Thể thao Đắk Nông trước chặng đường mới
So với nhiều địa phương khác trong cả nước, Đắk Nông có nền thể thao tương đối trẻ. Thể thao đỉnh cao còn ở mức khiêm tốn. Địa phương đang nỗ lực hướng tới mục tiêu phát triển thể thao mạnh mẽ hơn.
Thể thao phong trào khởi sắc
Sau gần 20 năm thành lập tỉnh, dù khó khăn về kinh tế, đến nay tỉnh Đắk Nông đã đầu tư, xây dựng được cơ sở hạ tầng về thể dục thể thao (TDTT) khá đồng bộ.
Từ nguồn ngân sách của tỉnh, các cấp, ngành và các địa phương đã đầu tư được nhiều cơ sở hạ tầng về TDTT. Hiện toàn tỉnh có 1 nhà tập luyện và thi đấu TDTT cấp tỉnh; 101 sân bóng đá mini cỏ nhân tạo; 33 sân quần vợt, 314 sân bóng chuyền, 310 sân cầu lông, 9 sân bóng rổ, 21 bể bơi các loại, 2 sân vận động, 37 nhà tập luyện đa năng trong các trường học...
Nhờ đó, phong trào luyện tập TDTT phát triển rộng khắp, số người dân tham gia luyện tập TDTT ngày càng tăng lên. Trung bình mỗi năm, trên địa bàn tỉnh tổ chức được khoảng gần 30 giải thể thao phong trào.
Bên cạnh thể thao quần chúng, tỉnh đã quan tâm đến thể thao thành tích cao. Gần 20 năm qua, các vận động viên thành tích cao của tỉnh đã mang về hàng chục bộ huy chương các loại. Trong số đó, nhiều huy chương vàng ở các bộ môn võ thuật, điền kinh, thể thao dân tộc...
“Khát” thể thao đỉnh cao
Việc phát triển thể thao thành tích cao, sau nhiều năm vẫn giẫm chân tại chỗ, chưa có nhiều đột phá. So với các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung, Đắk Nông có rất ít bộ môn và đội tuyển thể thao thành tích cao.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT và DL), do nguồn kinh phí của tỉnh cấp còn hạn hẹp nên ngành chưa mở rộng thêm nhiều bộ môn thành tích cao. "Để duy trì một đội tuyển thành tích cao, đơn cử như một đội bóng chuyền, mỗi năm phải mất hàng chục tỷ đồng. Có tỉnh chi hàng trăm tỷ đồng cho đội tuyển bóng đá. Trong khi đó, tỉnh ta chưa có điều kiện để phát triển", một lãnh đạo Sở VHTT và DL chia sẻ.
Từ thực tế đó, khiến cho người dân tại địa bàn “khát” nhu cầu thưởng thức các môn thể thao thành tích cao.
Nắm bắt nhu cầu của người dân, những năm qua, ngành VHTT và DL tỉnh đã nỗ lực tham mưu UBND tỉnh đăng cai các giải đấu cấp quốc gia, các bộ môn thuộc đại hội TDTT toàn quốc.
Một số giải đấu được người dân nồng nhiệt đón nhận như bóng chuyền nam, nữ các đội mạnh toàn quốc, Giải bóng chuyền nữ quốc tế VTV - Bình Điền ...
Đơn cử, Giải bóng chuyền nữ quốc tế VTV - Bình Điền có sự tham dự của các vận động viên bóng chuyền nữ quốc gia: Kim Huệ, Ngọc Hoa, Hà Thị Hoa....thi đấu. Ngoài được đến xem các vận động viên thi đấu, người hâm mộ còn có dịp giao lưu với thần tượng của mình. Thậm chí để phục vụ người dân, tỉnh đã đầu tư kinh phí hàng tỷ đồng để nâng cấp Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT tỉnh.
Trong năm 2023, ngành VHTT và DL đã tham mưu cho tỉnh đăng cai tổ chức giải dù lượn toàn quốc dự kiến vào tháng 4 với sự tham dự của 100 phi công trong cả nước. Cuối năm sẽ đăng cai giải bóng chuyền nam, thuộc vòng 2 vô địch quốc gia 2023.
Trong 5 năm trở lại đây, tỉnh Đắk Nông đã đăng cai được gần chục giải đấu thể thao mang tầm cỡ quốc gia. Đơn cử, giải bóng chuyền cúp PV - Đạm Cà Mau và giải vô địch cup các câu lạc bộ kickboxing toàn quốc (2019); giải vô địch bóng chuyền U23 quốc gia và giải đua thuyền truyền thống vô địch quốc gia (2020); giải quần vợt vô địch đồng đội quốc gia – Đắk Nông (2021); giải xe đạp Quốc tế Truyền hình Bình Dương năm 2023- Cúp Number 1... Các giải đấu phần nào đáp ứng được nhu cầu thưởng thức thể thao đỉnh cao của người dân tại địa bàn.
Phấn đấu duy trì giải quốc gia
Những giải đấu mà Đắk Nông đăng cai tổ chức thời gian qua có quy mô vừa, chưa mang tính ổn định. Nhiều giải đấu tỉnh xin đăng cai nhưng không đáp ứng được yêu cầu.
Nhiều đoàn thể thao đến Đắk Nông than thở về nơi ở, luyện tập và nơi thi đấu xa nhau nên gây khó khăn cho vận động viên. Do tỉnh không có sân bay nên việc di chuyển từ sân bay về Đắk Nông khá xa, ảnh hưởng nhiều đến các đội tham gia.
Trong chiến lược phát triển TDTT đến năm 2035, tỉnh đặt nhiều mục tiêu cụ thể. Trong đó, có chỉ tiêu tuyển chọn và đào tạo 250 vận động viên thể thao thành tích cao. Trong đó có khoảng 15 vận động viên đội tuyển quốc gia, 5 vận động viên đạt thành tích quốc tế.
Ngành VHTT và DL đặt mục tiêu mỗi năm duy trì, tổ chức 2 giải cấp quốc gia để phục vụ nhu cầu của người dân.
Theo lãnh đạo Sở VHTT và DL tỉnh Đắk Nông, để thực hiện được mục tiêu trên, tỉnh đã quy hoạch 1 khu liên hợp TDTT có diện tích khoảng 37 ha tại TP. Gia Nghĩa. Đây là tiền đề quan trọng để nền TDTT của tỉnh phát triển.
Tuy nhiên, ngoài kế hoạch phát triển về hạ tầng, hằng năm, tỉnh cần tăng tỷ lệ chi ngân sách nhà nước, ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và cần phát huy được các nguồn lực của xã hội để phát triển TDTT. Có như vậy mới thực hiện được mục tiêu đề ra và ngày càng phục vụ tốt hơn nhu cầu về TDTT của người dân.