Những ngày cuối năm 2021, gia đình bà Đỗ Thị Thùy, thôn Tân Lợi, xã Đắk Gằn (Đắk Mil) đang tập trung chăm sóc vườn xoài. Dự kiến, vườn xoài của bà sẽ cho thu hoạch vào dịp cuối năm.
Bà Thùy cho biết, công việc hiện nay chỉ còn chú ý tưới nước đủ để cây khỏe mạnh nhằm tăng độ đều màu cho quả khi thu hái. Bà có gần 2 ha xoài, dự kiến đạt chừng 30 tấn quả. Với giá bán khoảng 15 triệu đồng/tấn quả, bà thu về khoảng 450 triệu đồng.
Theo bà Thùy, năm 2021, dù giá cả giảm nhiều so với mọi năm, nhưng với phương châm sản xuất xoài an toàn, bà vẫn tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình sản xuất VietGAP.
Xã Đắk Gằn đã hình thành được vùng nguyên liệu xoài chất lượng cao |
Bằng các biện pháp kỹ thuật tổng hợp, gia đình hạn chế đến mức thấp nhất thuốc bảo vệ thực vật. Khi cần sử dụng thuốc, bà đều làm đúng hướng dẫn của nhà xuất, không lạm dụng, bảo đảm thời gian phun, xịt để sản phẩm không bị tồn dư chất độc hại.
Theo UBND huyện Đắk Mil, trong bối cảnh ảnh hưởng dịch bệnh, nhưng địa phương vẫn động viên người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã chủ động sản xuất. Trong đó, việc ứng dụng các giống mới, chất lượng cao, áp dụng quy trình ATTP được coi trọng để thuận lợi trong tiêu thụ.
Không chỉ Đắk Mil, thời gian qua, ngành chức năng, các huyện, thành phố đã đẩy mạnh hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở, hộ dân áp dụng các quy trình tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh.
Trong đó, khâu thực hành nông nghiệp tốt VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ ngày càng được nhà nông nhân rộng, tăng nhanh về quy mô, số hộ tham gia. Từ đây, nhiều sản phẩm được sản xuất ra đều có chất lượng cao, bảo đảm ATTP.
Toàn tỉnh đang có trên 140 cơ sở được sản xuất, chứng nhận đạt các tiêu chuẩn nông nghiệp tốt, an toàn, với tổng diện tích hơn 21.000 ha, sản lượng khoảng 88.200 tấn/năm. Trong đó, nhiều đơn vị, vùng trồng được chứng nhận với diện tích lớn, góp phần quan trọng vào việc hình thành các vùng sản xuất hàng hóa chất lượng, ổn định thị trường tiêu thụ. |
Theo bà Nguyễn Thị Tình, Phó Giám đốc Sở NN - PTNT, thời gian qua, các đơn vị chuyên môn đã đồng hành với người sản xuất, nhất là các tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp, để đẩy mạnh khâu sản xuất đạt tiêu chuẩn về ATTP.
Điều này đã góp phần bảo vệ sức khỏe người sản xuất, bảo vệ môi trường, hướng đến đáp ứng tốt hơn các yêu cầu của người tiêu dùng. Hằng năm, các đơn vị chuyên môn tiến hành thẩm định điều kiện bảo đảm ATTP đối với các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Từ đó, nhằm kịp thời phát hiện, xử lý những vi phạm, hướng dẫn khắc phục.
Sản xuất ca cao bột tại HTX Nông nghiệp Krông Nô đạt tiêu chuẩn ATTP |
Bà Tình cho biết thêm: “Sản xuất, sản phẩm tuân thủ các quy định về ATTP là một nội dung trong tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt. Điều này sẽ góp phần nâng cao chất lượng nông sản của tỉnh, hướng đến nâng cao giá trị, hình thành các chuỗi sản phẩm bền vững, liên kết với nhà chế biến, tiêu thụ”.
Hiện nay, Sở NN - PTNT đang đẩy mạnh phối hợp với các sở, ngành, địa phương, các tỉnh, thành phố khác để bảo đảm các hoạt động sản xuất, thu hoạch, tiêu thụ nông, lâm, thủy sản, giảm thiểu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.