Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Chennai, Ấn Độ ngày 1/4/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho biết từ năm ngoái, đại dịch COVID-19 và chi phí sinh hoạt tăng cao đã đẩy thêm gần 68 triệu người tại khu vực đang phát triển của châu Á vào cảnh nghèo đói cùng cực, qua đó làm suy yếu các nỗ lực chống nghèo đói.
Trong báo cáo công bố ngày 24/8, ADB ước tính từ năm ngoái đến nay, đã có 155,2 triệu người tại khu vực đang phát triển của châu Á, tương đương 3,9% dân số khu vực, sống trong cảnh nghèo đói cùng cực, tăng 67,8 triệu người so với trường hợp không xảy ra các cuộc khủng hoảng y tế và chi phí sinh hoạt.
Khu vực đang phát triển của châu Á gồm 46 nền kinh tế tại châu Á-Thái Bình Dương, không bao gồm Nhật Bản, Australia và New Zealand.
Theo nhà kinh tế trưởng của ADB, ông Albert Park, châu Á và Thái Bình Dương đang dần phục hồi từ đại dịch COVID-19, song cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt đang làm suy yếu các nỗ lực hướng tới giảm nghèo đói.
Theo định nghĩa, những người sống trong nghèo đói cùng cực là những người có mức thu nhập dưới 2,15 USD/ngày, dựa theo số liệu năm 2017.
Năm ngoái, lạm phát tại phần lớn các quốc gia đã tăng lên mức cao nhất trong nhiều năm, do hoạt động kinh tế phục hồi và gia tăng tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng.
Giá cả leo thang ảnh hưởng đến tất cả mọi người, song những người nghèo là nhóm chịu ảnh hưởng nặng nhất do họ phải chi tiêu nhiều hơn cho thực phẩm và nhiên liệu, gặp khó khăn trong việc tiết kiệm và chi trả cho nhu cầu cơ bản, bao gồm chi phí y tế và giáo dục.
Chuyên gia kinh tế Park nhận định thông qua việc tăng cường mạng lưới an sinh xã hội cho người nghèo, tăng cường đầu tư và đổi mới để tạo cơ hội cho tăng trưởng và việc làm, các chính phủ trong khu vực có thể quay lại đúng tiến độ trong lộ trình xóa đói giảm nghèo.
Hồi tháng Bảy, ADB dự báo khu vực đang phát triển của châu Á đang trên đà tăng trưởng ở mức 4,8% trong năm nay, cao hơn so với mức tăng trưởng 4,2% của năm ngoái.
Theo ADB, mặc dù các nền kinh tế tại khu vực đang phát triển của châu Á sẽ đạt tiến bộ trong việc giảm nghèo đói, song đến năm 2030 sẽ có 30,3% dân số khu vực (tương đương 1,26 tỷ người) vẫn dễ bị tổn thương về mặt kinh tế./.