Thêm giải pháp "Báo cáo xâm hại" trẻ em trên môi trường mạng

VOV| 03/04/2022 07:15

Mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng đã chính thức giới thiệu trang web vn-cop.vn, với nhiều tính năng có thể “báo cáo xâm hại” trẻ em trên môi trường mạng.

ADQuảng cáo

Mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng được thành lập nhằm tăng cường sự phối hợp liên ngành, trong việc thực thi các nhiệm vụ phòng, chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng, đồng thời nâng cao nhận thức xã hội và tạo lập môi trường mạng an toàn, lành mạnh cho trẻ em.

Người dân có thể báo cáo xâm hại trẻ em trên mạng qua website. Ảnh minh họa

Báo cáo của một trong các thành viên Mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng là Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, trong quý 1 năm nay, Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 đã tiếp nhận hơn 202.000 cuộc gọi, tư vấn khoảng 10.600 ca (tăng hơn 45% so với cùng kỳ năm 2021).

Thống kê của Cục Trẻ em cũng cho thấy, cả nước có 147 trẻ em bị xâm hại trong 3 tháng đầu năm nay, tăng 30 em so với quý 1 năm 2021, trong đó có các trường hợp bị bạo lực, xâm hại tình dục, bị bắt bóc, mất tích hoặc bị bỏ rơi. Các trường hợp xâm hại trẻ em khi được Tổng đài 111 tiếp nhận sẽ được xác minh, kết nối với địa phương (nơi các em bị xâm hại) và các cơ quan liên quan cùng phối hợp xử lý.

Bà Nguyễn Thị Nga - Phó Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, Tổng đài 111 đã kết nối với các địa phương cũng như là các cơ quan chức năng, để hỗ trợ và can thiệp cho các trường hợp trẻ em bị xâm hại tình dục thông qua môi trường mạng.

ADQuảng cáo
ADQuảng cáo

"Ngoài ra, hiện nay với sự phát triển của mạng xã hội, rồi các kênh của cá nhân vi phạm đến bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của của trẻ em, thì Tổng đài 111 cũng đã có các cuộc gọi đến phản ánh về các kênh, các clip mà vi phạm cũng như xâm hại trẻ em trên môi trường mạng", bà Nga nói.

Tổ chức Plan International tại Việt Nam (cũng là 1 trong các thành viên của Mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng) thường xuyên tiếp nhận được các phản ánh về vấn đề mất an toàn thông tin trên môi trường mạng. Trong đó có cả trường hợp, nạn nhân là trẻ em gái bị “đánh cắp” hình ảnh, đăng tải lên các group - nhóm kín, kèm theo số điện thoại của nạn nhân (khi kẻ phát tán hình ảnh lấy được từ mạng xã hội của nạn nhân).

Mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng mới đây đã ra mắt trang web vn-cop.vn, với nhiều tính năng góp phần bảo vệ trẻ em an toàn trên môi trường mạng. Ví dụ "Tài liệu" là nơi trang web cung cấp các ấn phẩm truyền thông nâng cao nhận thức, kỹ năng kinh nghiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Hoặc các tính năng khác như "Hỏi đáp", "Bày tỏ nguyện vọng" để trẻ em và người sử dụng có thể đặt câu hỏi, bày tỏ ý kiến, nguyện vọng của mình về vấn đề để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Đặc biệt, Cục An toàn Thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) - cơ quan điều phối Mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng đã thử nghiệm tính năng “Công cụ” và “Báo cáo xâm hại”. Với tính năng “Công cụ”, người sử dụng chỉ cần nhập đường link của trang web rồi Gửi yêu cầu, thì có thể Kiểm tra website an toàn cho trẻ em.

Còn với tính năng “Báo cáo xâm hại”, nếu có trường hợp xâm hại trẻ, hay hành vi bạo hành, quấy rối, lừa đảo, các link trang web xấu, group độc hại, bắt nạt trẻ em…thì bất cứ ai (kể cả trẻ em) cũng có thể gửi báo cáo. Cùng với ứng dụng Tổng đài 111, hoặc đường dây nóng 111, thì vn-cop.vn cũng sẽ là một trong những địa chỉ an toàn, cung cấp những công cụ, phần mềm hữu ích, giúp trẻ em tham gia tương tác lành mạnh trên môi trường mạng.

ADQuảng cáo
ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thêm giải pháp "Báo cáo xâm hại" trẻ em trên môi trường mạng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO