Thêm cơ hội cho lao động có tay nghề đi làm việc tại Đức

Phương Hoa (TTXVN/Vietnam+)| 24/06/2023 21:21

Đại diện các ngành và các nhà kinh tế từ lâu đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về nhu cầu lao động có tay nghề cao của Đức, cho rằng sự thiếu hụt có nguy cơ kìm hãm nền kinh tế.

Them co hoi cho lao dong co tay nghe di lam viec tai Duc hinh anh 1Người lao động tìm việc tại một hội chợ việc làm ở Berlin, Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Quốc hội Đức ngày 23/6 đã thông qua luật nhập cư mới với một hệ thống điểm, theo đó giảm yêu cầu đối với những người muốn xin nhập cư, dựa theo trình độ chuyên môn, tuổi tác và kỹ năng ngôn ngữ.

Đây là một phần của kế hoạch cải tổ sâu rộng về chính sách nhập cư nhằm nhanh chóng bổ sung lực lượng lao động thiếu hụt chưa từng có đang đè nặng lên nền kinh tế đầu tàu châu Âu này.

Luật vừa được thông qua không chỉ mở rộng cơ hội cho những người lao động có tay nghề cao mà còn biến Đức thành điểm đến hấp dẫn của những lao động lành nghề đến từ các nước ngoài Liên minh châu Âu (EU).

Những cải cách sâu rộng, lần đầu tiên được dự thảo vào tháng 3 vừa qua, bao gồm việc đưa ra một hệ thống nhập cư dựa trên thang điểm, nới lỏng các quy định thẻ xanh.

Ngoài việc cải cách luật để cho phép công dân có thể mang hai quốc tịch, luật mới cũng loại bỏ một số rào cản đối với việc nhập quốc tịch, cho phép người nước ngoài đăng ký quốc tịch sau 5 năm cư trú tại Đức thay vì 8 năm như hiện tại.

Một điểm quan trọng của luật mới là các yêu cầu về tiền lương để nhận được thẻ xanh, mà Đức áp dụng cho những người không thuộc EU có bằng đại học từ năm 2012, sẽ được hạ xuống.

Theo đó, mức lương để nhận một việc làm ở Đức sẽ giảm xuống còn 43.800 euro (trước thuế)/năm (tương đương 3.650 euro/tháng), thay vì mức 58.400 euro/năm (4.860 euro/tháng) như trước đây.

Không những thế, theo cải cách này, những người lao động lành nghề có thể theo đuổi bất kỳ công việc đủ điều kiện nào, nghĩa là họ có thể làm việc trong lĩnh vực nằm ngoài chuyên môn ban đầu của mình.

Một điểm đáng chú ý nữa trong luật mới là Đức có kế hoạch cấp thị thực dành cho người tìm việc mới, gọi là “Thẻ cơ hội” (Chancenkarte), theo đó cho phép những người đến Đức tìm việc làm có thời hạn một năm để tìm việc với điều kiện tự đảm bảo được cuộc sống của họ.

Để có được “Thẻ cơ hội”, người nhập cư phải đạt ít nhất 6 trong tổng số tối đa 10 điểm, được tính dựa trên các yếu tố như trình độ, trình độ tiếng Đức, tuổi tác và mối liên hệ với nước Đức.

Dự kiến, những yêu cầu tối thiểu về kỹ năng tiếng Đức sẽ được hạ thấp - cấp độ cần để đủ điều kiện đăng ký “Thẻ cơ hội” - từ A2 xuống A1. Một bổ sung mới khác của luật là thẻ có thể được gia hạn đến 2 năm nếu người nộp đơn có thể xuất trình hợp đồng lao động đối với công việc đủ điều kiện và Cơ quan việc làm Liên bang chấp nhận.

Với những lao động có tay nghề thuộc các nước ngoài EU, trở ngại cũng ít hơn, theo đó họ có cơ hội bắt đầu làm việc tại Đức ngay cả khi trình độ được chứng nhận không hoàn toàn đúng với ngành nghề họ đã chọn.

Ngoài ra, cải cách cho phép người lao động có tay nghề có được giấy phép định cư lâu dài sau 3 năm thay vì yêu cầu 4 năm như trước đây.

Luật cư trú cũng sẽ được thay đổi. Cho đến nay, luật quy định rằng người nhập cảnh vào Đức phải mang thị thực có một mục đích cụ thể.

Điều này có nghĩa là, ví dụ, một người đã vào Đức bằng thị thực du lịch và được mời làm việc ở Đức, trước tiên phải rời khỏi nước này và nộp đơn xin thị thực mới, có mục đích cụ thể. Trong tương lai, điều này sẽ không còn cần thiết nữa.

Theo luật mới, cơ hội đoàn tụ gia đình cũng sẽ được mở rộng, có nghĩa là không chỉ vợ/chồng và con cái người nhập cư sẽ có thể cùng họ đến Đức trong tương lai, mà cả bố mẹ và bố mẹ chồng.

Theo những cải cách, những người xin tị nạn đang làm thủ tục cũng sẽ có cơ hội bắt đầu học nghề hoặc nhận việc làm. Tuy nhiên, thay đổi này sẽ chỉ có hiệu lực từ ngày 29/3/2023 trở về trước và không áp dụng cho những người xin tị nạn mới, nhằm tránh khuyến khích làn sóng di cư.

Theo báo cáo của Viện Kinh tế Đức (IW), công bố tháng 4 vừa qua, các công ty tuyển dụng năm ngoái không bổ sung khoảng 630.000 vị trí việc làm trong các ngành của họ. Bộ trưởng Lao động Hubertus Heil lo ngại rằng Đức có thể thiếu 7 triệu lao động vào năm 2035 nếu nền kinh tế lớn nhất châu Âu này không có hành động nào ngay lập tức.

Các chuyên gia cho biết sự thiếu hụt đang trở nên tồi tệ hơn bao giờ hết do những thay đổi về nhân khẩu học khi thế hệ bùng nổ dân số nghỉ hưu và tuổi thọ người dân cao hơn.

Thêm vào đó, người di cư thường chọn những điểm đến khác có môi trường thuận lợi hơn cho người nước ngoài, chẳng hạn như Mỹ hay Canada. Kế hoạch của Đức là hướng tới mô hình trở thành một quốc gia nhập cư hiện đại.

Them co hoi cho lao dong co tay nghe di lam viec tai Duc hinh anh 2Công nhân làm việc tại một nhà máy ở Herten, Đức, ngày 3/3/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chính phủ liên minh của Đức muốn thu hút 400.000 lao động nước ngoài có tay nghề cao mỗi năm để tái cân bằng cơ cấu dân số vốn đang già đi và giải quyết tình trạng thiếu lao động trong các lĩnh vực kinh tế quan trọng.

Dân số Đức tăng lên 84,3 triệu người vào năm 2022, chủ yếu do số lượng người nhập cư tăng kỷ lục. Tuy nhiên, nước này vẫn đang phải đương đầu với cuộc khủng hoảng nhân sự khi những người lớn tuổi dần rút khỏi lực lượng lao động.

Hiệp hội các phòng Thương mại và Công nghiệp Đức (DIHK) cho biết hơn 50% số công ty của nước này đã phải vật lộn để lấp đầy các vị trí tuyển dụng do thiếu lao động lành nghề. Tỷ lệ các công ty gặp khó khăn trong tuyển dụng ở mức cao chưa từng có. Theo kết quả khảo sát 22.000 công ty, 53% các công ty báo cáo tình trạng thiếu hụt lao động.

Trước khi có hiệu lực, luật nhập cư mới vẫn phải được Hội đồng Liên bang thông qua, dự kiến trong vài tuần tới./.

Phương Hoa (TTXVN/Vietnam+)

Theo www.vietnamplus.vn
https://www.vietnamplus.vn/them-co-hoi-cho-lao-dong-co-tay-nghe-di-lam-viec-tai-duc/871079.vnp
Copy Link
https://www.vietnamplus.vn/them-co-hoi-cho-lao-dong-co-tay-nghe-di-lam-viec-tai-duc/871079.vnp

    Nổi bật

        Mới nhất
        Thêm cơ hội cho lao động có tay nghề đi làm việc tại Đức
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO