Thể thao thành tích cao Đắk Nông nỗ lực khẳng định mình
Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng thể thao thành tích cao (TTTTC) của tỉnh Đắk Nông đã gặt hái được nhiều kết quả, từng bước khẳng định vị thế của mình trong làng thể thao cả nước. Phóng viên Báo Đắk Nông đã có cuộc trao đổi với ông Lê Ngọc Quang, Giám đốc Sở VHTT-DL tỉnh Đắk Nông xung quanh vấn đề này.
PV: Từ khi thành lập tỉnh đến nay, TTTTC tỉnh Đắk Nông đã đạt được những kết quả như thế nào, thưa ông?
Ông Lê Ngọc Quang: Trước khi thành lập tỉnh, nhìn chung TTTTC của Đắk Nông gần như là “điểm trắng” trên bản đồ thể thao của cả nước. Thành tích tham gia các giải thể thao khu vực, toàn quốc không đáng kể.
Với tinh thần vượt khó và sự quan tâm của địa phương các cấp, TTTTC của tỉnh Đắk Nông đã vượt qua những khó khăn và gặt hái được nhiều kết quả đáng khích lệ. Ngày cuối năm 2004, tại Giải vô địch Wushu toàn quốc, VĐV Lê Hữu Phước đã vượt qua các đối thủ “nặng ký” và mang về tấm HCV đầu tiên cho tỉnh. Bắt đầu từ đây, TTTTC của Đắk Nông đã có những bước phát triển mang tính đột phá, từng bước khẳng định vị thế của mình.
Số lượng VĐV tham gia các giải khu vực cũng như toàn quốc ngày càng tăng. Trung bình mỗi năm, đoàn VĐV Đắk Nông đạt 20-30 huy chương các loại. Trong giai đoạn 2004-2010, Đắk Nông có 100 huy chương các loại. Chỉ tính riêng năm 2022, các đoàn VĐV tỉnh Đắk Nông tham gia 8 giải và đạt 14 huy chương (2 HCV, 3 HCB, 9 HCĐ).
Hiện tại, Đắk Nông đang tập trung đào tạo 6 môn thể thao gồm: kickboxing, taekwondo, đua thuyền, điền kinh, võ cổ truyền… với 35 VĐV có độ tuổi từ 14-25 tuổi. Những VĐV kỳ cựu vẫn luôn duy trì phong độ đạt thành tích cao tại các giải thi đấu, đáp ứng sự kỳ vọng của ban huấn luyện và hoàn thành mục tiêu đề ra.
Nhiều vận động viên được phong đẳng cấp kiện tướng, cấp 1 quốc gia; được triệu tập vào các đội tuyển trẻ, đội tuyển quốc gia, góp phần nâng cao vị thế của thể thao Đắk Nông. Tín hiệu vui trong sự gia tăng về thành tích, quy mô đào tạo, TTTTC của Đắk Nông có sự chuyển biến mạnh mẽ về chất.
Tỉnh Đắk Nông có 4 VĐV được đầu quân vào Đội tuyển quốc gia để luyện tập gồm: VĐV Vũ Trường Giang (võ cổ truyền), VĐV Vi Văn Duyệt (kickboxing), Lê Xuân Trường (taekwondo), Đặng Quỳnh Bích (kickboxing)...
PV: Tỉnh Đắk Nông đã có sự quan tâm, đầu tư cho lĩnh vực thể thao thành tích cao như thế nào?
Ông Lê Ngọc Quang: Không phải ngẫu nhiên thể thao Đắk Nông có được vị thế như hôm nay mà là công sức của nhiều thế hệ dồn hết tâm sức phấn đấu. Cấp ủy, chính quyền các cấp đã quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư kinh phí để phát triển các thiết chế văn hóa, thể dục thể thao phục vụ nhu cầu tập luyện thể dục thể thao của Nhân dân.
Các chính sách quan tâm, đầu tư trang thiết bị, dụng cụ tập luyện cho ngành thể thao được ban hành. Hằng năm, từ nguồn ngân sách tỉnh, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT đều được cấp kinh phí để mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động luyện tập.
Đặc biệt, chế độ dinh dưỡng dành cho các vận động viên cũng được thực hiện đúng theo tinh thần Nghị quyết 08/NQ-HĐND tỉnh Đắk Nông và Quyết định số 1171 của UBND tỉnh Đắk Nông về Quy định mức chi và việc sử dụng kinh phí thực hiện chế độ dinh dưỡng đối với HLV, VĐV thể thao thành tích cao tỉnh Đắk Nông. Đây là động lực tinh thần giúp các VĐV tự tin và cố gắng luyện tập và thi đấu.
PV: Khó khăn trong phát triển TTTTC của tỉnh là gì thưa ông?
Ông Lê Ngọc Quang: Dù đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng TTTTC của tỉnh vẫn còn những hạn chế, khó khăn và chưa đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới. Thành tích đạt được chưa có cơ sở vững chắc để phát triển ổn định, chưa mang tính chuyên nghiệp.
Mặt khác, đặc thù của lĩnh vực TTTTC là thời gian đào tạo dài, thậm chí mất nhiều năm mới có được một VĐV chuyên nghiệp. Trong khi đó, hệ thống cơ sở vật chất phục vụ công tác đào tạo VĐV của tỉnh tuy đã được cải thiện nhưng còn thiếu và chưa đồng bộ. Kinh phí dành cho công tác đào tạo VĐV, bảo đảm chế độ dinh dưỡng, thi đấu, tập trung VĐV… còn hạn hẹp. Bên cạnh đó, việc phát hiện, đào tạo VĐV năng khiếu, nhất là qua các giải thể thao từ tỉnh đến cơ sở còn ít.
PV: Để phát triển TTTTC thì thời gian tới, ngành có định hướng phát triển như nào?
Ông Lê Ngọc Quang: TTTTC có vị trí quan trọng trong phát triển thể dục thể thao, nâng cao sức khỏe và thể lực con người. Đây cũng là một nhiệm vụ chính trị quan trọng nhằm phát huy truyền thống của dân tộc, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá, tinh thần, rèn luyện sức khỏe của Nhân dân và góp phần khẳng định, nâng cao vị thế của địa phương, đất nước.
Mặt khác, đầu tư cho TDTT nói chung TTTTC nói riêng là đầu tư cho con người, cho sự phát triển của đất nước, tỉnh. Do đó, cùng với tăng tỷ lệ chi ngân sách, cần huy động các nguồn lực xã hội đầu tư xây dựng cơ sở vật chất TDTT và đào tạo VĐV TTTTC, bảo đảm điều kiện phục vụ tốt cho công tác đào tạo, huấn luyện VĐV các đội tuyển của tỉnh.
Cùng với đó, toàn tỉnh tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” sâu rộng trong Nhân dân để phát hiện, bồi dưỡng các VĐV TTTTC bổ sung cho các đội tuyển và tương lai thể thao Đắk Nông.
Đi đôi với đó, mỗi cán bộ, công chức, viên chức, huấn luyện viên, VĐV cần năng động, sáng tạo, nỗ lực tập luyện để duy trì, vươn tới thành tích mới.
PV: Xin cảm ơn ông!