Thí sinh tập trung chuẩn bị đưa ra đáp án trả lời. (Ảnh: XUÂN HƯNG) |
Cuộc thi được tổ chức dưới dạng trực tiếp và trực tuyến với sự tham gia của các thí sinh từ các trường đại học giảng dạy tiếng Việt ở khắp nước Nga.
Phát biểu khai mạc cuộc thi, bà Marina Chigasheva, Phó Giáo sư ngôn ngữ học, Trưởng ban Đào tạo ngôn ngữ MGIMO, nhấn mạnh, Việt Nam luôn đóng vai trò quan trọng trong chính sách đối ngoại của Nga.
Hai bên thường xuyên trao đổi các cuộc tiếp xúc cấp cao, trong đó hoạt động gần đây nhất là cuộc điện đàm giữa Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 26/3. Hai nhà lãnh đạo đã đề cập đến hợp tác kinh tế, thương mại và nhiều hướng hợp tác khác.
Thí sinh tập trung chuẩn bị đưa ra đáp án trả lời. (Ảnh: XUÂN HƯNG) |
Theo bà Marina Chigasheva, do nhu cầu thực tế phát triển quan hệ giữa Việt Nam và Liên bang Nga công tác giảng dạy tiếng Việt ở Nga, đặc biệt là việc đào tạo sinh viên Nga trong lĩnh vực dịch thuật ngôn ngữ này, đang được nhiều trường đại học ở Nga quan tâm, chú trọng. Vì vậy, cuộc thi dịch thuật tiếng Việt toàn Nga lần này có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Đồng quan điểm với bà Marina Chigasheva, ông Đoàn Khắc Hoàng, Tham tán Đại Sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga đánh giá cao việc tổ chức cuộc thi dịch thuật tiếng Việt toàn Nga lần thứ 3.
Ông Đoàn Khắc Hoàng cho rằng, Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga luôn ủng hộ những sáng kiến mới, hiệu quả để thúc đẩy việc giảng dạy, học tiếng Việt tại Nga.
Tham tán Đoàn Khắc Hoàng kỳ vọng, cuộc thi dịch thuật tiếng Việt toàn Nga sẽ tiếp tục được tổ chức thường niên, trở thành “sân chơi” khám phá tri thức bổ ích dành cho sinh viên Nga đang nghiên cứu tiếng Việt.
Thí sinh dịch từ tiếng Nga sang tiếng Việt. (Ảnh: XUÂN HƯNG) |
Tham gia cuộc thi năm nay gồm 21 thí sinh, được phân theo cấp độ như sau: Chín thí sinh đang theo học hệ cử nhân năm thứ 3-4, bảy thí sinh hệ cử nhân năm thứ 2, năm thí sinh hệ thạc sĩ.
Các thí sinh phải trải qua các phần dịch xuôi từ tiếng Nga sang tiếng Việt và dịch ngược từ tiếng Việt sang tiếng Nga. Ngoài dịch đúng, nhanh, Ban Giám khảo còn đánh giá các yếu tố bổ sung như cách phát âm, tâm lý, điệu bộ, cử chỉ người dịch…
Kết quả, ở nhóm thí sinh hệ cử nhân năm thứ 2, giải Nhất thuộc về Sofia Pavlovna (Đại học ngôn ngữ quốc gia Moskva-MSLU). Giải Nhì và giải Ba lần lượt thuộc về Pavel Boldakov (MGIMO) và Polina Serpukhova (MGIMO).
Ở nhóm thí sinh hệ cử nhân năm thứ 3-4, Naina Damerlanovna (MSLU) giành giải Nhất, giải Nhì thuộc về Polina Alexandrovna (MGLU), còn giải Ba thuộc về Dyana Denisova (Đại học tổng hợp quốc gia Saint Petersburg).
Ông Andrey Tatarinov, Đại sứ Nga tại Việt Nam (2001-2004) trao tặng Giải thưởng. (Ảnh: XUÂN HƯNG) |
Trong nhóm thạc sĩ, không có giải nhất. Evgeny Albertovich (Trường kinh tế cấp cao) giành giải Nhì. Giải ba thuộc về bạn Stepan Mikhalevich (MGIMO). Ngoài ra, một số thí sinh còn nhận giải phụ như giải thưởng dành cho thí sinh phát âm tốt nhất, dịch câu ngắn hay nhất, có ý chí chiến thắng.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Quỹ thúc đẩy phát triển hợp tác Nga-Việt “Truyền thống và hữu nghị”, cho biết, hiện nay đang tồn tại “khoảng cách” giữa những người Nga nghiên cứu tiếng Việt, do vậy việc đào tạo các nhà Việt Nam học đang là vấn đề hết sức cấp thiết. Quỹ “Truyền thống và hữu nghị” đang kỳ vọng thúc đẩy, ủng hộ phát triển tiếng Nga, thế giới Nga tại Việt Nam, cũng như phổ biến tiếng Việt, văn hóa Việt Nam tại Nga.
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, hiện nay ở Nga đã tổ chức cuộc thi dịch thuật tiếng Việt toàn Nga ở cấp đại học. Thời gian tới, ông mong muốn ở cấp trung học phổ thông tại Nga cũng sẽ tổ chức cuộc thi tương tự.
Lần đầu tham gia cuộc thi, bạn Arina, sinh viên năm thứ 2 Đại học ngôn ngữ quốc gia Moskva chia sẻ, mặc dù bản thân đã có sự chuẩn bị rất kỹ cho cuộc thi nhưng khi trả lời câu hỏi của giám khảo vẫn rất hồi hộp.
Thành phần Ban giám khảo cuộc thi. (Ảnh: Xuân Hưng) |
Theo Arina, cuộc thi quy tụ nhiều sinh viên xuất sắc, am hiểu sâu về chính trị, xã hội, đời sống, văn hóa Việt Nam. Đây là cuộc thi đòi hỏi kiến thức rộng, tư duy nhanh nhạy và kỹ năng dịch thuật tốt.
Arina cho biết, sang năm cô sẽ vẫn tiếp tục đăng ký tham gia cuộc thi và sau khi ra trường mong trở thành nhà phiên dịch tiếng Việt xuất sắc.
Nhấn mạnh cuộc thi là một trải nghiệm hết sức thú vị, bạn Mikhail Stepanishchev đang học chương trình thạc sĩ tại MGIMO khẳng định, cuộc thi giúp bản thân tự tin hơn trong việc nói và dịch tiếng Việt.
Mikhail chia sẻ, trong cuộc thi năm nay, có nhiều sinh viên giỏi, điều này tạo áp lực rất lớn cho những người lần đầu tham dự, nhưng qua cuộc thi đa số các bạn đều nhận xét rằng, bản thân có nhiều thông tin, hiểu biết hơn về Việt Nam và đặc biệt rất ấn tượng đối với chính sách đối ngoại thời gian gần đây của Việt Nam. Mikhail cũng có ước mong sẽ trở thành nhà phiên dịch tiếng Việt tài năng.
Cùng ngày, trong khuôn khổ cuộc thi đã diễn ra Hội nghị bàn tròn với chủ đề “Quan hệ Nga-Việt Nam: Kinh nghiệm thực tế ngoại giao”. Tại Hội nghị, các diễn giả đã thảo luận sôi nổi về thực trạng quan hệ Nga-Việt Nam gần đây, đưa ra những giải pháp thúc đẩy quan hệ hai nước trong nhiều lĩnh vực như chính trị, văn hóa, du lịch…
Hội nghị bàn tròn. (Ảnh: Xuân Hưng) |
Trên cơ sở các cuộc trao đổi, thảo luận này, sinh viên Nga nghiên cứu tiếng Việt đã mạnh dạn đưa ra các câu hỏi, đề nghị các diễn giả là những người đã và đang công tác trong lĩnh vực đối ngoại và từng có thời gian làm việc tại Việt Nam để họ giải đáp, truyền đạt kinh nghiệm.
Sau khi lắng nghe, tiếp thu kinh nghiệm thực tế của các nhà ngoại giao chuyên nghiệp, các bạn trẻ Nga có mặt tại hội nghị rất ấn tượng. Nét mặt, đôi mắt của họ dường như chứa đựng sự ngưỡng mộ, khao khát bản thân sẽ trở thành những nhà phiên dịch và ngoại giao giỏi trong tương lai, qua đó góp phần thúc đẩy, làm sâu sắc hơn quan Đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Liên bang Nga.