Y tế - Sức khỏe

Thêm 4 loại vắc xin tiêm chủng mở rộng

Hà Linh 15/11/2023 - 08:14

Đến năm 2030, 4 loại vắc xin sẽ được thêm trong chương trình tiêm chủng mở rộng.

ADQuảng cáo

4 loại gồm: vắc xin phòng bệnh do vi rút rota, bệnh phế cầu, ung thư cổ tử cung và cúm, nâng tổng số vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng lên 15 loại.

Lộ trình thực hiện, vắc xin phòng bệnh do vi rút rota triển khai từ năm 2022, vắc xin phòng bệnh phế cầu từ năm 2025, vắc xin phòng bệnh ung thư cổ tử cung từ năm 2026 và vắc xin phòng bệnh cúm từ năm 2030.

Chủ trương được Chính phủ thông qua ngày 15/8/2022, tại Nghị quyết 104/NQ-CP về lộ trình tăng lượng vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng giai đoạn 2021-2030. Trong điều kiện tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp, việc gia tăng số lượng vắc xin phòng bệnh trong chương trình tiêm chủng mở rộng giúp nhiều trẻ em tiệm cận hơn với cơ hội miễn dịch.

tiem-chung(1).jpg
Vắc xin phòng bệnh trong chương trình tiêm chủng mở rộng giúp nhiều trẻ em tiệm cận hơn với cơ hội miễn dịch

Hiện tại, có 11 loại vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, bao gồm: vắc xin phòng lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, sởi, viêm não Nhật Bản, tả, thương hàn, viêm phổi/viêm màng não mủ do Hib. Chương trình tiêm chủng mở rộng có vai trò quan trọng đối với công tác phòng, chống dịch bệnh và bảo vệ sức khỏe trẻ em của cả nước.

ADQuảng cáo

Bắt đầu triển khai từ năm 1985, chương trình tiêm chủng mở rộng do Nhà nước thực hiện dần mở rộng về quy mô và số lượng vắc xin miễn phí. Nhờ vắc xin phòng bệnh mà hàng triệu trẻ em dưới 12 tháng tuổi trong cả nước được dự phòng khỏi mắc 11 bệnh truyền nhiễm. Đồng thời cứu sống các em khỏi nguy cơ tử vong vì mắc bệnh. Nhờ đó giảm thiểu tối đa các gánh nặng do bệnh tật gây ra. Đời sống của người dân từ đó cũng được nâng lên về mọi mặt.

Những năm gần đây, tình hình bệnh tật ngày càng diễn biến phức tạp cả về chủng loại và tính chất. Nhiều dịch bệnh truyền nhiễm mới nổi, tái nổi bên cạnh các bệnh không lây nhiễm phát sinh với nhiều người mắc không phân biệt giới tính, độ tuổi. Các bệnh ung thư cổ tử cung, phế cầu, cúm, tiêu chảy do vi rút rota… đã gây ra nhiều hệ lụy sức khỏe cho người dân, chi phí điều trị các bệnh này cũng rất cao.

Mặc dù đã có vắc xin phòng bệnh nhưng các loại này chỉ triển khai tiêm dịch vụ, người dân tự chi trả 100% chi phí. Việc đưa thêm 4 loại vắc xin vào trong chương trình tiêm chủng mở rộng mang nhiều ý nghĩa và đem lại nhiều lợi ích: hạn chế nguy cơ mắc bệnh, phòng dịch bệnh lây lan (đối với bệnh truyền nhiễm), giảm gánh nặng bệnh tật, áp lực với các cơ sở khám chữa bệnh, giảm hậu quả do bệnh tật gây ra…

Càng ngày ý thức về phòng chống dịch bệnh của người dân càng được nâng cao. Tiêm vắc xin phòng bệnh trở thành nhu cầu thiết thực, phổ biến. Tuy nhiên, nhu cầu và thực tế không tương xứng trở thành rào cản tiếp cận cơ hội bảo vệ sức khỏe của nhiều người. Hầu hết giá thành của các loại vắc xin dịch vụ rất cao, tỷ lệ nghịch với điều kiện kinh tế đại đa số người dân. Đặc biệt, những hộ gia đình vùng nông thôn, khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có thu nhập thấp khó tiếp cận. Do đó, việc gia tăng số lượng vắc xin có ý nghĩa rất lớn.

Theo dự kiến, vắc xin phòng vi rút rota sẽ là vắc xin đầu tiên trong 4 loại vắc xin dự kiến được đưa vào tiêm chủng mở rộng và trở thành vắc xin miễn phí thứ 12 được tiêm cho trẻ em. Hiện nước ta đã sản xuất được loại vắc xin này. Đây là yếu tố quan trọng bảo đảm nguồn lực thực hiện lâu dài mục tiêu tiêm chủng mở rộng cho người dân trên mọi miền đất nước.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam ghi nhận hơn 4.000 ca mắc ung thư cổ tử cung mới với hơn 2.000 ca tử vong mỗi năm. Cúm có xu hướng gia tăng. Số lượng bệnh nhân mắc cúm tại các cơ sở y tế và ngoài cộng đồng cao với nhiều biểu hiện
sốt, ho, sổ mũi, đau đầu… mức độ nặng và liên tục. Còn tiêu chảy do vi rút rota, mỗi năm Việt Nam ghi nhận 5.300 – 6.800 trẻ dưới 5 tuổi tử vong, chiếm 8 – 11% trường hợp tử vong ở độ tuổi này…

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thêm 4 loại vắc xin tiêm chủng mở rộng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO