng đến hoạt động rèn luyện tư duy, giáo dục đạo đức lối sống, cô Lan còn triển khai nhiều hoạt động để giúp các em phát huy kỹ năng mềm, ứng xử trong cuộc sống và vun đắp lòng nhân ái. Có thể kể đến các hoạt động như thu gom quần áo, sách vở cũ để tặng những bạn khó khăn; Kế hoạch nhỏ, thăm hỏi gia đình chính sách, có công với cách mạng... Các hoạt động ngoài trời như trò chơi dân gian, giao lưu văn hóa, văn nghệ cũng được tổ chức thường xuyên nhằm giúp các em có được tiếng cười thoải mái sau những tiết học.

Cô Lan cho biết thêm: “Các em trong độ tuổi này tâm sinh lý đang có sự thay đổi, là bước chuyển tiếp của đội viên thành đoàn viên. Vì vậy, người làm công tác đội cần phải biết tư duy, suy nghĩ để tổ chức được nhiều hoạt động phù hợp với lứa tuổi, đặc thù, sở thích mới thu hút được các em tham gia. Hơn nữa, các hoạt động tổ chức không được chồng chéo nhau hay rập khuôn máy móc mà cần phải có sự sáng tạo, theo từng thời điểm cụ thể gắn với các vấn đề thời sự của địa phương, của cả nước”.

Được coi là người có thâm niên với “nghề”, nhưng chưa lần nào cô Lan e ngại công việc. Với cô, việc được hướng dẫn các thế hệ đội viên là điều may mắn, bởi cô thấy ở trong các phong trào, hoạt động đội có tuổi trẻ của mình và hơn trên hết là tìm được nhiều niềm vui để thêm yêu đời, yêu “nghề” và quyết tâm gắn bó với “nghề” mình đã chọn.

ADQuảng cáo
ADQuảng cáo
ADQuảng cáo
ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thêm yêu đời, yêu “nghề” Tổng phụ trách Đội!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO